Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1430/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ quốc gia.
Công văn nêu, xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 725/BCT-KHCN ngày 1/2/2024 về việc báo cáo tình hình xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ quốc gia, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
Bộ Tài chính nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình, trình tự xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia, trong đó có mặt hàng về xăng dầu. Trên cơ sở đó, khẩn trương chủ trì phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất việc tổ chức thực hiện xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm đúng quy trình, trình tự theo quy định và đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ
Trước đó, Bộ Công Thương đã gửi Chính phủ bày tỏ có vướng mắc trong việc xây dựng quy chuẩn về xăng dầu dự trữ quốc gia. Bởi theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng dự trữ quốc gia; chủ trì xây dựng, rà soát, sửa đổi, ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với hàng dự trữ quốc gia, trong đó có mặt hàng xăng dầu.
Song Bộ Công Thương nêu vướng mắc là các luật liên quan lại không quy định quy trình riêng về việc một bộ xây dựng dự thảo quy chuẩn và chuyển sang bộ khác ban hành. Dẫn tới, dù Bộ Công Thương đã hai lần xây dựng dự thảo quy chuẩn và gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành, song đến nay quy chuẩn này vẫn chưa được ban hành.
Việc này theo Bộ Công Thương, cũng phù hợp với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra công tác quản lý kinh doanh xăng dầu.
Bởi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến 30-6-3022, dự trữ xăng dầu quốc gia mới chỉ đạt khoảng 7 ngày sử dụng, không đáp ứng mức dự trữ theo quy định là 14 ngày, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng
Thanh tra Chính phủ nêu rõ từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ có thông báo kết quả thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ.
Điều này dẫn tới cơ quan có thẩm quyền thiếu cơ sở để xây dựng, ban hành định mức mới thay thế định mức chi phí, định mức hao hụt trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia đã áp dụng từ năm 2003, với chi phí là 14.893 đồng/m3/tháng.
Hiện nay Bộ Công Thương đang giao cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Nhiên liệu bay bảo quản hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Việc quy định trên đã tạo nên khó khăn khi yêu cầu doanh nghiệp phải bảo quản, cất trữ riêng xăng dầu dự trữ, hay việc luân phiên, đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia cũng chưa thực hiện theo đúng quy định.
Theo TS. Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng hiện nay, xăng dầu dự trữ quốc gia chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia để quản lý. Theo quy định pháp luật về dự trữ quốc gia, bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ xây dựng dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật xăng dầu dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu dự trữ trong thời gian qua còn chậm
Việc chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xăng dầu dự trữ dẫn đến khó khăn về cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng và thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý hao hụt và chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản. Chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nên phải vận dụng quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để tính mức hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác.