Vẫn nhức nhối sở hữu chéo
Với lộ trình tái cơ cấu giai đoạn II kéo dài từ 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra với hệ thống ngân hàng là bên cạnh việc tiếp tục xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và quản trị ngân hàng… thì việc sở hữu chéo kỳ vọng sẽ được xử lý quyết liệt hơn trong năm 2017.
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và hiện còn nắm dưới 5% vốn từ mức 8,96% trước đó; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigonbank) từ 10,39% xuống 4,91% vốn.
Trong khi đó, còn không ít ngân hàng đứng trước khả năng không thể thoái vốn theo quy định. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng (MB, Eximbank, OCB và Saigonbank) và 1 công ty tài chính, trong đó 3 trên 5 tổ chức có tỷ lệ sở hữu vượt 5%.
NHNN khẳng định tiếp tục quyết liệt xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Ảnh: BM |
Hay trường hợp của Eximbank, ngân hàng này có hai cổ đông lớn gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation chiếm tỷ lệ 15,13% và Vietcombank chiếm 8,8%; các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ Eximbank chiếm 76,81%. Trong khi đó, Eximbank lại đang nắm giữ hơn 9% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cuối tuần qua, NHNN gửi dự thảo đầu tiên Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này dành riêng một phần nội dung để giải quyết sở hữu chéo – một trong những khối “u ác tính” của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được cắt bỏ.
Cần mạnh tay
NHNN khẳng định sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn vay từ các TCTD để góp vốn mua cổ phần cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo. Điều này không phản ánh thực chất cơ cấu, năng lực cổ đông tại các TCTD và tiềm ẩn rủi ro lớn.
Vì vậy, NHNN cho biết sẽ quy định khắt khe hơn nữa đối với người mua cổ phần và tham gia điều hành ngân hàng để hạn chế rủi ro, chẳng hạn cổ đông lớn ngân hàng sẽ phải chứng minh nguồn tiền mua cổ phiếu. Giải pháp mà cơ quan này đưa ra là bổ sung quy định trong Luật Các TCTD về nguồn vốn góp, mua cổ phần của TCTD, theo hướng nguồn vốn có được do các TCTD cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của bất kỳ TCTD nào.
Với giải pháp trên, theo NHNN, sẽ hạn chế được sở hữu chéo, minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, đảm bảo các cổ đông lớn tại TCTD có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp là vốn “ảo” do chủ yếu từ nguồn vốn vay tại TCTD, giúp cho hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất.
Ngoài ra, việc hạn chế được sở hữu chéo, hạn chế vốn “ảo” sẽ giúp lành mạnh hoạt động hệ thống, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền vào hệ thống TCTD. Hiện giải pháp trên vẫn đang được NHNN hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp để đưa vào đề xuất một cách chính thức.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch của ngành ngân hàng năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng, cần phải có những quy định rõ ràng để ngăn ngừa việc thao túng, sử dụng tài sản của ngân hàng cho một nhóm công ty liên quan, có như vậy hệ thống ngân hàng mới lành mạnh, an toàn và bền vững hơn.
Điều 20 của Thông tư 36 (nay là Thông tư 06) quy định giới hạn về việc ngân hàng thương mại mua và nắm giữ cổ phần của các TCTD khác. Theo đó, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng thương mại tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng. Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc giảm tỷ lệ sở hữu cũng như thoái vốn tại các ngân hàng theo quy định chưa được thực hiện triệt để. |
Mai Trinh