Bộ Xây dựng: Giá đất nền đã giảm 10-20% so với hồi cao điểm

(CL&CS) - Trong báo cáo mới nhất, Bộ Xây dựng khẳng định thị trường đất nền đã có hiện tượng giảm giá mạnh 10-20% so với hồi cao điểm.

Bộ Xây dựng vừa công bố một Báo cáo toàn cảnh về kết quả thực hiện của toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh đến giá căn hộ chung cư tại các địa phương tiếp tục có xu hướng tăng theo quý.

Cụ thể, trong quý 2 vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ đều tiếp tục tăng 2-7 % so với quý 1 do khan hiếm nguồn cung mới. Giá nhà ở tại nhiều địa phương cũng tiếp tục tăng nhẹ, với mức tăng khoảng 3%. Một số địa phương có mức giá bình quân khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung của cả nước là Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều nơi đã tăng 5-9% so với quý 1.

Ngược lại, giá bất động sản cho thuê như căn hộ dịch vụ, văn phòng… vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, khoảng 1-3%. Riêng mặt bằng bán lẻ, nhà phố, giá cho thuê đã giảm 10 -30% tại các thành phố lớn. 

Về đất nền, báo cáo Bộ Xây dựng cho biết sau khi xảy ra tình trạng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực, địa phương hồi đầu năm, đến nay thị trường đã cơ bản được kiểm soát và đi vào ổn định.

Bộ Xây dựng cũng nhận định tại thời điểm này, kinh doanh địa ốc trong lĩnh vực bán lẻ và du lịch - nghỉ dưỡng là hoạt động gặp nhiều khó khăn nhất.

Về đất nền, báo cáo Bộ Xây dựng cho biết sau khi xảy ra tình trạng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực, địa phương hồi đầu năm, đến nay thị trường đã cơ bản được kiểm soát và đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm, tuy nhiên lượng giao dịch ở loại hình này vẫn thấp.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Công tác phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do lợi nhuận thấp.

Cùng với khó khăn về nguồn vốn, thì diễn biến phức tạp của đại dịch cũng làm chậm tiến độ các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới có 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng.

Về công tác quản lý xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết 6 tháng đầu năm, thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư.

Theo đó, đã yêu cầu nhiều chủ đầu tư quyết toán để chuyển trả kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư số tiền 338,6 tỷ đồng; buộc trả lại cho người dân 2.080 m2 thuộc diện tích sở hữu chung đã bị chiếm dụng; xử phạt vi phạm hành chính 8 chủ đầu tư với số tiền 1,03 tỷ đồng; cảnh cáo một số chủ đầu tư do cung cấp hồ sơ tài liệu không đầy đủ, thiếu trung thực.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố thông tin về thị trường này.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ với các chính sách, pháp luật có liên quan; tiếp tục đôn đốc các địa phương thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

TIN LIÊN QUAN