Gần đây có nhiều thông tin phản ánh việc PVcomBank Nam Đồng tư vấn cho khách hàng về lãi suất vượt trần trái quy định của NHNN. |
Bỏ trần lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến hết tháng 9/2016, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống so với đầu năm đạt 11%, bằng mức tăng cùng kỳ năm 2015; tín dụng cho vay tiêu dùng tới hết tháng 8 tăng 29%. Cơ quan này đánh giá, chất lượng tín dụng đã được kiểm soát chặt và mở rộng tín dụng với bất động sản, cho vay trung và dài hạn.
NHNN cho biết các ngân hàng thương mại chủ động cân đối vốn để tránh rủi ro trong hoạt động. NHNN cũng đã cung ứng lượng tiền lớn qua kênh thu mua ngoại tệ và không hút mạnh tiền về, để tạo nguồn thanh khoản dồi dào cho hệ thống, giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.
Trong phiên họp thường kỳ quý 3/2016 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng hiện đang áp mức 5,5%.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN, các bộ, ngành liên quan rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại, trên cơ sở kiến nghị của các thành viên hội đồng.
Sau khi thông tin này được phát đi, đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía các chuyên gia cùng những người làm trong lĩnh vực ngân hàng. Theo các chuyên gia, vấn đề này cũng cần được nghiên cứu và có những bước đi thận trọng. Bởi trước đó, vào năm 2002, NHNN đã tự do hóa lãi suất với VND. Tuy nhiên, trước hiện tượng các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu, chạy đua lãi suất trong giai đoạn 2008-2011, NHNN đã quay trở lại áp trần lãi suất. Đồng thời, thông qua trần lãi suất, NHNN cũng muốn kìm hãm mức lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng giai đoạn 2011-2013.
Sau đó, NHNN từng cam kết sẽ bãi bỏ việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngay khi đủ điều kiện. Nhưng cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng dần, trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực. Sau đó, các ngân hàng thương mại có vốn của NHNN đã giảm lãi suất huy động ngắn hạn, hiện tại đến thời điểm này vẫn chỉ có Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) theo chân các “ông lớn” trong ngành hạ lãi suất huy động.
Hiện mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì; lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4-5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4-6,8%/năm.
Ngân hàng không phải dùng “chiêu trò”
Gần đây có nhiều thông tin phản ánh việc Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) Nam Đồng tư vấn cho khách hàng về lãi suất vượt trần trái quy định của NHNN. Hay trong đại án ngành ngân hàng như siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Phạm Công Danh tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) lộ ra nhiều vấn đề liên quan. Chuyện các ngân hàng vượt trần lãi suất dường như không còn là chuyện mới mẻ của ngành. Theo các chuyên gia, nếu không sớm bỏ trần thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng ngân hàng lách trần lãi suất, có thể tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng.
Nguyên nhân của việc lách trần lãi suất, đi đêm với khách hàng, cũng vì một số ngân hàng đói vốn, buộc phải tăng sức cạnh tranh bằng cách đi đêm lãi suất với khách hàng hoặc bằng các gói ưu đãi để lôi kéo được khách VIP nhằm thu hút vốn, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Nhận thấy được vấn đề này, vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến cáo, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung - cầu vốn.
Cũng đồng ý với việc bỏ trần lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đây là thời điểm thích hợp để gỡ hết trần lãi suất, thả nổi lãi suất. Bởi còn giữ trần là còn làm khổ ngân hàng, ép họ phải lách trần và theo đó lãi suất càng khó giảm.
Hiện lãi suất ở nước ta đang bị định bởi mệnh lệnh hành chính, ý muốn chủ quan của NHNN. Như vậy sẽ làm méo mó, lệch lạc thị trường, tạo ra môi trường để các ngân hàng lách trần, gây ra những hậu quả khó lường về sau.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, việc áp trần lãi suất huy động cũng khiến các ngân hàng “rất khổ” khi phải dùng đủ “chiêu trò” để thu hút khách hàng. Khi thả nổi lãi suất, ngân hàng nào cần vốn sẽ tăng lãi suất lên, điểm sẽ cao hơn điểm bình quân và ngân hàng dư thừa vốn thì điểm sẽ thấp hơn điểm bình quân. Người dân sẽ nhìn vào đó để đánh giá ngân hàng nào đáng tin tưởng và mang lại lợi nhuận để họ gửi tiền vào.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu và ý kiến của một số chuyên gia trong ngành khi chia sẻ về vấn đề này đều cho rằng, việc bỏ trần lãi suất huy động là điều cần thiết song việc này không phải không có mặt trái. Chính vì thế, cần nghiên cứu đánh giá tác động, theo dõi sát thị trường trong vài tháng và có thể áp dụng từ đầu năm 2017 chẳng hạn. Thậm chí sau khi bỏ trần một thời gian mà có gì không ổn, thì đặt lại trần lãi suất cũng hết sức bình thường.
Mai Thoa