Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) vừa có báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tháng 2/2021. Cụ thể theo Cục TCDN, trong tháng 2/2021, có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thoái vốn tại 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn thoái của các doanh nghiệp là 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn với giá trị 8 tỷ đồng, thu về 23,6 tỷ đồng.
Về thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, có 8 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với tổng giá trị vốn thoái là 233,5 tỷ đồng, thu về 2.080 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Cục TCDN, trong 2 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 86 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ CPH, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn thoái của các doanh nghiệp là 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Ảnh: minh họa
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác CPH, thoái vốn bị chậm là do nhiều doanh nghiệp lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Vướng mắc về đất đai đã làm cản trở tiến trình CPH, một phần do các doanh nghiệp chỉ đến khi CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc phát sinh liên quan đến đất đai chậm được giải quyết dứt điểm, né tránh trách nhiệm trong xem xét, xử lý tồn tại, thiếu sót trong thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Cơ quan này cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 161/NQ-CP về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan tham gia về dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, để DNNN là một lực lượng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cục TCDN cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện CPH các doanh nghiệp quy mô lớn đã bàn giao về Ủy ban, đảm bảo khả thi, hiệu quả theo quy định và nội dung triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt…
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần khẩn trương triển khai thực hiện công tác CPH, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc danh mục CPH, thoái vốn theo quy định (đặc biệt là 2 TP.HCM và Hà Nội). Triển khai thu, nộp nguồn thu từ CPH, thoái vốn các DN thuộc địa phương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN….