Trong tài liệu công bố, Công ty trình cổ đông kế hoạch sửa đổi chính sách chi trả cổ tức năm 2021. Cụ thể, thay vì chi trả cổ tức với tỷ lệ 25% (5% tiền mặt, 20% cổ phiếu), Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 30% và trả hoàn toàn bằng cổ phiếu. Như vậy, cổ đông sẽ không được nhận tiền mặt, chỉ nhận cổ phiếu và chịu áp lực pha loãng.
Đáng chú ý, Công ty sửa đổi phương án sử dụng vốn của đợt chào bán khi giảm 50 tỷ đồng với mục đích đầu tư dự án Bệnh viện TNH Việt Yên, chuyển thành để trả nợ vay các tổ chức tín dụng. Các khoản nợ vay phải trả của TNH bao gồm các khoản vay ngắn hạn 15 tỷ đồng từ Argibank chi nhánh Thái Nguyên và 35 tỷ đồng từ BIDV chi nhánh Thái Nguyên. Phần 138 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để trả trước hạn khoản vay dài hạn tại BIDV để tái cơ cấu khoản vay của TNH.
Như vậy, sau khi thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổng số tiền huy động được dự kiến 518,7 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 250 tỷ đồng đầu tư Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên; 238 tỷ đồng trả nợ vay các tổ chức tín dụng; và 30,7 tỷ đồng mua máy móc thiết bị cho Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Được biết, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên dự kiến phát hành gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, Công ty có thể huy động được số tiền gần 518,7 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được mua quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 20.000 đồng/cổ phiếu.
Trong tờ trình trước đây, Công ty dự kiến dùng 300 tỷ đồng đầu tư dự án Bệnh viện TNH Việt Yên; 30,7 tỷ đồng mua máy móc thiết bị Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên; và 188 tỷ đồng trả nợ vay tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Công ty cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP với khối lượng dự kiến 2,5 triệu cổ phiếu và giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ huy động được 25 tỷ đồng, toàn bộ số tiền huy động sẽ trả nợ vay tại BIDV – Chi nhánh Thái Nguyên.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25% tổng số lượng cổ phiếu phát hành và dự kiến triển khai trong năm 2022 hoặc quý I/2023.
Tuy nhiên, điểm khác biệt đầu tiên so với phương án trước là thời gian hạn chế chuyển nhượng, thay vì 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán sẽ được đổi thành 4 năm. Theo đó, mỗi khi kết thúc 1 năm, 25% số cổ phiếu ESOP sẽ được tự do chuyển nhượng. Sau khi hết 4 năm, toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ không còn bị hạn chế chuyển nhượng.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, TNH ghi nhận doanh thu đạt 118,6 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 38,22 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 48,9% về còn 48,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 8,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 4,57 tỷ đồng lên 57,89 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 3,7%, tương ứng tăng thêm 0,35 tỷ đồng lên 9,93 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,8%, tương ứng tăng thêm 0,15 tỷ đồng lên 8,55 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty cho biết, trong kỳ, đã hoàn thành việc đầu tư mở rộng bệnh viện tại tỉnh Thái Nguyên nên phục vụ được thêm nhiều nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và khu vực lân cận, đặc biệt các doanh nghiệp lớn, có đông cán bộ nhân viên.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, TNH ghi nhận doanh thu đạt 207,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 54,35 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 36,2% kế hoạch lợi nhuận năm.