Một người phụ nữ đã bị một đối tượng xấu lừa đảo khi tự xưng là nhân viên của một loại ví điện tử mà chị đang sử dụng.
"Họ dẫn dụ mình bằng một chương trình khuyến mãi. Sau đó họ chuyển hướng sang nói là tài khoản mình đang gặp lỗi đăng nhập. Tôi cũng làm theo lời họ và thấy tài khoản của mình đang gặp vấn đề đăng nhập thật. Tâm lý lúc đó của tôi rất là rối và cũng mong muốn lấy lại mật khẩu càng sớm càng tốt nên trong vô thức tôi đã làm theo lời của đối tượng như xác nhận email, đọc OTP gửi về số điện thoại cho họ", nạn nhân cho hay.
Đến lúc phát hiện bị lừa và vào lại được ví của mình, người phụ nữ trên phát hiện đã bị mất 6 triệu đồng
Ngoài chiêu thức trên, các đối tượng còn mạo danh các ví điện tử để gửi tin nhắn, email trúng thưởng, yêu cầu người dùng nhập các thông tin cá nhân… hoặc gửi mã QR thông qua các nền tảng mạng xã hội khác, yêu cầu người dùng quét để nhận ưu đãi hấp dẫn. Chỉ cần người tiêu dùng nghe theo, thì ví điện tử của họ sẽ bị liên kết với tài khoản kẻ gian và bị trục lợi bất chính.
Người dùng cần thường xuyên cập nhật các tin tức, thông tin chính thống trên website, ứng dụng ví điện tử và các phương tiện truyền thông để hạn chế rủi ro.
Trước thực trạng này, các nhà sáng lập ví điện tử đã liên tục đưa ra cảnh báo và không ngừng cải tiến hệ thống bảo mật .
"Không bao giờ cung cấp bất cứ thông tin riêng tư như CMND, địa chỉ, email, password ví điện tử, OTP… cho bất kỳ ai", ông Nguyễn Bá Diệp - đồng Sáng lập Ví Momo khuyến cáo.
Bên cạnh ý thức của người dùng và của các đơn vị chủ quản ví điện tử, theo các chuyên gia vai trò của các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng. Các chuyên gia cũng lưu ý người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật các tin tức, thông tin chính thống trên website, ứng dụng ví điện tử và các phương tiện truyền thông để hạn chế rủi ro.