Bất động sản ven đô “hút” nhà đầu tư: Nhận diện cơ hội và thách thức

Giữa cơn khát nguồn cung nội đô và mức giá "chót vót" không ngừng leo thang, người dân buộc phải thay đổi chiến lược lựa chọn nơi an cư. Theo đó, dòng tiền đầu tư cũng bắt nhịp xu hướng và có sự luân chuyển dần từ nội đô ra vùng ven. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về cơ hội và thách thức.

Vùng ven trở thành xu hướng

Giữa bối cảnh giá nhà nội đô ngày càng đắt đỏ, làn sóng dịch chuyển ra vùng ven đang trở thành xu hướng rõ nét trên thị trường bất động sản. Những khu vực giáp ranh các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... đang chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt dự án nhà ở, đáp ứng nhu cầu an cư và đầu tư của người dân.

Bên cạnh lợi thế về mức giá hợp lý, không gian sống thoáng đãng, yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án đường vành đai, cao tốc, metro đang giúp rút ngắn khoảng cách từ trung tâm đến các khu vực vùng ven, khiến nhà ở ven đô này ngày càng hấp dẫn hơn.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thời gian qua các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có xu hướng tăng tốc dịch chuyển dòng tiền về nơi giá đất còn mềm và tiềm năng tăng trưởng cao.

Thay vì tập trung vào lướt sóng ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn chiến lược tích lũy quỹ đất ở vùng ven, đón đầu sự phát triển trong tương lai khi hạ tầng được hoàn thiện. Ngoài nhà ở, các mô hình như second home, farmstay hay khu nghỉ dưỡng ven đô cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ khả năng khai thác cho thuê.

Xu hướng này không chỉ phản ánh nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản mà còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như chính sách quy hoạch, hạ tầng giao thông và sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.

Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, sự dịch chuyển xu hướng mua nhà từ nội đô ra các khu đô thị vệ tinh là rõ rệt, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng kết nối. Đặc biệt, các tuyến đường huyết mạch như Vành đai 3,5 và Vành đai 4 đang làm gia tăng sự kết nối giữa Hà Nội và các khu vực lân cận, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cũng nhận định xu hướng chuyển dịch ra ngoại thành tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án với quy mô đa dạng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đón đầu cơ hội, phát triển các khu đô thị quy mô lớn ở các tỉnh lân cận.

Các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm, tích lũy quỹ đất sạch tại vùng ven để triển khai dự án, tận dụng lợi thế giá đất còn mềm và tiềm năng tăng trưởng cao. Lượng cung mới này cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản vùng ven, đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng.

Nhà đầu tư cẩn trọng

Bên cạnh cơ hội, làn sóng dịch chuyển này cũng đặt ra nhiều thách thức cho nhà ở ven đô. Một số khu vực dù đã có quy hoạch nhưng việc triển khai hạ tầng vẫn chậm trễ khiến các dự án rơi vào tình trạng “bán đất trước, xây nhà sau”. Nhiều nhà đầu tư mua theo phong trào, kỳ vọng giá đất sẽ tăng nhanh khi hạ tầng hoàn thiện nhưng thực tế không ít người phải chôn vốn khi thị trường đi xuống.

Ngoài ra, việc phát triển ồ ạt các dự án nhà ở ven đô mà không đồng bộ về tiện ích cũng tạo áp lực lên cư dân. Một số khu đô thị dù có nhà ở nhưng thiếu trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại khiến việc sinh sống lâu dài gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, người mua cần cẩn trọng hơn khi đầu tư vào nhà ở ven đô. "Không phải khu vực nào ven đô cũng tiềm năng. Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ về pháp lý, hạ tầng và nhu cầu thực tế của người dân. Nếu chỉ chạy theo xu hướng mà không có kế hoạch cụ thể, nguy cơ mắc kẹt vốn là rất cao" - ông Quang nhận định.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội.

Nếu các dự án trọng điểm như Vành đai 3, cao tốc, sân bay, cảng, khu công nghiệp... hoàn thành, đi lại thuận tiện thì mới tăng giá bền vững. Còn lại các khu vực mới sáp nhập nhưng không có nhu cầu mua đất để ở hoặc xây nhà xưởng, kinh doanh thì cũng chỉ tăng ảo.

“Nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Những cơn sốt đất theo tin thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá “kỳ vọng”, đã bị đẩy lên quá cao”, TS Phương nêu quan điểm.