Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo giảm lãi suất tiền vay trong thời gian 18/8 - 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid.
Theo đó, Vietcombank giảm lãi suất đến 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ của khách hàng tại tâm dịch Covid-19 là: TP.HCM và Bình Dương. Giảm lãi suất đến 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ của khách hàng tại các tỉnh còn lại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Tuy nhiên việc giảm lãi suất trên, Vietcombank không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam từ nay đến cuối năm 2021. Theo đó, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
BIDV thực hiện giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như: Giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort… Ngân sách dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ đồng. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch được ưu tiên như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp; vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu…
Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nằm bên lề cuộc giải cứu của ngành ngân hàng. Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: “Các ông lớn ngành ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất và cung cấp gói tín dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 4%/năm cho khoản vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành đang chịu tác động bởi dịch Covid-19. Đây có lẽ là tin tốt lành nhất cho các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn bị đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.
Nếu không được giải quyết về dòng tiền và bổ sung kịp thời thì các doanh nghiệp sẽ rất khó xoay sở trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống ngân hàng đã có sự thấu hiểu và chia sẻ cùng các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chương trình này loại trừ việc áp dụng cho các khoản vay chứng khoán, bất động sản và tài sản chứng từ có giá thì thấy có cái gì đó sai sai”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương bức xúc: “Sao lại có chuyện phân biệt đối tượng khách hàng vay. Khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng thậm chí cho vay bất động sản còn cao hơn các khoản vay sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác. Các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng đã đồng hành và gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt một hành trình dài và đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Và bây giờ đến khi các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư bất động sản gặp khó khăn thì lại bị loại trừ ra khỏi các chương trình hỗ trợ của ngân hàng. Hỏi thăm thông tin thì được phản hồi bên lề là để chống đầu cơ.
Thực hư quan điểm này của ngân hàng không biết có chính xác không nhưng cách ngân hàng đang phân biệt khách hàng là không công bằng. Còn nhớ rất lâu trước đây bất động sản bị quy chụp không khác gì tội đồ và bị "lên bờ xuống ruộng" bởi các kiểu chính sách xiết chặt. Sau một thời gian dài cuối cùng bất động sản được trả về đúng vị trí của nó khi được thừa nhận đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau. Vậy mà bây giờ khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó lại bị thẳng thắn quy chụp là đầu cơ và bị bỏ rơi”.
“Một dự án bất động sản khi phát triển tạo ra bao nhiêu sản phẩm, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, chưa kể các đóng góp thay đổi về môi trường sống, chất lượng sống cho người dân, đóng góp rất lớn cho ngân sách mà không được thừa nhận và hỗ trợ là không ổn chút nào. Gần đây nhất trong báo cáo khoản thu ngân sách lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 chính là từ chứng khoán và bất động sản”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương và cộng đồng doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang rất cần câu trả lời xác đáng từ phía các ngân hàng vì lý do loại trừ này.