Năm 2021 ghi nhận là năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đà tăng trưởng ở hầu hết các ngành nghề suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, vận tải, công nghiệp, xây dựng … GDP Việt Nam bình quân cả năm tăng khoảng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, trái ngược với các ngành nghề khác của nền kinh tế, giá bất động sản tại khắp các tỉnh thành vẫn ghi nhận mức tăng đáng kể.
Theo ghi nhận, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, mặc dù bị dịch bệnh hoành hành nhưng giá trị bất động sản ở hầu hết các phân khúc tăng và cơn sốt đất lan rộng nhiều địa phương trên cả nước.
Tại TP.HCM, các huyện vùng ven như tại Cần Giờ, giá đất tại đây đã tăng mạnh 23% so với quý 1/2020. Bên cạnh đó, giá đất tại Nhà Bè, Bình Chánh cũng ghi nhận mức rao bán tăng khoảng 16%.
Tại phía Bắc, chỉ số giá một số khu vực như Hòa Bình tăng 102%, Ba Vì tăng 76%, Hưng Yên tăng 26%, Quốc Oai tăng 20%, Thái Nguyên tăng 15%.
Trong khi đó, ở miền Trung, các khu vực nhận được lượng quan tâm tăng đáng kể so với quý trước là Thanh Hóa (tăng 76%), Đà Nẵng (tăng 32%). Thị trường Đà Nẵng đang khởi sắc ở loại hình đất nền, đất nền dự án.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, năm 2021, mặc dù bị dịch bệnh hoành hành nhưng giá trị bất động sản ở hầu hết các phân khúc tăng xấp xỉ từ 30 - 40%. Nhiều nơi đất nền tăng từ 20 – 30%, chung cư tăng trung bình 5 – 7%, nhà ở riêng lẻ tăng bình quân khoảng 8 – 10%. Trung bình giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương trong 6 tháng đầu năm 2021 có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý 2/2020. Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.
Theo thống kê của JLL, tại Hà Nội, từ quý 2/2021, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng giá nhà liền thổ lên tới 28,2% và căn hộ sơ cấp là 9,3% theo năm. Mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở huyện Hoài Đức, lên đến 42,8% theo năm. Tại khu vực Long Biên, Gia Lâm, giá liền kề, biệt thự có nơi tăng từ 30 – 50%.
Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cho thấy, quý 2/2021 là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tăng. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2 (37,4 triệu đồng/m2) tăng 11% theo năm, trong đó các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.
Ở thị trường TP.HCM, trong quý 2/2021 trươc diễn biến phức tạp từ làn sóng dịch lần thứ 4 làm ngưng trệ thị trường bất động sản nhưng giá nhà tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng mạnh. Giá chào bán căn hộ trên thị trường sơ cấp nhảy vọt lên 2.260 USD/m2 (51,5 triệu đồng/m2), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, căn hộ cao cấp tại TP Thủ Đức xuất hiện giá chào bán hàng trăm triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Sang quý 2/2021, nhờ sự vào cuộc của chính quyền, tình trạng sốt đất tại các địa phương cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, đến cuối năm, thị trường bất động sản lại rục rịch tăng ở một số khu vực trên cả nước. Giá đất nền nhiều khu vực tăng sốc trước những thông tin quy hoạch hay doanh nghiệp lớn đầu tư dự án như TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), Cam Lâm và Ninh Hòa (Khánh Hòa), vùng ven Hà Nội …
Theo các chuyên gia, nguyên nhân diễn ra cơn sốt đất khắp nơi là do ba nguyên nhân chính. Đó là liên quan đến vấn đề thông tin quy hoạch và phát triển hạ tầng hiện nay diễn ra nhiều nơi khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng như quy hoạch ven sông Hồng, quy hoạch Đà Nẵng, quy hoạch Thủ Đức lên thành phố, một số huyện lên quận, sốt đất theo quy hoạch sân bay tại Bình Phước, Bình Thuận,…
Thứ hai, đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào phát triển công nghiệp kéo theo cơ sở hạ tầng gia tăng khiến giá đất nhiều vùng trũng ở các địa phương tăng vọt. Nguyên nhân cuối cùng của câu chuyện sốt đất là do sự góp phần bởi giới đầu cơ, cò đất thổi giá.
Theo thống kê của các đơn vị thị trường như Batdongsan.com, DKRA, CBRE cho thấy mức giá bất động sản vẫn khó có thể giảm bởi hầu hết các phân khúc đều tăng phi mã, thị trường cũng ghi nhận loạt con số đạt đỉnh. Chẳng hạn, phân khúc căn hộ hàng hiệu trong quý 2/2021 xuất hiện những căn hộ ở mức giá cao kỷ lục như dự án One Central Saigon tại Q.1, TP.HCM có giá bán khoảng 650 – 800 triệu đồng/m2. Đây là mức giá cao nhất lịch sử thị trường bất động sản.
Ngoài ra, loạt dự án The River Thủ Thêm, Venicia tại TP Thủ Đức và Spirit Of Saigon ở Q.1, TP.HCM lần lượt ghi nhận mức giá bán 110, 150 và 400 triệu đồng/m2. Đây đều là những dự án có mức giá chào bán cao bậc nhất thị trường bất động sản đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vào những ngày cuối cùng của năm 2021 cũng đã tạo ra một cơn “địa chấn” có một không hai từ trước đến nay với giới đầu tư khi Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3-12 (thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) với giá 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm ban đầu.
Năm 2022, dự báo từ các đơn vị thị trường cho thấy giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng ở nhiều phân khúc do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn… Theo CBRE Việt Nam nhận định, xu hướng tăng giá nhà phổ biến ở mức 3 – 7% sẽ tiếp tục diễn ra tại TP.HCM trong năm 2022. Phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5 - 7%. Còn phân khúc trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3 - 5%. Ở Hà Nội, mức giá sơ cấp phân khúc căn hộ sẽ tăng khoảng 5 - 7%/năm trong vòng ba năm tới.