AGF rời sàn niêm yết sau 18 năm

(NTD) - Cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) đã chính thức hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ 17/2/2020 sau 18 năm.

Lý do AGF bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE là do Agifish vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Ngày giao dịch cuối cùng tại HOSE là 14/2 với giá đóng cửa 2.910 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng niêm yết 28.109.743 cổ phiếu, AGF có vốn hóa đạt 82 tỷ đồng.

Sau 18 lên sàn HOSE, cổ phiếu AGF bị hủy niêm yết từ ngày 17/2/2020 do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Bên cạnh đó là lỗ 3 năm liên tiếp với khoản lỗ lũy kế trị giá 526 tỷ đồng

Sau khi rời sàn HOSE, cổ phiếu AGF sẽ đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ngày giao dịch đầu tiên 24/2/2020 với giá tham chiếu 2.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu AGF có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE vào ngày 2/5/2002 với giá tham chiếu tham chiếu 9.320 đồng/cổ phiếu, tương đương 30.000 đồng/cổ phiếu khi chưa điều chỉnh kỹ thuật. Đỉnh cao lịch sử của AGF là 55.015 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/2/2007. Như vậy, AGF đã giảm 95% kể từ khi đạt đỉnh.

Hiện nay, CTCP Hùng Vương là cổ đông lớn nhất của Agifish với tỷ lệ sở hữu 79,58%, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 8,24%.

Ông Nguyễn Văn Ký là người đã “lèo lái” Agifish hơn 10 năm qua trên cương vị Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu của Agifish liên tục đi xuống, thua lỗ triền miên.

Năm 2017, công ty lỗ 187 tỷ đồng; năm 2018, lỗ 178 tỷ đồng và năm 2019, khoản lỗ lên tới 256 tỷ đồng khiến Agifish bị lỗ lũy kế 526 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 281 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay là gánh nặng của công ty khi vay ngắn hạn 485 tỷ đồng, vay dài hạn 8 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất là BIDV 391 tỷ đồng, PGBank 94 tỷ đồng.

Khoản mục đáng lưu ý trên báo cáo tài chính của Agifish là phải thu ngắn hạn của khách hàng 475 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khác là 175 tỷ đồng nhưng có đến 349 tỷ đồng dành cho dự phòng (nợ xấu).

Nợ xấu tập trung tại CTCP Nông thủy sản Việt Phú (104 tỷ đồng), M&T Seafood’s Corporation (155 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Thủy sản Hưng Thành (82 tỷ đồng), Fujian Anxin Industrial (7 tỷ đồng).

Với tình hình kinh doanh “bết bát” trên, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho Agrifish) nhấn mạnh: Lỗ lũy kế của công ty là 526 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngân hàng là 109 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Nguyễn Như

Nên đọc