Dữ liệu cũ
Thứ tư, 21/10/2015, 11:09 AM

AB InBev thâu tóm SABMiller: Nỗi lo của ngành sản xuất bia

(NTD) - Anheuser-Busch InBev (AB InBev) vừa đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ lớn nhất trong ngành sản xuất bia là SABMiller với giá khoảng 104 tỷ USD. Hợp đồng được dự kiến ký chính thức vào ngày 28/10, nâng thị phần của AB InBev lên gần 30% trên toàn thế giới.

Nhiều chuyên gia lo ngại sau thương vụ này sẽ khiến giá bia sẽ bị đẩy lên cao và sự biến mất dần của nhiều hãng bia địa phương.

ngành sản xuất bia 2
Những thương hiệu bia của SABMiller đã thuộc về tay của AB InBev.

Tham vọng của AB InBev

Theo người phát ngôn của SABMiller, công ty này đã chấp nhận đề nghị của AB InBev (đơn vị đã có nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nổi bật là Budweiser và Stella Artois) với giá mỗi cổ phiếu là 44 GBP. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong ngành bia và lớn thứ 4 trên thế giới từ trước đến nay. Theo Plato Logic, việc đạt thỏa thuận với SABMiller sẽ giúp AB InBev nắm quyền kiểm soát 28,5% thị phần sản lượng bia trên toàn thế giới, gần gấp 3 lần so với đối thủ Heineken. Sau thương vụ, AB InBev sẽ nắm giữ 6/10 thương hiệu bia phổ biến nhất thế giới bao gồm Bud Light, Budweiwer, Skol, Harbin, Brahma và Snow.

Mức giá mua mỗi cổ phiếu mà AB InBev đề nghị cao hơn 50% so với giá trị thực tế mà cổ phiếu của SABMiller giao dịch vào ngày 14/9, ngay trước thời điểm thông tin về thương vụ mua lại này được tiết lộ. Trước khi thương vụ này đạt được thỏa thuận ban đầu, AB InBev đã 5 lần ra giá nhưng đều bị SABMiller từ chối, với lần gần nhất là 43,5 GBP/cổ phiếu vào thứ Hai vừa qua.

Thương vụ này được dự báo sẽ đưa doanh thu hàng năm của AB Inbev lên con số 70 tỷ USD cùng với việc phát triển thêm hàng loạt chuỗi nhà máy ủ bia tại châu Âu, Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tin và châu Á - Thái Bình Dương. Thương vụ này đặc biệt còn chứng tỏ tham vọng mang thương hiệu Bud Light của nhà sản xuất bia hàng đầu tại Mỹ thâm nhập vào châu Phi, thị trường đang có tốc độ phát triển rất nhanh mà SABMiller đang nắm thế thượng phong.

Theo chuyên viên phân tích của Công ty Bernstein, thương vụ này đem lại số tiền khoảng 2,1 tỷ USD cho các ông chủ tại SABMiller sau khi các điều khoản trong hợp đồng được ký kết và hơn 80 triệu USD sẽ chảy vào túi ông Alan Clark, Giám đốc Điều hành SABMiller.

Trước đó, thương vụ này nhiều lần tưởng chừng đã vào ngõ cụt khi ông Carlos Brito, Giám đốc Điều hành AB Inbev, đã liên tục lên tiếng phàn nàn thái độ thiếu hợp tác đàm phán của đối tác. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị SABMiller cho rằng những lời đề nghị của ông Brito chưa tương xứng với giá trị của công ty này.

Ông Brito cho biết, bước đi lần này của AB InBev chủ yếu là để thâm nhập thị trường châu Phi, nơi SABMiller đang chiếm lĩnh.

AB InBev có truyền thống thích mua những đối thủ cạnh tranh trong ngành nhằm giảm chi phí và hướng người tiêu dùng đến những sản phẩm có giá cao hơn. Điển hình là chiến lược mua lại các hãng bia địa phương của Trung Quốc và “ép” người tiêu dùng chuyển hướng sang uống 2 thương hiệu bia Budweiser và Harbin. Chiến lược này hiệu quả đến mức sản lượng bia Budweiser hiện nay đã được tiêu thụ nhiều hơn ở những thị trường ngoài Mỹ.

Tuy nhiên, chiến lược này tỏ ra không mấy hiệu quả với SABMiller. Sau nhiều năm thực hiện việc mua lại những đối thủ ở những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia rất chậm. Chính những quyết định mua lại sai lầm đã khiến doanh thu và thị phần của hãng bia lớn thứ 2 thế giới này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chấp nhận bán mình cho AB InBev.

Trước khi thương vụ đạt được thỏa thuận, cổ phiếu SABMiller được giao dịch với giá thấp hơn 10% so với giá đề nghị mua của AB InBev. Tuy nhiên, ngay sau thông tin hai bên đạt được thỏa thuận, cổ phiếu của SABMiller tăng 9%, đạt 39,48 GBP.

ngành sản xuất bia
Số liệu tương quan giữa 2 ông lớn.

Lo ngại lớn cho hãng bia địa phương

Theo Euromonitor International, sau thương vụ mua lại, AB InBev sẽ nắm khoảng 1/3 thị phần sản lượng bia thế giới. Tuy nhiên, theo Bloomberg, tại những thị trường tiềm năng, hầu hết người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dòng bia được sản xuất trong nước. Đơn cử là Việt Nam, thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh số cao bậc nhất thế giới, bia Saigon đang chiếm trên 30% thị phần. Bia Kingfisher của Ấn Độ đang chiếm giữ gần 1/2 thị trường doanh số trong nước. Do đó, dù đang có sản lượng hàng năm lên đến hơn 60 tỷ lít bia, thì đối với AB InBev và SABMiller, việc tấn công vào những thị trường đang được chiếm lĩnh bởi các hãng sản xuất nội địa với sản lượng chưa đầy 5 triệu lít/năm vẫn đang là bài toán khó.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân AB InBev mong muốn đạt được thỏa thuận với SABMiller trong thời gian sớm nhất nhằm tổng hợp thế mạnh của 2 hãng bia hàng đầu thế giới này trên những thị trường có tốc độ phát triển nhanh như châu Phi và châu Á. Những thị trường thế mạnh của 2 hãng bia này ít chồng chéo cũng khiến kế hoạch phát triển trong tương lai của AB InBev là khá khả thi.

Ông Brito cho rằng thương vụ này sẽ đem lại nhiều tác động tốt cho ngành bia và cả người tiêu dùng khi AB InBev mở rộng được thị trường. Tuy nhiên, tờ Guardian (Anh) cho rằng hãng bia lớn nhất thế giới này có tiếng xấu về việc thường xuyên cắt giảm chi phí vô tội vạ khiến chất lượng bia ngày một giảm, làm doanh số tại Mỹ đang chịu ảnh hưởng lớn.

“Tôi không cho rằng thương vụ này tốt cho ngành bia. Khi một công ty trở nên quá lớn, điều họ quan tâm duy nhất chỉ còn là tối ưu hóa lợi nhuận”, ông Adrian Tierney-Jones, một chuyên gia trả lời cho Bloomberg.

Ba chữ cái đầu SAB trong SABMiller viết tắt cho hãng South African Breweries (tạm dịch là hãng bia Nam Phi, được thành lập vào năm 1895 tại Johannesburg. Sản phẩm chính của hãng là thương hiệu bia Castle được bắt đầu sản xuất từ giữa thập niên 80 của thế kỷ 19. SAB mua 2 đối thủ cạnh tranh chính là Ohlsson’s và Chandlers vào năm 1956 giúp công ty này chiếm 98% thị phần sản lượng bia của Nam Phi vào thời điểm đó. Vào năm 2002, SAB mua lại hãng bia của Mỹ là Miller với giá 5,6 tỷ USD từ tay Philip Morris và chính thức đổi tên thành SABMiller.

 Quân vũ (Theo The Guardian và Bloomberg)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.