Dữ liệu cũ
Thứ năm, 05/11/2015, 11:11 AM

51 học sinh bị ong đốt: Nguy hiểm đặc biệt với trẻ em

Dù các học sinh trường tiểu học Yên Sở, Hà Nội may mắn không nguy hiểm tính mạng, nhưng không thể xem thường ong đốt vì gây tử vong nhanh và cao.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – đơn vị tiếp nhận cấp cứu 51 học sinh bị ong đốt chiều 4/11, cho hay, do số lượng bệnh nhân cấp cứu lớn, khoa đã huy động tất cả các bác sĩ, điều dưỡng để xử lý.

22h cùng ngày, việc khám phân loại, xét nghiệm toàn bộ hoàn thiện, các cháu được ra về do không bị nguy hiểm. Riêng 3 cháu có biểu hiện nặng hơn được giữ lại theo dõi. Sáng nay (5/11), các cháu vẫn tỉnh táo, tiểu tiện tốt, không tổn thương gan, thận, máu nên cũng đã được xuất viện.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu, khoảng 3-5 ngày sau, một số cháu có thể vô niệu hoặc biến chứng các bộ phận khác. Do đó, chúng tôi đã khuyến cáo các cháu về theo dõi kỹ tại nhà. Khi có bất kỳ triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe phải nhập viện ngay”, PGS Dũng cho hay.

nguoitieudung 1
Trẻ bị ong đốt được phụ huynh và cô giáo bế ngồi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tối 4/11. Ảnh: Quân Bảo.

 Bác sĩ đặc biệt lưu ý, về nguyên tắc, bị ong đốt càng nhiều nốt càng nguy hiểm song thực tế, không thể căn cứ điều này. Bởi có người chỉ bị một vài nốt, nhưng chúng đi theo cơ chế dị ứng thay vì ngộ độc nên phản ứng rất nhanh và đều có thể nguy hiểm.

Về xử lý tại chỗ, khi bị ong đốt có vết sưng to, đau, nạn nhân có thể bôi thuốc giảm đau, uống nhiều nước (nước cam, chanh, đường là tốt nhất) để tăng tiểu tiện thải độc. Sau đó, cần đến cơ sở khám toàn diện, xét nghiệm các chức năng gan, thận để loại trừ nguy hiểm.

Ong đốt nguy hiểm như thế?

Về điều này, tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, ong chứa nọc – là nguyên nhân khiến bệnh nhân rất đau nhức và buốt khi bị ong đốt.

Nọc ong được chứa trong hai tuyến nọc dẫn vào một kim chích ở sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất axit lỏng. Nọc ong chứa nhiều chất độc và nhiều men, dễ gây dị ứng. Chủ yếu có các amin sinh vật gây viêm (histamin, noradrenalin,…), chất độc thần kinh (apamin), chất độc gây tan máu (mellitin). Nọc ong độc hay không, nhiều hay ít tùy thuộc từng loài ong. Trong đó, ong bầu và ong bắp cày có lượng nọc gấp 2-3 lần ong nhà và ong vò vẽ. Nọc ong mật có khả năng gây dị ứng do có phospholipase A, mellitine và hyaluronidase. Nọc ong vò vẽ có các dị nguyên hyaluronidase và phospholipase A và B. Ong bầu, vò vẽ, bắp cày là nguy hiểm hơn cả. Ong mật, ong vàng thì không đáng lo ngại đến tính mạng.

PGS, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng chia sẻ, khi bị ong đốt nếu nhẹ chỉ gây ra phản ứng đau tại chỗ là chính. Vùng bị đốt sẽ bị đỏ, phù nề, đau, ngứa quanh chỗ đốt, chúng sẽ mất đi sau 4-12h.

Tuy nhiên, khi nạn nhân bị đốt nhiều và ở các vị trí quan trọng như đầu, mặt, cổ hoặc người bị đốt có cơ địa dị ứng… thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn khi bị đốt ở vùng hầu họng có thể gây viêm phù nề lớn và làm ngạt thở. Nọc ong châm thẳng vào mạch máu cũng nguy hiểm. Đặc biệt, phản ứng độc sẽ xảy ra nếu số lượng ong đốt quá nhiều hoặc thậm chí một con ong nhưng có độc. Chúng gây nôn mửa, sốc, tụt huyết áp, đông máu lòng mạch, hôn mê, co giật, tiêu cơ vân dẫn đến viêm ống thận cấp. Nạn nhân có thể chết ngay tại chỗ (thường là trẻ em). Do đó, tuyệt đối không thể xem thường sự cố này.

Sơ cứu ban đầu như thế nào?

Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương tư vấn, nếu bị ong thường đốt với biểu hiện nhẹ, bạn có thể lấy kem đánh răng bôi lên vết đốt. Theo giải thích, nọc độc của ong thực chất là axit, chất kiềm trong kem đánh răng lúc này sẽ có tác dụng trung hòa axit đó. Sau đó, người bị đốt cần bôi kháng sinh thường xuyên để chống viêm.

Còn trong trường hợp vết đốt sưng vù, người có trạng thái mệt mỏi, khó thở, tối đa trong vòng 50 phút, nạn nhân phải được đưa đi cấp cứu ngay.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Cảnh báo

Theo Zing News

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.