Dữ liệu cũ
Thứ ba, 10/12/2013, 17:52 PM

4 cổ phiếu ‘vàng’ của SCIC

Đề án tái cơ cấu SCIC cho thấy tổng công ty này vẫn giữ vốn tại các doanh nghiệp đang chiếm 80% danh mục đầu tư và mang lại nguồn cổ tức khủng như Tái Bảo hiểm quốc gia, Vinamilk, FPT Telecom, Dược Hậu Giang.

Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2015 vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 12 vừa qua. Theo đó, đơn vị này này tiếp tục giữ vốn dài hạn tại 4 doanh nghiệp là Tổng công ty Tái Bảo hiểm quốc gia (VNREA), Viễn thông FPT (FPT Telecom), Dược Hậu Giang (DHG) và Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Tính đến ngày 30/9/2013, tổng giá trị cổ phiếu mà SCIC tại 4 doanh nghiệp này là gần 59.000 tỷ đồng (theo giá thị trường), tương đương 80% danh mục đầu tư của tổng công ty. Trao đổi với VnExpress mới đây, Tổng giám đốc Lại Văn Đạo cho biết SCIC đang sở hữu danh mục đầu tư trị giá 71.000 tỷ đồng.

Cũng trong lần chia sẻ nêu trên, vị lãnh đạo này đánh giá đây là những doanh nghiệp đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh và có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Với Vinamilk, tăng trưởng doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 30% và vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2011, lợi nhuận tăng bình quân 50%, trở thành doanh nghiệp Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á của Forbes

Dược Hậu Giang có lợi nhuận tăng trưởng từ 15-20% trong hai năm qua. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt trong tháng 11/2013 đã nhận định doanh nghiệp này có nền tảng và tiềm năng tăng trưởng tốt với cấu trúc ngành hàng ổn định (dược phẩm chiếm 92%, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm chiếm 8%). Trong tình hình phân phối thuốc vào hệ điều trị khó khăn, việc công ty tăng cường kinh doanh thuốc ngoại nhập độc quyền bán vào kênh không kê đơn (OTC) cũng góp phần giúp doanh thu tăng trưởng.

Trong khi đó, FPT Telecom đang là đơn vị đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho FPT.  9 tháng đầu năm, mảng viễn kinh doanh này mang về khoản lãi gần 660 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 35% tổng lợi nhuận của tập đoàn.

Với VNREA, đây cùng với Bảo Minh là 2 công ty bảo hiểm mà SCIC nắm trên 40% vốn (ở Bảo Việt SCIC chỉ nắm hơn 3%). Tuy nhiên kết quả kinh doanh của VNREA lại nhỉnh hơn khi lợi nhuận thường gấp 1,5-2,5 lần Bảo Minh. Cơ cấu cổ đông của Tái bảo hiểm quốc gia cũng có lợi thế hơn khi công ty tái bảo hiểm Thụy Sĩ nắm 25%, Bảo Việt nắm hơn 9% và FTIF – Templeton Frontier Markets Fund, một quỹ đầu tư dài hạn vào thị trường mới nổi cũng nắm hơn 5%.

Các doanh nghiệp trên trong những năm qua cũng mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức cho SCIC. Với tỷ lệ sở hữu 45% (hơn 375 triệu cổ phiếu), 9 tháng đầu năm SCIC đã thu được hơn 1.400 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk. Dược Hậu Giang, FPT Telecom và Tái Bảo hiểm quốc gia mang lại hơn 320 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Như vậy, giữ lại 4 doanh nghiệp trên chính là SCIC vẫn đang nắm những khoản thu lớn nhất. Việc này nằm trong bối cảnh một số ý kiến trong Quốc hội đề nghị xem xét thu phần cổ tức của Nhà nước đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa (đã nộp vào SCIC) để bố trí tăng chi đầu tư phát triển, khi mà nguồn thu đang eo hẹp trong khi đến năm 2015 sẽ giảm dần bội chi ngân sách.

Ngược lại, SCIC sẽ tiến hành thoái vốn tại 376 doanh nghiệp (chiếm hơn 1/3 các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận vốn) với những tên tuổi như Bảo Việt, Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong…

Chỉ xét riêng 10 doanh nghiệp đang niêm yết trong danh mục thoái vốn, tổng giá trị cổ phần mà SCIC đang nắm giữ đã hơn 14.000 tỷ đồng, đáng kể là khoản thoái vốn 2.700 tỷ đồng tại Vinaconex – một ông lớn trong lĩnh vực xây dựng nhưng lỗ lũy kế đến 30/9/2013 hơn 300 tỷ đồng.

Song song với kế hoạch tái cơ cấu SCIC, hành lang pháp lý cho hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp này cũng bắt đầu hình thành. Theo Nghị định số 151 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC vừa được Thủ tướng phê chuẩn, SCIC được phép hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá cổ phần không thành công; đấu giá bán cả lô đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với các doanh nghiệp thua lỗ nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư.

Phát biểu trước các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng chia sẻ nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Chính phủ cho phép với các công ty chưa niêm yết có quy mô trên 10 tỷ đồng thì việc thoái vốn không nhất thiết phải đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Đồng thời, được chào bán ra công chúng cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước tại các công ty bị lỗ trong nắm liền kề hoặc có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán chứng khoán.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán với các trụ cột như công ty tài chính, sản phẩm hàng hóa trên thị trường, mô hình tổ chức để thúc đẩy sự phát triển, tăng tính thanh khoản nhằm tạo điều kiện cho các giao dịch chuyển nhượng.

Việc thoái vốn, theo các nhà đầu tư cũng tạo điều kiện cho ngân sách có khoản thu lớn trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn rất lớn. Với quy mô hai sàn chứng khoán gần 20 tỷ USD, ông Terry Mahony – Chủ tịch Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định chỉ cần bán một phần các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng bù đắp được ngân sách của nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác.

Song, vị chuyên gia của WB cũng khuyến nghị cần phải có thêm những quy tắc rõ ràng cho việc định giá cổ phần doanh nghiệp Nhà nước. “Người mua bao giờ cũng muốn mua với giá rẻ, trong khi người bán lại muốn bán giá cao. Do vậy, cần có những nguyên tắc, môi trường cho việc định giá công khai, minh bạch”, ông cho hay.

Riêng cho doanh nghiệp được bán cổ phần dưới mệnh giá, vị này nhận định sẽ phải có sự đồng thuận về khuôn khổ pháp lý thì người chủ sở hữu mới dám quyết định, tránh việc hôm nay bán cổ phần nhưng có thể lâm vào kiện tụng trong nay mai.

Phương Linh

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.