Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 01/02/2019, 07:57 AM

10 sự kiện tiêu dùng nổi bật trong năm Mậu Tuất

(NTD) - Năm 2018 kết thúc, người tiêu dùng đã từng trải qua những cảm giác bồi hồi, lo âu và thấp thỏm trước các vụ cà phê bẩn, ngộ độc thực phẩm học đường, tiền gửi tiết kiệm “bốc hơi”... Nhưng cũng có không ít sự kiện tích cực làm nức lòng người tiêu dùng Việt. Báo Người Tiêu Dùng xin điểm lại 10 sự kiện có tác động lớn nhất trong năm qua.

6
 

1. Xuất khẩu rau quả tiếp tục lập kỷ lục

Mặt hàng rau quả năm 2018 với kim ngạch 3,8 tỷ USD tiếp tục năm thứ ba lập kỳ tích liên tiếp về giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng từng đứng đầu về giá trị xuất khẩu như gạo, cà phê và hạt điều đã nhường chỗ cho rau quả. Với mặt hàng gạo, dù tăng trưởng xuất khẩu về giá trị có cao hơn rau quả (tăng 18% so với rau quả tăng 11%), nhưng vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng. Việt Nam có hơn 4 triệu ha diện tích trồng lúa nhưng chỉ xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, còn với 1,6 triệu ha diện tích trồng rau quả đã mang về giá trị xuất khẩu tới trên 3,8 tỷ USD.

2. Người tiêu dùng được chuyển mạng giữ nguyên số

Từ ngày 16/11/2018, Viettel, VinaPhone, MobiFone cho phép người dùng dịch vụ di động trả sau được chuyển mạng giữ nguyên số. Từ 1/1/2019, các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.

Như vậy, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sau nhiều năm trì hoãn cũng đã được triển khai thực tế, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp viễn thông. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao của doanh nghiệp viễn thông trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa. Tuy nhiên, thủ tục chuyển mạng vẫn khá rườm rà và nhiêu khê.

5
 

3. Bỏ thuế nhập khẩu nhưng giá ô tô vẫn cao

Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%. Điều này làm người tiêu dùng kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm ô tô nhập khẩu vẫn giữ mức giá cao, thậm chí giá tăng chứ không giảm.

Nguyên nhân nằm ở Nghị định 116 (quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng ô tô). Nghị định này siết chặt hoạt động nhập khẩu, khiến đến đầu tháng 9/2018 mới có lô ô tô đầu tiên nhập về Việt nam.

Lợi dụng việc cung không đủ cầu, nhiều đại lý phân phối ô tô tăng giá bán hoặc buộc khách hàng mua xe kèm phụ kiện, khiến người tiêu dùng phải chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mong nhận xe sớm. Trong khi đó, giá ô tô lắp ráp trong nước cũng không giảm sâu như kỳ vọng. Giấc mơ ô tô giá rẻ của nhiều người Việt theo đó vẫn chưa thể thành hiện thực.

4. Chấn động vụ hàng trăm tỷ đồng gửi ở ngân hàng bỗng dưng biến mất

Năm 2018, bà Chu Thị Bình - một nữ doanh nhân trong ngành thủy sản đâm đơn kiện Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank) vì số tiền 245 tỷ đồng gửi tại ngân hàng này bị “bốc hơi”. Kết luật của TAND TP.HCM sau đó tuyên bố, các nhân viên Ngân hàng Eximbank (liên quan vụ kiện) đã thực hiện không đúng các quy định của ngân hàng về trình tự thủ tục. Do đó, Eximbank bị buộc trả lại cho bà Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và 9 tỷ đồng tiền lãi.

Lỗi lớn rõ ràng thuộc về các lãnh đạo Eximbank khi để cho phó giám đốc chi nhánh TP.HCM lập giấy tờ ủy quyền giả mạo rồi chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trong phiên tòa sơ thẩm, đại diện Eximbank cho biết không thực hiện quyền kháng cáo nhưng sau đó đã làm ngược lại. Cảm thấy không còn niềm tin với Eximbank, bà Chu Thị Bình lập tức rút toàn bộ số tiền gửi tại ngân hàng này.

5. Áp thuế môi trường lên giá xăng dầu

Hồi tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc tăng thuế môi trường thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng, dầu tăng từ 500-1.100 đồng/lít. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng sẽ tăng từ mức hiện hành là 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.

Thời điểm áp dụng quyết định trên là từ đầu năm 2019. Tuy nhiên trong những ngày đầu tháng 1/2019, giá xăng dầu không những không tăng mà còn giảm. Theo Bộ Công thương, để ổn định thị trường trong thời điểm cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù đắp mức tăng giá do áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới. Đồng thời, giá xăng dầu thế giới trong tháng cuối năm giảm nhẹ, giúp giá xăng trong nước không tăng mà còn giảm.

Dù vậy, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng thuế môi trường với xăng dầu lần này có thể khiến chỉ số đo lường lạm phát (CPI) tăng thêm ít nhất 1,6 điểm phần trăm trong năm 2019. CPI của năm 2018 là 4%.

6. Ô tô Việt tạo dấu ấn trên trường quốc tế

Năm 2018 đánh dấu sự trở mình mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước. Lần đầu tiên một thương hiệu ô tô Việt xuất hiện và tham gia sự kiện Paris Motor Show diễn ra tại Pháp. Hai mẫu ô tô dòng SUV và Sedan khiến dư luận quốc tế trầm trồ và người dân trong nước ngóng chờ.

Công ty công nghệ Vinfast nhanh chóng ra mắt người tiêu dùng Việt 3 dòng ô tô thuộc các phân khúc (cao cấp, trung và phổ thông) tại thị trường Việt Nam sau sự kiện trên không lâu và được người tiêu dùng hào hứng đón chào.

Một tờ báo lớn của Canada nhận định, ô tô Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường khắt khe nhất trên thế giới, nên xe VinFast được xuất khẩu khắp thế giới.

7. Điện thoại Việt chiếm giữ phân khúc tầm trung

Trong năm 2018, Tập đoàn Asanzo đã tung ra thị trường 6 mẫu điện thoại giá rẻ (2,5-5 triệu đồng/chiếc). Chỉ trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp Việt này đã bán được trên 60.000 điện thoại mang thương hiệu Asanzo. Con số này không phải là lớn nhưng đáng ghi nhận, khi một doanh nghiệp Việt cố gắng xây dựng thương hiệu Việt bị các thương hiệu nước ngoài bủa vây.

Khát khao tạo ra sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt được khẳng định khi 4 phiên bản điện thoại thông minh Vsmart ra mắt người tiêu dùng trong nước. Đánh vào phân khúc trung cấp (giá từ 2,5-6 triệu đồng/chiếc), Vsmart nhanh chóng khiến người dùng xôn xao vì ngoài thiết kế đẹp, sản phẩm còn có chất lượng ổn định.

vsmart-2-1122
 

 8. Dư luận bàng hoàng với vụ “cà phê pin”

Tháng 4/2018, nhiều luồng thông tin một chiều cho rằng, có cơ sở chế biến cà phê ở Đắk Nông trộn lõi pin vào cà phê để bán ra thị trường. Thông tin này lập tức khiến người tiêu dùng cả nước rúng động, những người kinh doanh cà phê vỉa hè, không thương hiệu lập tức bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác minh thì phát hiện doanh nghiệp tư nhân tại Đắk Nông trộn tạp chất cà phê, lõi pin, sỏi vào tiêu để tăng trọng lượng nhằm bán kiếm lời. Các cá nhân liên quan vụ việc đã bị truy tố ngay sau đó. Tuy nhiên, bài học về chuyện tiếp nhận thông tin một chiều và không xác minh tính hợp lý của thông tin đã khiến nhiều người tiêu dùng hoảng loạn trong thời gian dài.

9. Ngộ độc thực phẩm trong trường học

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018 đã có 91 vụ ngộ độc thực phẩm trên khắp cả nước, khiến hơn 2.000 người bị ngộ độc. Số nạn nhân ngộ độc có giảm so với năm 2017 nhưng vẫn chưa tính đủ cả năm. Ngoài ra, số người tử vong là 15 người, so với con số 24 người của năm trước.

Điểm đáng quan tâm là hầu hết các vụ ngộ độc đều xảy ra trong trường học. Chẳng hạn vụ ngộ độc làm 223 trẻ mầm non và 2 cô giáo tại Hà Nội phải nhập viện trong tháng 11/2018. Trước đó, trong tháng 10/2018, 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) cũng bị ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, ngay cả thực phẩm sản xuất công nghiệp cũng có thể gây ra ngộ độc như vụ sữa học đường ở Đồng Nai hồi tháng 3/2018, làm 73 học sinh mầm non phải nhập viện cấp cứu.

Dù mỗi năm đề xảy ra hàng ngàn vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng chỉ có chủ cơ sở sản xuất là bị phạt. Các cơ quan quản lý trên địa bàn hoặc lãnh đạo các trường học vẫn không hề bị quy trách nhiệm và bị xử phạt.

10. Nông sản Việt lao đao vì thương lái Trung Quốc

Chuyện các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua các loại nông sản với giá cao, sau đó lại đột ngột ngừng mua, khiến nông dân khốn đốn lại tiếp tục diễn ra tràn lan trong năm 2018.

Khoảng tháng 10/2018, nông dân trồng thanh long các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre… lại một phen lao đao vì thương lái Trung Quốc ngừng mua hoặc mua với giá bèo bọt. Đầu năm thanh long có giá 15.000-20.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Còn hồi đầu năm, sau khi ào ạt mua chuối với giá cao, đột nhiên thương lái Trung Quốc ngừng thu mua chuối, khiến nông dân ở Đồng Nai khóc ròng. Không chỉ thanh long và chuối, nông dân Việt từng nhiều lần chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” vì nhiều loại nông sản khác như dưa hấu, lúa, dứa. Đối với các sản phẩm chăn nuôi như heo hay rắn, nông dân cũng bị thương lái Trung Quốc gây họa, khiến mất nhà mất cửa.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nông dân hay các doanh nghiệp nhỏ vẫn xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch và phụ thuộc vào thương lái. Do đó không chủ động được nguồn hàng theo nhu cầu thị trường và chất lượng sản phẩm cũng không cao. Nông dân vẫn ham cái lợi trước mắt trong khi chưa chủ động tìm hiểu thị trường xuất khẩu ra sao.

 Dương Nguyễn

Ảnh: tổng hợp

7
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.