Top 10 sự kiện bất động sản đáng nhớ 2019

(NTD) - Năm 2019, thị trường bất động sản được đánh giá là một năm khá khó khăn với các doanh nghiệp, thủ tục hành chính phức tạp và việc siết tín dụng đã khiến nhiều công ty địa ốc gần như bị “đứng hình”.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận những điểm sáng mở ra những kỳ vọng cho một năm 2020 tốt đẹp hơn. Dưới đây là ghi nhận của Báo Người Tiêu Dùng về 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm qua.

1. 160 dự án bất động sản tại TP.HCM bị “tạm ngưng”

Năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến một cơn rúng động khi có tới 160 dự án bị tạm ngưng triển khai để rà soát, thanh kiểm tra, điều tra. Mặc dù đầu tháng 4/2019, UBND TP.HCM đã có kết luận 183 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép 124 trong tổng số hơn 160 dự án được triển khai trở lại. Tuy nhiên, đến nay danh tính 124 dự án nói trên vẫn chưa được công khai hết toàn diện, những dự án này đang nằm ở nhiều cơ quan khác nhau: Có dự án đã hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà cho người dân, cũng có dự án doanh nghiệp đang đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đang làm các thủ tục công nhận chủ đầu tư, cũng có dự án đang xây dựng...

Có 30 dự án vẫn tiếp tục bị ngừng các thủ tục đầu tư chờ kết quả điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Nhiều dự án đã huy động vốn của khách hàng nhưng bị tạm ngưng làm cho khách hàng lo lắng vì trễ tiến độ, thời hạn bàn giao nhà bị hẹn lại vô thời hạn nên cả chủ đầu tư và khách hàng đều như “ngồi trên lửa”.

Điều này dẫn tới việc nhiều chủ đầu tư gần như không có dự án mới, số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, nguồn cung nhà ở căn hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cho đến nay TP.HCM vẫn chưa tháo gỡ được xem như là thách thức cho năm mới 2020.

2. Doanh nghiệp địa ốc bỏ phố đi tỉnh

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc, không được cơ quan Nhà nước xem xét giải quyết kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm chân trời mới.

Và thực tế đã chứng minh điều này, hàng loạt ông lớn bất động sản đã tìm kiếm cơ hội ở thị trường tỉnh, trong đó năm 2019 nổi bật nhất là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) với 3 siêu dự án bất động sản biển vừa được công bố. CTCP Địa ốc Phú Long cũng công bố việc phát triển dự án bất động sản biển tại Bãi Dài (Khánh Hòa) và hay như CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển tại Quy Nhơn (Bình Định).

3. Vướng lao lý vì dự án ma

Tối 24/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Alibaba để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc gây chấn động dư luận đến nay vẫn đang điều tra chưa xét xử. Hàng ngàn khách hàng bị lừa dính bẫy dự án mà từ Alibaba.

Ngoài ra, một số công ty khác lãnh đạo cũng bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lập dự án ma để lừa đảo như CTCP Tư vấn Đầu tư Angel Lina hay CTCP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Hoàng Kim Land.

Đa số các vụ lừa đảo bán dự án ma hoặc phát sinh tranh chấp của khách hàng mua sản phẩm từ Alibaba, Angel Lina hay Hoàng Kim Land, chủ đầu tư đều ký với người mua loại hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng thỏa thuận đầu tư, hợp đồng ủy quyền... Đây đều là những loại hợp đồng không có giá trị pháp lý cao.

4. Condotel sụp đổ, vỡ mộng cam kết lợi nhuận

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón cú sốc khi chủ đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí quy mô 51ha Cocobay (Đà Nẵng) thông báo việc chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết đối với sản phẩm condotel do khó khăn tài chính. Việc phá vỡ cam kết lợi nhuận của dự án từng được quảng bá rầm rộ ở thời hoàng kim của thị trường bất động sản với mức đầu tư 5 tỷ USD, đã giáng đòn tâm lý nặng nề vào thị trường condotel vốn đang trầm lắng.

Cocobay
 

Niềm tin vào các cam kết lợi nhuận khủng của kênh đầu tư này đang bị lung lay. Nhiều nhà đầu tư thậm chí tính đến kế hoạch tháo chạy, rút vốn khỏi dự án Cocobay vì lo ngại rủi ro tài chính và pháp lý. Vụ việc này ảnh hưởng dây chuyền đến hầu hết tất cả các dự án condotel và theo thống kê mới nhất của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì sản phẩm condotel trên cả nước đã giảm giá 8% so với năm 2018.

5. Cải tạo chung cư cũ vẫn nan giải

TP.HCM có gần 500 chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp cần phải tháo dỡ để xây mới. Thành phố đưa ra mục tiêu năm 2020 hoàn thành tháo dỡ các chung cư cấp D (cấp nguy hiểm) tuy vậy để giải “bài toán” di dời, xây dựng lại chung cư cũ để đạt được mục tiêu là vô cùng khó khăn dù nhiều giải pháp đã và đang được đưa ra.

3
 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện địa bàn này có khoảng 1.500 chung cư cũ đang tồn tại, trong đó có 200 nhà xuống cấp, hư hỏng ở cấp C, 137 nhà cấp B và 6 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Từ hàng chục năm nay, lãnh đạo Hà Nội liên tiếp đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng kết quả thực hiện vẫn còn rất chậm. Đến tháng 12/2019, tổng số chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại mới đạt khoảng 1%.

6. Siết tín dụng, chủ đầu tư gặp khó về vốn

Thông tư 19/2017/TT-NHNN trong đó có một số điều quy định như chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%... những quy định này đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc hạn chế tín dụng vào bất động sản sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tự chủ động nguồn vốn thay vì vay tín dụng, giảm thiểu sự phụ thuộc và rủi ro từ các khoản vay phải trả, từ đó kích thích sự phát triển của các kênh đầu tư vốn khác như trái phiếu, phát hành thêm cổ phiếu, tăng cường hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược...

7. Tranh chấp chung cư vẫn chưa có hồi kết

Hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng đã diễn ra giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều dự án chung cư. Vậy cốt lõi của vấn đề đến từ phí quản lý, bảo trì chung cư, tiện ích chung riêng, quản lý vận hành tòa nhà chung cư...

Tranh chap
 

Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương đến cuối tháng 3/2019, cả nước có tới 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư. Riêng TP.HCM có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau; trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.

8. Huy động vốn trái phép tại căn hộ dự án hình thành trong tương lai

Hình thức kinh doanh nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh Bất động sản cho phép và triển khai, kể từ năm 2006 đến nay hơn 10 năm: Vừa giúp các chủ đầu tư huy động thêm nguồn vốn để triển khai dự án, vừa giúp người mua nhà giảm bớt áp lực tài chính khi thanh toán tiền mua nhà nhiều lần theo tiến độ dự án, giá rẻ hơn so với giá căn hộ sau khi đã hoàn chỉnh.

Tuy vậy, tình trạng huy động vốn khi chưa đủ điều kiện vẫn diễn ra tràn lan, trong đó nổi bật như dự án Picity High Park do Tập đoàn Pi Group phát triển huy động vốn cả khi chưa có giấy phép xây dựng. Dự án nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại P. Thảo Điền, Q.2 do CTCP Phát triển nhà G Homes làm chủ đầu tư mở bán từ năm 2018 nhưng năm 2019 mới được cơ quan Nhà nước cho phép huy động vốn...

9. Bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng

Năm 2019 ghi nhận bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm về nguồn cung và lượng giao dịch hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này đến từ việc pháp lý cho các căn hộ condotel (loại hình chủ yếu của phân khúc nghỉ dưỡng) chưa được tháo gỡ. Ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm. Năng lực phát triển vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang bị hạn chế. Và giá của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng bị đẩy lên quá cao trong những năm vừa qua.

10. Vốn FDI đổ vào bất động sản có xu hướng tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong 9 năm qua với con số ấn tượng là 6,98%. Nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn khi đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn này, đạt 3,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực mang nhiều kỳ vọng cho thị trường trong năm 2020 trong bối cảnh trong nước các ngân hàng đang siết tín dụng bất động sản.

 Nguyên Vũ

 

Bình luận

Nổi bật

3 lợi thế sinh lời tuyệt đối tại tọa độ du lịch, giải trí sầm uất nhất Vinhomes Global Gate

3 lợi thế sinh lời tuyệt đối tại tọa độ du lịch, giải trí sầm uất nhất Vinhomes Global Gate

sự kiện🞄Chủ nhật, 24/11/2024, 23:21

(CL&CS) - Tăng tốc đón sóng hạ tầng tại Vinhomes Global Gate (Đông Anh, Hà Nội) trong mùa giao dịch cuối năm, giới đầu tư chọn dừng chân tại trục căn Ánh Dương, phân khu Cát Tường khi đây là giỏ hàng sở hữu cùng lúc hàng loạt ưu thế vượt trội với khả năng sinh lời không giới hạn.

Mách bạn cách tận dụng tối đa lợi ích thẻ tín dụng

Mách bạn cách tận dụng tối đa lợi ích thẻ tín dụng

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:36

CL&CS) - Thẻ tín dụng đang trở thành lựa chọn phổ biến của người dùng nhờ các tính năng ưu việt đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, làm thế nào tận dụng tốt nhất các tiện ích, ưu đãi của thẻ tín dụng là băn khoăn của không ít chủ thẻ.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.