Vingroup trên bàn cờ bán lẻ
(NTD) - Thị trường trong nước tiếp tục dậy sóng với thông tin Tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức mua lại 100% cổ phần của hệ thống siêu thị Maximark. Quân cờ Vingroup đang bành trướng khá nhanh và dự kiến sẽ làm thay đổi cục diện thị trường trong thời gian tới.
![]() |
Chuỗi bán lẻ Maximark vừa bị Vingroup thâu tóm 100%. Nguồn Internet. |
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup phát biểu trong thông cáo báo chí gửi tới giới truyền thông: “Thương vụ Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc, nhằm khẳng định vị trí hàng đầu thị trường. Chúng tôi sẽ hợp lực cùng các doanh nghiệp (DN) trong nước giữ vững thị phần cho hàng Việt và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài”.
Tăng cường M&A
Báo cáo phân tích mới nhất của CTCP Chứng khoán Phú Hưng nêu rõ, các mảng y tế, giáo dục và hệ thống bán lẻ của Vingroup có mức tăng trưởng mạnh trong năm 2014 với tổng doanh thu trong năm qua đạt mức 1.300 tỷ đồng so với chỉ 300 tỷ đồng của 2013. Trong đó, bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đinh” cho Vingroup trong tương lai cùng với 4 mũi nhọn còn lại là bất động sản, nghỉ dưỡng - giải trí, y tế và giáo dục.
Với lợi thế là tập đoàn phát triển bất động sản thuộc hàng lớn nhất nước, chỉ trong thời gian ngắn, Vingroup đã đẩy mạnh chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ với tổng trị giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Hệ thống phân phối, bán lẻ của Vingroup hiện gồm 2 thương hiệu là các trung tâm thương mại (TTTM) Vincom và chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+. Thương hiệu VinMart có xuất xứ từ thương vụ M&A đầu tiên khi CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) chính thức công bố bán 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý bất động sản cho Vingroup từ ngày 3/10/2014 và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành VinMart. Sau khi mua lại, Vingroup đã đồng thời công bố 2 thương hiệu mới là VinMart và VinMart+ với tham vọng xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.
Tiếp tục chiến lược M&A trong ngành bán lẻ, chỉ trong nửa đầu năm nay, Vingroup đã thực hiện liên tiếp tới 3 thương vụ. Trước tiên là vụ mua lại 80% cổ phần tương đương 245 tỷ đồng Công ty Hợp Nhất và đổi tên thành Công ty Vinlinks (ngày 25/4/2015) với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.
“Vụ mua lại Hợp Nhất là động thái của Vingroup nhằm tiến tới dần hoàn thiện chuỗi cung ứng trong ngành bán lẻ từ khâu sản xuất, phân phối vào hệ thống siêu thị tới giao hàng tận nhà sau khi mô hình thương mại điện tử được triển khai”, Giám đốc một doanh nghiệp logistics nói.
Hai tuần sau đó, Vingroup tiếp tục mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng trong cả nước nhằm đẩy mạnh chiến lược đầu tư vào ngành bán lẻ.
Ngày 1/6/2015, Vingroup lại chốt tiếp thương vụ mua hơn 89% cổ phần (267 tỷ đồng) Công ty VinEco Tam Đảo ở tỉnh Vĩnh Phúc nhằm triển khai chiến lược đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt để cung cấp rau quả sạch cho thị trường thông qua hệ thống siêu thị VinMart và mô hình thương mại điện tử.
Mới nhất, sau khi bị Vingroup mua lại toàn bộ, chuỗi TTTM - siêu thị Maximark sẽ được chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart hoặc sẽ trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom. Thông tin từ Vingroup cho hay, đây là thương vụ nằm trong chiến lược mở rộng quy mô trên toàn quốc, đặc biệt là tại thị trường phía Nam. Tính đến tháng 10/2015, chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ đã có 125 cơ sở. Hệ thống Vincom Retail có 12 TTTM Vincom và Vincom Mega Mall đã đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tăng lên gần 40 TTTM vào năm 2016 và tiến tới sẽ phát triển 100 TTTM trên toàn quốc vào năm 2020.
Bàn cờ bán lẻ dịch chuyển mạnh
Rõ ràng, bán lẻ đang trở thành một trong những chiến lược đầu tư trọng tâm của Vingroup trong thời gian tới. Chính sự chuyển mình mạnh mẽ này của Vingroup đang và sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ trong nước vốn còn nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức.
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Phú Hưng, hoạt động kinh doanh của Vingroup luôn được duy trì tích cực và tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2011-2014 lên tới 128,8%. Năm 2014, tổng doanh thu của Vingroup đạt mức kỷ lục, tăng 51% so với cùng kỳ 2013, ở mức 27.724 tỷ đồng. Trong đó, chuyển nhượng bất động sản luôn là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 80% tổng doanh thu (năm 2014 đạt 21.772 tỷ đồng). Đây chính là mảng xương sống, tạo tiền đề phát triển cho 4 mảng còn lại, bao gồm cả bán lẻ. Với quy mô hoạt động kinh doanh của mình, việc Vingroup lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư quốc tế cũng là chuyện dễ hiểu.
Tháng 6 vừa qua, Công ty quản lý quỹ Warburg Pincus có trụ sở chính tại New York đã công bố hoàn thành khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư vào Công ty Cổ phần Vincom Retail lên đến 300 triệu USD. Khoản đầu tư mới nhất của Warburg Pincus vào Vincom Retail được thực hiện thông qua một công ty thuộc Quỹ này. Trước đó vào tháng 5/2013, Warburg Pincus đã đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail. Khoản đầu tư 100 triệu USD mới này đang giúp Vincom Retail thực hiện hàng loạt các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ.
Với bước tiến mới của Vingroup trong ngành bán lẻ, cuộc chiến trong nước ngày càng trở nên quyết liệt giữa khối nội và ngoại ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đối với khối nội, chuỗi bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM (Saigon Co.op) gồm các thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.opXtra Plus, Co.op Food hiện vẫn là nhà bán lẻ có quy mô lớn nhất nước với tổng doanh thu dự kiến trong năm nay sẽ đạt mức 26.200 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015, hệ thống Co.opmart có 78 siêu thị bao gồm 30 Co.opmart ở TP.HCM và 48 Co.opmart tại các tỉnh/thành trong cả nước. Như vậy, tham vọng đạt quy mô 100 siêu thị Co.opmart trong năm nay của Saigon Co.op xem ra rất khó khả thi.
Như vậy, cuộc đua bán lẻ trong khối nội đang ngày càng gay cấn và những diễn biến mới nhất cho thấy, mặc dù tham chiến muộn nhưng Vingroup sẽ nhanh chóng trở thành đối trọng của Saigon Co.op trong thời gian tới.
Trong khi đó, 4 chuỗi bán lẻ ngoại có quy mô lớn tại Việt Nam là Big C, Metro, Lotte Mart và Aeon cũng đang tiếp tục có những toan tính cho riêng mình. Sau thời gian dài phát triển mạnh, Big C và Metro hiện đang sở hữu lần lượt chuỗi 26 và 19 siêu thị trong cả nước có vẻ đang muốn giảm tốc nhằm củng cố lực lượng. Ngoài ra, thương vụ Tập đoàn BJC (Thái Lan) muốn mua lại chuỗi Metro ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (875 triệu USD) hiện vẫn chưa được chốt. Đối với Aeon (Nhật), họ đang tăng tốc để chuẩn bị mở trung tâm mua sắm (TTMS) thứ 3 ở quận Long Biên, Hà Nội sau 2 TTMS ở TP.HCM và Bình Dương. Mới đây, Aeon cũng đã thể hiện cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam bằng thương vụ mua lại 30% chuỗi Fivimart và 49% chuỗi Citimart. Tương tự Aeon, hiện Lottemart đã có 10 TTTM tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở rộng tới khoảng 60 TTTM vào năm 2020.
Tiềm năng và thách thức
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, thị trường bán lẻ trong nước còn rất nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam đang có hơn 90 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa. Trong tương lai, giá trị này sẽ ngày càng tăng và đó là tiền đề cho sự phát triển của bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ hiện đại.
Theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 TTTM, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Phần lớn siêu thị và TTTM chỉ tập trung tại các thành phố lớn, khu vực nông thôn hầu như vắng bóng hệ thống bán lẻ. Vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Tuy nhiên, thách thức đối với ngành bán lẻ cũng ngày càng gay gắt. Các nhà đầu tư ngoại không chỉ thâm nhập vào Việt Nam bằng con đường liên doanh liên kết trong khâu phân phối mà ngay từ khâu sản xuất. Đơn cử như Công ty C.P của Thái Lan đang chiếm 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà công nghiệp, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Như vậy, khối ngoại đang nắm trong tay chuỗi cung ứng từ sản xuất cho tới phân phối. Họ hầu hết đều là những thương hiệu lớn có lợi thế về vốn, kinh nghiệm và chiến lược bài bản.
Theo ông Phú, giải pháp cạnh tranh vẫn nằm trong tay các cơ quan chức năng và chính các DN bán lẻ nội địa. Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các DN nội tiếp cận đất đai, mở rộng chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn bộ các thị trường. Bên cạnh đó cũng cần có sự giảm thiểu trong các thủ tục hành chính, giảm chi phí mở DN để số lượng các DN tham gia vào thị trường tăng lên. Vốn sẽ được đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất. Các DN nội cần phải tạo ra được liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối - phân phối, bán buôn - bán lẻ… nhằm giúp giá thành giảm và hàng sản xuất cũng sẽ đảm bảo được đầu ra, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát.
Miếng bánh thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, vấn đề chính là chúng ta sẽ làm cách nào để nắm bắt được thời cơ tốt nhất để có thể làm chủ được trận địa này ngay trên sân nhà. Tốc độ bành trướng của Vingroup đã và đang làm dịch chuyển mạnh bàn cờ bán lẻ trong nước, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho khối nội, nhưng cuộc chiến bán lẻ chắc chắn sẽ còn lắm chông gai.
Năm nay là một năm đầy cơ hội và thách thức đối với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ ngày 11/1/2015, Việt Nam đã cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn ngoại theo cam kết WTO. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực…di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới việc hiệp định TPP với 12 nước tham gia sẽ có thể được ký kết trong năm sau. Với hiệp đinh này, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Việc này sẽ gây nhiều khó khăn bất lợi cho hàng hóa trong nước nhưng cũng là động lực thúc đẩy được tình hình sản xuất và phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của các DN nội. |
Vĩnh Bảo
Bình luận
Nổi bật
Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động
sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09
Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.
Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải
sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57
Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.
Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời
sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00
(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.