Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 08/02/2024, 23:13 PM

Việt Nam sở hữu tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử dân tộc

Không chỉ vĩ đại về mặt quy mô, tòa thành còn thể hiện tri thức quân sự hết sức độc đáo của cha ông ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Tòa thành đất sớm nhất, quy mô nhất Đông Nam Á

Khu di tích Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội 17km thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, có diện tích bảo tồn gần 500ha được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn - vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích Cổ Loa nhìn từ trên cao

Khu di tích Cổ Loa nhìn từ trên cao

Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Các kết quả khảo cổ học khẳng định, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Công trình không chỉ tồn tại trong niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa, trong truyền thuyết mà còn được ghi lại trong rất nhiều bộ sử của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc như Hậu Hán thư, Nam Việt chí, Thủy kinh chú, Tùy thư, An Nam chí lược, Việt kiệu thư, An Nam chí nguyên. Ở Việt Nam, các bộ sách Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí... đều nói tới tòa thành do An Dương Vương xây dựng ở Cổ Loa.

Sự tích thành Cổ Loa gắn với câu chuyện truyền thuyết về vua An Dương Vương và chiếc nỏ thần

Sự tích thành Cổ Loa gắn với câu chuyện truyền thuyết về vua An Dương Vương và chiếc nỏ thần

Theo truyền thuyết cũng như các thư tịch cổ mô tả, "thành cổ (Cổ Loa) rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành". Thư tịch cổ Trung Hoa chép, thành Cổ Loa có 9 vòng, hình con ốc. Nhưng hiện tại, cấu trúc của thành Cổ Loa chỉ còn ba vòng: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại theo cách gọi của người Cổ Loa...

Giếng Ngọc thành Cổ Loa

Giếng Ngọc thành Cổ Loa

Rải rác trong thành còn có một số địa danh khác có liên quan tới chức năng quân sự của thành như: dọc Đống Bắn - tương truyền là nơi luyện cung nỏ của quân đội, Ngự Xạ Đài - nơi An Dương Vương ngồi xem quân lính tập bắn cung nỏ, Vườn Thuyền - là nơi thuyền bè neo đậu chuẩn bị tập luyện thủy chiến, gò Cột Cờ là nơi treo lá cờ đại của Nhà nước Âu Lạc...

Sơ đồ thành Cổ Loa với những vòng thành kiên cố

Sơ đồ thành Cổ Loa với những vòng thành kiên cố

Dưới chân các lũy thành đều có hào nước để ngăn cản quân địch, đồng thời là đường giao thông thủy quan trọng nối liền các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra khỏi thành khi có nguy hiểm.

Công trình quân sự kiên cố và độc đáo

Không chỉ vĩ đại về mặt quy mô, Loa Thành còn thể hiện tri thức quân sự hết sức độc đáo của cha ông ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Cuốn Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam có ghi lại: Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố trong điều kiện chưa có hỏa khí bắn xa. Nếu như kẻ địch tấn công từ bên ngoài vào, chúng sẽ gặp phải đòn đánh phủ đầu từ những lũy tiền vệ bên ngoài. Qua lũy tiền vệ này, để tiến vào tới đường thành còn phải vượt qua một khoảng trống lớn. Với tầm bắn của cung nỏ cứng, quân đứng trên tường thành Ngoại có thể ngăn chặn được bước tiến của kẻ thù. Một khi vượt qua được khoảng trống đó, trước mặt kẻ tấn công là hệ thống ngoại hào rộng từ 20-30m. Không thể dễ dàng vượt qua được hào nước này, một khi quân trên mặt tường thành bắn xuống, thủy quân với những thuyền nhỏ phục sẵn sẽ lao ra sẵn sàng phối hợp tác chiến.

Hình ảnh thành Cổ Loa năm xưa qua một đoạn tường thành còn sót lại

Hình ảnh thành Cổ Loa năm xưa qua một đoạn tường thành còn sót lại

Nếu vượt qua được ngoại hào thì trước mặt chúng là tường thành Ngoại kiên cố, cao từ 8-10m. Vượt qua được thành Ngoại để vào được nơi vua và hoàng tộc ở, kẻ địch còn phải vượt qua hai lớp hào và thành nữa. Đó là chưa kể đến những trận địa được bố trí ở giữa hai lớp thành.

Không chỉ là một căn cứ bộ binh hiểm yếu, Cổ Loa còn là một căn cứ thủy quân lợi hại. Sông Hoàng - ngoại hào thiên nhiên của Cổ Loa, đầu trên nối với sông Hồng, đoạn dưới nối với sông Cầu, qua cửa Lục Đầu ở Phả Lại, có thể đi thẳng ra biển. Nước của hai con sông lớn nhất trên châu thổ đã qua sông Hoàng, đổ vào hệ thống rồi chảy ra Đầm Cả mênh mông ở góc đông bắc thành.

Diện tích mặt đầm có thể chứa hàng trăm thuyền bè. Với một hệ thống đường thủy được thiết kế tài tình như vậy, thuyền chiến có thể đi lại khắp nơi trong thành và khi cần, những đạo quân trong thành có thể dễ dàng ra khỏi thành bằng tiếp cứu cho thành nếu bị vây hãm.

Thành Cổ Loa được xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên nên không đề cao cái đẹp, các tường thành không tròn mà theo hình gấp khúc

Thành Cổ Loa được xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên nên không đề cao cái đẹp, các tường thành không tròn mà theo hình gấp khúc

Một trong những sáng tạo tuyệt vời khác người của thiết kế thành là tác giả đã biết tận dụng triệt để các gò đất cao tự nhiên đắp nối liền chúng lại với nhau tạo nên những vòng thành khép kín, nhờ vậy đã tiết kiệm được rất nhiều sức lao động của con người và tiền của. Cũng chính vì vậy, mà thành Trung và thành Ngoại uốn lượn tự do không có hình dáng cân xứng và chặt chẽ. Yêu cầu về cái đẹp đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, mối quan tâm hàng đầu là tính chất kiên cố của một công trình quân sự.

Kho tàng truyền thuyết về Cổ Loa cho thấy công cuộc xây dựng thành vô cùng gian khó. Nguyên nhân là do thành xây trên vùng đất nhiều ao hồ lầy thụt và thời điểm đó những cuộc xung đột bộ lạc vẫn chưa chấm dứt. Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm và sức mạnh của các bộ lạc vùng thấp, An Dương Vương đã chinh phục được các lực lượng chống đối và áp dụng kinh nghiệm chống lầy thụt của họ mới có thể thành công trong việc xây thành.

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 09:45

Chuyến tham quan kéo dài 11 ngày, được gọi với tên gọi "Con thuyền khỏa thân lớn năm 2025" trên con tàu Norwegian Pear với sức chứa hơn 2.300 người.

Vườn quốc gia hàng đầu châu Á của Việt Nam mở tour tham quan ban đêm xem đom đóm và động vật hoang dã

Vườn quốc gia hàng đầu châu Á của Việt Nam mở tour tham quan ban đêm xem đom đóm và động vật hoang dã

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 22:39

Du khách sẽ được ngắm đom đóm, soi côn trùng và khám phá cuộc sống về đêm của các loài động vật quý hiếm như tê tê, cầy vằn, cầy Mực, mèo rừng, rái cá và culi.

Sắp ngừng khai thác đường bay siêu ngắn, khách ngồi 7 phút đã hạ cánh sau gần 30 năm hoạt động

Sắp ngừng khai thác đường bay siêu ngắn, khách ngồi 7 phút đã hạ cánh sau gần 30 năm hoạt động

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:51

Việc dừng khai thác chặng bay nối liền 2 đảo khiến người dân vô cùng lo lắng.