Chủ nhật, 20/08/2023, 20:32 PM

Ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm

(CL&CS) - Tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu tiếp tục là “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

7

Đầu tư, dịch vụ và doanh nghiệp... bứt phá

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6.     

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 62,7% dự toán năm trong điều kiện thực hiện các chính sách giảm, giãn, hoãn, miễn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại, xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6; tính chung 7 tháng xuất siêu 16,5 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp phục hồi, chỉ số sản xuất toàn ngành tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước. Đặc biệt, trong tháng 7, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4,3%, số vốn đăng ký tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong tháng 7, dòng vốn FDI đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm, đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 0,8%.

Đánh giá về tình hình thu hút vốn FDI trong 7 tháng vừa qua, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam đã có những chỉ số rất tích cực như: tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,8% so với 6 tháng đầu năm.

Trong tổng vốn đầu tư, có nhiều nhà đầu tư lớn nhưng phần lớn là các doanh nghiệp tầm trung và hầu hết tập trung vào các đối tác truyền thống trong khu vực của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Còn các nhà đầu tư nước ngoài ở châu Âu, Mỹ cũng đến đầu tư nhưng họ thường thông qua nước thứ ba, như có thể thông qua Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) chứ không trực tiếp từ Hoa Kỳ hay châu Âu.

“Vốn đầu tư mới cũng như dự án đầu tư mới so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh hơn so với các tháng đầu năm. Tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Phát huy hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu tiếp tục là “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Trong 3 động lực đó, cầu có ý nghĩa quan trọng, nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, kích cầu tăng trưởng. Vấn đề thứ hai là tăng cường đầu tư công. Chính phủ tập trung toàn bộ sức lực, sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp. Động lực tăng trưởng thứ ba là cố gắng giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và dần mở thị trường mới.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Võ Trí Thành cho rằng triển vọng của quý 3 và 4 sẽ tốt hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhất là thu hút khách du lịch quốc tế. Cùng với đó là giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm có tính lan tỏa cao. Trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nâng cao tỷ lệ vốn thực hiện cũng là giải pháp quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, (Tổng cục Thống kê), triển vọng của hoạt động xuất khẩu cuối năm sẽ tích cực hơn vì nhu cầu của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường có thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong thời gian tới, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:

Ông Trần Quốc Phương.

Ông Trần Quốc Phương.

Chúng ta có niềm tin có thể giải ngân được hết 95% vốn đầu tư công

Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo rà soát các động lực tăng trưởng và những tác động chính sách cũng như giải pháp để kích thích động lực từ giải ngân vốn đầu tư công để có sự đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Về đầu tư công như chúng ta đã biết, trong năm nay chúng ta phải giải ngân khoảng 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Tính đến hết tháng 7, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch, vì vậy từ nay đến cuối năm nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là rất nặng, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm được. Bởi thứ nhất, chúng ta đã có một quá trình rất dài để tập trung khó gỡ những khó khăn vướng mắc trong đầu tư công và sự quyết tâm của các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, từ các bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố đều rất quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tôi cho rằng đây là những nền tảng động lực rất lớn để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến cuối năm.

Thứ hai, cơ chế để phục vụ cho giải ngân đã rất linh hoạt, Quốc hội cũng đã thông qua và cho phép linh hoạt hài hòa giữa Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với Kế hoạch đầu tư công hàng năm và 5 năm mà chúng ta đang triển khai. Có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng cả 2 loại vốn này để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, làm sao để giải ngân hết được số tiền của cả chương trình phục hồi và Kế hoạch đầu tư công hàng năm và 5 năm.

Tôi cho rằng, chúng ta có niềm tin có thể giải ngân được hết 95% vốn đầu tư công trong năm nay, bởi xu thế các năm gần đây cũng cho thấy quy luật là các tháng đầu năm thường rất thấp, cuối năm thường rất cao. Đây là điều khó tránh đối với công tác đầu tư bởi đầu năm là công tác chuẩn bị, giữa năm tích lũy khối lượng để cuối năm hoàn thành.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia:

TS Lê Xuân Nghĩa.

TS Lê Xuân Nghĩa.

Quý 4/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn

Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo đáy hình chữ U, không thể phục hồi nhanh được. Bởi kinh tế thế giới cũng đang phục hồi từ từ, vừa phục hồi vừa phải cảnh giác với lạm phát (rủi ro từ xung đột, giá nhiên liệu, giá lương thực); xuất khẩu và nhập khẩu thời gian qua của Việt Nam giảm, song tốc độ giảm đã chậm dần. Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu như: điện tử, nông sản có tốc độ phục hồi tốt. Về thị trường hiện nay, phần lớn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu phục hồi rất chậm do đòi hỏi tín chỉ carbon, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị. Việc xuất khẩu chỉ còn trông cậy vào các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; lĩnh vực dịch vụ (du lịch, ăn uống, đi lại) cũng đang phục hồi khá tốt. Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo khoảng quý 4/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn.

Xuân Thảo (thực hiện)

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho cả năm 2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm. Theo đó, tiêu dùng trong nước phải tăng trưởng khoảng 20%; xuất khẩu, đặc biệt hàng công nghệ chế biến, chế tạo phải hồi phục và mức tăng trưởng phải 18 - 20%.

''Những đơn hàng xuất khẩu đã phục hồi trở lại từ tháng 4/2023 và tăng dần, dù chỉ là những đơn hàng nhỏ. Hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục. Hy vọng với sự phục hồi mạnh mẽ từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể bằng hoặc thậm chí có thể tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều các biện pháp kích cầu như: giảm 2% thuế Giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất… giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên và doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành cũng như triển khai các chương trình khuyến mại, hậu mãi… và những giải pháp này sẽ thể hiện hiệu quả rõ ràng trong những tháng cuối năm”', PGS TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Tập trung tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì gốc rễ vẫn là làm sao để tháo gỡ những khó khăn, những rào cản doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư còn phải e ngại.

Chính phủ quyết định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi rất ấn tượng về mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra và người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định một lần nữa tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 là chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, rất quyết tâm đặt mục tiêu cao về tăng trưởng trong năm nay dù gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy trong 2 quý cuối năm nay phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra trọng tâm chỉ đạo điều hành đó là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đáng lưu ý là trong 6 nội dung chỉ đạo điều hành, Chính phủ nhấn mạnh việc ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, ba động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…”. Đáng lưu ý, trong 6 nội dung chỉ đạo điều hành, Chính phủ nhấn mạnh việc “Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng)” và “Rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản”.

Đánh giá của ông về các cải cách chính sách cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp từ đầu năm tới nay?

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong khoảng 2 tháng gần đây chúng ta đã nhìn thấy được những chỉ đạo hết sức thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, những công điện của Thủ tướng Chính phủ thì cũng đang đi theo hướng này. Và đặc biệt trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ chúng ta đã thấy rất rõ điều này, khi đề cập đến rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là tập trung cả phía cung và phía cầu.

Tôi cũng cho rằng, để đạt được con số tăng trưởng đã nêu ở trên, gốc rễ vẫn là làm sao để tháo gỡ những khó khăn, những rào cản khiến cho các dự án hạ tầng, các dự án mà nhà đầu tư còn phải e ngại. Khi những điều này được tháo gỡ, được khơi thông thì chắc chắn tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam còn được đặt cao hơn nữa. Chính phủ cũng đã nhận diện được rất rõ điều này, nên những giải pháp được đưa ra trong thời gian vừa qua theo cá nhân tôi là đúng và trúng với thực trạng hiện tại và cũng đúng với mong muốn của doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh.

Theo ông, đâu là điểm nhấn cần tập trung để đạt được cao nhất mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay?

Đúng là nếu nhìn lại trong những tháng đầu năm của 2023 thì có thể thấy được rằng cả 3 động lực tăng trưởng của Việt Nam đều đang gặp khó khăn. Dù những tháng gần đây đều có tín hiệu là tháng sau tốt hơn tháng trước nhưng đầu tư của FDI trong 7 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng chưa được như mong muốn.

Đối với đầu tư tư nhân thì có lẽ những tháng đầu năm 2023, chúng ta chưa bao giờ gặp tình trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường với tốc độ tăng cao như vậy. Mặc dù tình hình này đã được cải thiện trong tháng 6, 7 nhưng nhìn chung cả 7 tháng thì vẫn có đến 113.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, đây là một con số rất cao và đáng lo ngại.

Đầu tư công mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng nhưng tỷ lệ so với số vốn cần phải giải ngân thì vẫn là một con số tương đối khiêm tốn. Xuất khẩu cũng là một động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn bởi Việt Nam là một nền kinh tế mở. Tiêu dùng dù có khởi sắc ở một số lĩnh vực, một số ngành nhưng rõ ràng điều này chưa tạo ra những đột phá về tăng trưởng.

Như vậy, cả 3 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam đều có chiều hướng suy giảm trong nửa đầu năm. Cho nên ưu tiên hiện tại của Chính phủ là cần phải thúc đẩy và tạo ra một động lực tăng trưởng mới cho những động lực tăng trưởng này và rõ ràng là đây cũng là một ưu tiên của Chính phủ.

Mục tiêu về chính sách, giải pháp đã được xác định khá rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông làm sao để thực thi một cách có hiệu quả được các giải pháp này, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất?

Đúng là mục tiêu chính sách đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, chất lượng thực thi của bộ máy các cấp, của các cơ quan nhà nước các cấp có thể ở đâu đó chưa đồng bộ. Mỗi cơ quan đang có góc nhìn từ lợi ích của mình và lợi ích này có thể chưa phù hợp với lợi ích chung của quốc gia. Vì vậy, chúng tôi vẫn mong muốn là có một cơ chế để nhanh chóng đánh giá được cái lợi, cái hại của những giải pháp. Có thể hiện nay cách thực hiện của một số quy định hay một số cách áp dụng đang tạo ra chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, trong khi đó lợi ích đạt được lại rất ít. Nên cần có một cơ chế để đánh giá được lợi ích cũng như thiệt hại trong các giải pháp quản lý nhà nước, trong các quy định của Nhà nước, trong cách thực thi của Nhà nước, để có thể lựa chọn giải pháp có lợi hơn cho nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Tuấn phong (ghi)

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Hé lộ những dự án 'ông lớn' Taseco Land sẽ khởi công trong năm 2024?

Hé lộ những dự án 'ông lớn' Taseco Land sẽ khởi công trong năm 2024?

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 14:34

Bên cạnh những dự án sẽ khởi công trong năm 2024, Taseco Land sẽ tiếp tục thực hiện việc kinh doanh tại một số dự án trọng điểm.

Một doanh nghiệp smarthome Việt Nam khánh thành nhà máy trăm tỷ tại tỉnh cửa ngõ của Thủ đô Hà Nộ

Một doanh nghiệp smarthome Việt Nam khánh thành nhà máy trăm tỷ tại tỉnh cửa ngõ của Thủ đô Hà Nộ

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 14:32

Năm 2012, doanh nghiệp đã tham gia thị trường nhà thông minh tại Việt Nam khi lĩnh vực này vẫn còn sơ khai