Thứ hai, 21/03/2022, 14:43 PM

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%

(CL&CS)- Quốc hội đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý đạt 100%.

Thực trạng quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt

Bộ TN&MT cho biết, theo ước tính, hiện trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng các TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải. Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. 

MT

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Phương thức xử lý rác thải từ khâu phát sinh đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn tồn tại nhiều bất cập. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến cho tỷ lệ lượng rác thải tăng nhanh, tăng 10-16%/ năm, trong khi điều kiện hạ tầng chưa theo kịp. Ví dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác rò rỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay ô nhiễm không khí,… Các nước tiên tiến trên thế giới có hệ thống lưu giữ tạm thời tập kết nửa nổi nửa chìm, hoặc chìm hẳn, để thực hiện điều này cần có sự đầu tư.

Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn ở nước ta chưa tốt, mới mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng. Một số dự án thí điểm triển khai nhưng không thành công do hạ tầng, điều kiện kỹ thuật chưa có. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể phân loại rác thải theo 3 loại: rác thải có thể tái chế được, rác thải thực thẩm và rác thải để xử lý. Nhưng chứa chất thải bằng gì, phương tiện vận chuyển gì, công nghệ gì thì cần giải pháp căn cơ và đồng bộ mới triển khai thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 261:2001 của Bộ Xây dựng trước đây quy định rất kỹ từ thiết kế vật liệu kỹ thuật, dẫn nước, thu khí, thu nước rỉ rác,… Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi chúng ta không thu gom được khí mê-tan, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khí nhà kính. Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta cũng có một số công nghệ khác như công nghệ đốt, công nghệ ủ…, nhưng thực tế vẫn là công nghệ đốt là chính. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi từ nguồn rác phân loại, trên cơ sở đó sẽ có lựa chọn công nghệ phù hợp hơn.

Cần tháo gỡ những tồn đọng cũng như có sự đồng bộ về chính sách, quy hoạch, đầu tư

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Luật Bảo vệ môi trường giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành quy định tiêu chí công nghệ trong lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Bộ TN-MT cũng ban hành Thông tư quy định tiêu chí công nghệ trong xử lý rác thải. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành danh mục công nghệ để các địa phương căn cứ điều kiện tình hình kinh tế, lựa chọn công nghệ phù hợp chứ không chỉ có công nghệ đốt, phát điện. Quan trọng là xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện. Đó là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Đối với các quy chuẩn, trong thời gian tới Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện và quy định thêm tỷ lệ tro đáy sau đốt. Hiện nay các nước tiên tiến tro chỉ có 5%, còn chúng ta đốt, tổng cả tỷ lệ tro bay và tro đáy sau đốt lên đến 15%. Tuy nhiên, phải có thời gian, lộ trình để tiếp tục hoàn thiện chính sách này.

Về vấn đề ưu đãi trong xử lý chất thải sinh hoạt, Bộ TN-MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong Phụ lục về vấn đề chính sách ưu đãi trong đó có ưu đãi về xử lý chất thải sinh hoạt. Cụ thể, ưu đãi về đất, công nghệ. Đối với các dự án về đốt rác phát điện thì phải có sự kết hợp với Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch. Để đưa chính sách vào cuộc sống thì phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể, ví dụ về định mức kinh tế kỹ thuật trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Theo Ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải rắn đô thị nói riêng, theo tôi vướng mắc lớn nhất vẫn ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi nhìn chung hệ thống chính sách pháp luật đã tương đối đồng bộ, có thể giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi, khoa học. Các văn bản, quy định quản lý chất thải rắn phân công công việc rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành.

An

Ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Đơn cử, ngay tại địa phương việc tổ chức thực hiện cũng chưa sự đồng nhất. Ví dụ có nơi giao Sở Xây dựng, có nơi Sở Tài nguyên và Môi trường, có nơi lại giao cho một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực môi trường chủ trì. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể ở cấp huyện lại là phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, dẫn đến chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt theo một ngành, một lĩnh vực.

Hiện nay, việc quy hoạch địa điểm xây dựng công trình tại địa phương đang khá lúng túng, nhất là lựa chọn địa điểm chôn lấp hoặc lựa chọn công nghệ xử lý ban đầu số chất thải này. Ngay cả việc trung chuyển rác thải cũng gặp nhiều khó khăn về thiết bị trung chuyển, công tác tổ chức điều hành chưa được khoa học, nhất là phân loại rác thải ban đầu.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dũng, Cán bộ cao cấp, Hợp phần năng lượng tái tạo, Dự án 4E, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam thì cho biết, sau khi cập nhật, rà soát, đánh giá lại tình hình để có những khuyến nghị về chính sách cũng như khuyến nghị về mặt công nghệ phù hợp cho những đối tác ở Việt Nam dựa trên một số những tiêu chí.

dung

Ông Nguyễn Anh Dũng, Cán bộ cao cấp, Hợp phần năng lượng tái tạo, Dự án 4E, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam

Tiêu chí thứ nhất, đó là đặc tính rác thải ở Việt Nam có độ ẩm cao, hàm lượng tạp chất không thể đốt, không thu hồi năng lượng được như: đất, cát, kim loại, thủy tinh còn nhiều, có những địa phương tỷ lệ trên 30%, ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn công nghệ thế nào cho phù hợp.

Tiêu chí thứ hai, liên quan đến quy mô của nguồn rác thải. Đối với những khu đô thị lớn, việc phát triển những nhà máy xử lý rác thải 2.000, 3.000 tấn/ngày rất đơn giản. Tuy nhiên, đối với những địa phương, những khu đô thị có quy mô nguồn rác thải ít hơn thì đầu tư khó có thể đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn. Với công nghệ đốt, phát điện mức độ chênh lệch về hiệu suất đầu tư đối với quy mô lượng rác thải là tương đối lớn, lên đến 30 - 40%. Chính vì vậy, nhà máy có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ này thì khó đạt hiệu quả kinh tế.

Tiêu chí thứ ba, liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Đối với những quốc gia phát triển thì tiêu chuẩn về môi trường của họ cũng sẽ rất cao. Tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam để phù hợp với cả trình độ phát triển kinh tế - xã hội thì không thể so được với những nước phát triển. Tuy nhiên, trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ nâng dần những tiêu chuẩn đó lên để đảm bảo cung cấp môi trường sống tốt hơn cho người dân và trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì người dân cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để xử lý và bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn môi trường cũng là tiêu chí được đưa ra để lựa chọn những công nghệ tốt, công nghệ cao và sạch nhưng kèm theo đó là sẽ đắt hơn. Công nghệ cao cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn trong việc đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, nên khi lựa chọn cũng cần phù hợp với cả trình độ công nghệ của Việt Nam.

Cuối cùng là mức độ người dân sẵn sàng chi trả cho những chi phí về xử lý môi trường. 

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Đào tạo chuyên gia kiểm kê khí nhà kính cho sản phẩm thép

Đào tạo chuyên gia kiểm kê khí nhà kính cho sản phẩm thép

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 15:32

(CL&CS) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) vừa phối hợp với BSI Việt Nam tổ chức khóa đào tạo chuyên gia về kiểm kê KNK theo yêu cầu của TCVN ISO 14067/ISO 14067 và CBAM cho sản phẩm thép.

Tiêu chuẩn ASTM về đánh giá tài sản thương mại vừa được cập nhật

Tiêu chuẩn ASTM về đánh giá tài sản thương mại vừa được cập nhật

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 10:15

(CL&CS) - Ủy ban đánh giá môi trường, quản lý rủi ro và hành động khắc phục của ASTM Quốc tế (E50) cập nhật hướng dẫn tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng tài sản thương mại. Tiêu chuẩn có tên gọi là quy trình đánh giá tình trạng tài sản cơ bản (E2018 ).

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sửa đổi luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sửa đổi luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 14:23

(CL&CS)- Ngày 19/4, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.