Thứ năm, 18/01/2024, 09:12 AM

TS. Cấn Văn Lực: Không quá lo về lạm phát trong năm 2024

(CL&CS) - Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, năm 2024, Việt Nam có thể tranh thủ kích thích tăng trưởng mà không quá lo vì lạm phát có thể được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, cần tăng tính tự chủ tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương.

TS. Cấn Văn Lực.

TS. Cấn Văn Lực.

Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế 2024?

Theo dự báo mới công bố của Ngân hàng thế giới (WB), GDP năm 2023 chỉ đạt 2,6% (thấp hơn mức 3% năm 2022) và tiếp tục chậm lại vào năm 2024 với mức tăng 2,4% trong năm 2024 khi Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm. Cùng với đó, lạm phát (CPI) giảm từ mức đỉnh 8,6% năm 2022 xuống còn 5% cuối năm 2023 và 3,9% cuối năm 2024.

Năm 2024, xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cùng với đó, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu. Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về mối lo lạm phát và theo ông đâu là động lực tăng trưởng trong năm 2024?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt hơn, lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát. Theo đó, Việt Nam có thể tranh thủ kích tăng trưởng nhưng không quá lo vì lạm phát, với lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra khi kiềm chế áp lực gia tăng từ hai nhóm hàng hoá, dịch vụ chính là lương thực, thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, về thể chế, các luật mới đã được thông qua và sẽ được thông qua là Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử... sẽ tạo nền tảng cho các thị trường (liên quan đến đất đai, xây dựng bất động sản. tài chính ngân hàng…) phát triển an toàn hơn, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, một số cơ chế chính sách ban hành trong năm 2023 tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất tiếp tục giảm thuế GTGT, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, tiếp tục giảm một số thuế và phí khác với mức gần tương đương với năm 2023.

Đặc biệt, tôi hoàn toàn đồng ý với Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 mà Chính phủ mới ban hành, coi năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025, với quan điểm phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ và thực thi hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, cần "kích" vào hai điểm mấu chốt hiện nay là tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Bằng cách duy trì các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ít nhất ở mức tương đương giai đoạn đại dịch Covid-19; đồng thời phải lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2024, Việt Nam có thể "kích" tiêu dùng và đầu tư tư nhân mà không quá lo về lạm phát. Lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra bằng cách kiềm chế áp lực tăng giá từ lương thực thực phẩm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng - hai nhóm gây ra hơn 70% nguyên nhân lạm phát năm 2023.

Đặc biệt, kích cầu đầu tư cần chú trọng ba khu vực có mức độ lan toả liên kết vùng rất lớn là TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, bởi đây là ba đầu tàu kinh tế nhưng năm 2023 có mức tăng trưởng GRDP rất thấp (Đà Nẵng 3,26% - thấp gần nhất cả nước; TP Hồ Chí Minh chỉ 5,81% và TP Hà Nội trên 6%). Ba đầu tàu này cần có tăng trưởng cao gấp 1,3-1,5 lần tăng trưởng của cả nước thì mới hợp lý.

Về các động lực tăng trưởng mới, đó là các động lực đến từ chuyển đổi số và khoa học công nghệ, từ việc đẩy mạnh năng suất lao động, từ cải cách thể chế hay là chiến lược tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu... Những động lực mới này hiện nay Việt Nam còn rất nhiều dư địa. Năm ngoái chuyển đổi số khá mạnh nhưng mức tăng năng suất lao động vẫn thấp - chỉ 3,65%.

Như ông đã phân tích ở trên về những khó khăn và thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam, vậy để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, theo ông chúng ta cần triển khai đồng bộ những giải pháp nào?

Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, theo tôi cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém. Quan trọng hơn là cần phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

Theo đó, cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn, cơ chế thí điểm sandbox. Bởi muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, để có chỉ đạo có cơ chế chính sách thực hiện rõ ràng.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050...

Ngoài ra, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu... Về chính sách tiền tệ cần cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, để doanh nghiệp và người dân an toàn hơn về mặt tài chính và có động lực để đầu tư và phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Sân bay có kiến trúc độc đáo gần sát biển Đông sắp khởi công dự án 1.500 tỷ

Sân bay có kiến trúc độc đáo gần sát biển Đông sắp khởi công dự án 1.500 tỷ

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 20:56

Dự án nghìn tỷ được thực hiện tại sân bay này hướng đến mục tiêu nâng công suất khai thác của sân bay lên 3 triệu khách/năm.

Số tiền 1,8 tỷ USD vừa được ‘rót’ vào sân bay lớn nhất Việt Nam từ đâu mà ra?

Số tiền 1,8 tỷ USD vừa được ‘rót’ vào sân bay lớn nhất Việt Nam từ đâu mà ra?

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 20:49

Dự kiến sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ hoạt động vào năm 2026, với công suất 100 triệu khách/năm.

28 nội dung và vướng mắc trong quản lý đất đai đang được xử lý

28 nội dung và vướng mắc trong quản lý đất đai đang được xử lý

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 20:49

Trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, có 28 nội dung hiện đang trong quá trình được xử lý.