Dữ liệu cũ
Thứ tư, 24/07/2019, 12:38 PM

Trước lo ngại của người dân, Đà Nẵng sẽ dùng công nghệ đốt rác từ châu Âu?

(NTD) - Người dân Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về công nghệ đốt rác bằng điện lạc hậu và năng lực của chủ đầu tư dự án khu liên hợp xử lý rác Khánh Sơn sau khi tham quan một nhà máy tương tự tại Cần Thơ. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng đã trấn an người dân rằng "sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị châu Âu".

 

IMG-2456
Nếu không sớm xây dựng nhà máy xử lý rác, Đà Nẵng sẽ bị bao rác bao vây như những ngày đầu tháng 7/2019...

Sau gần 30 năm hoạt động, Khánh Sơn - bãi rác duy nhất của Đà Nẵng - dự kiến sẽ hết sức chứa vào tháng 9/2019 sắp tới. Đà Nẵng sẽ gặp các vấn đề môi trường và xã hội nghiêm trọng nếu không sớm có giải pháp. 

Chính quyền Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông - Trung Quốc), đổi mới công nghệ để xử lý rác sinh hoạt. Theo đó, công ty sẽ xây dựng một nhà máy với công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến đặt tại bãi rác Khánh Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày. Nhà máy rác này sẽ biến rác thải thành năng lượng, đặc biệt, các thông số khí thải và khói thải sẽ đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Theo kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021.

Chủ trương là vậy nhưng để khởi công xây dựng nhà máy này, chính quyền Đà Nẵng cần sự đồng thuận từ người dân. Mới đây, sau khi được đưa đi tham quan nhà máy xử lý đốt rác phát điện tương tự ở Cần Thơ, người dân thực sự lo ngại với công nghệ xử lý đốt rác điện xuất xứ Trung Quốc và nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư là Công ty CP Môi trường Việt Nam. Do vậy, giữa người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng nhà máy mới.

Báo cáo mới đây của Sở KH&CN Cần Thơ về Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ cho thấy, phần tro xỉ phát sinh sau xử lý rác khoảng 25,5% khối lượng rác đưa vào lò đốt, trong khi theo thuyết minh khoa học và công nghệ ban đầu của nhà máy là không quá 20%. Bên cạnh đó, nhà máy có 36% các thiết bị có nhãn hiệu không phù hợp với công bố. Hầu hết thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc, một số thiết bị được nhập từ các nước G7.

rac_khanh_son1-20_08_27_889
Chủ trương xây dựng nhà máy rác đốt phát điện đã có nhưng người dân chưa đồng thuận

Mặt khác, mỗi ngày có đến 18 tấn tro bay từ Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, tức là hơn 4% khối lượng rác đưa vào. Tháng 1/2019 vừa qua, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đề nghị nhà máy tiếp tục triển khai xây dựng bãi chôn lấp tro bay với diện tích 1ha giai đoạn 1, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo về tiêu chuẩn, kỹ thuật để chôn lấp.

Trước đó, năm 2009, tại Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường Việt Nam từng thất bại với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (tại thôn Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Dự án ứng dụng công nghệ xử lý triệt để 100% chất thải rắn, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm nhiên liệu tái tạo không gây ô nhiễm thứ cấp ra môi trường. Thế nhưng, vận hành được 6 tháng thì nhà máy này phải ngừng hoạt động vì “hiệu quả không đạt như mong muốn”, nguyên nhân do công nghệ khiến nhà máy không hoạt động từ đó đến nay.

Tại buổi họp báo quý II năm 2019, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng cho biết: Thành phố đồng ý chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ tiếp tục triển khai dự án với quy mô 650 tấn rác/ngày. Hiện nay, nhà đầu tư đề xuất công nghệ đốt thu hồi năng lượng. Quá trình triển khai phải đảm bảo đầy đủ quy định pháp luật như: Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ, được Bộ Công thương cho phép bổ sung vào kế hoạch đấu đấu nối điện…

to hung
Ông Tô Văn Hùng: "Công nghệ và thiết bị phải có giấy chứng nhận từ châu Âu"

Ông Hùng cũng cho hay, “Dự án này vẫn còn trong thời hạn của chủ đầu tư (đã hết 10 năm, còn 35 năm) nên nhà đầu tư đề xuất được nâng cấp công nghệ cũng như duy trì triển khai một dự án đã có chủ trương đầu tư và quy mô đã được cấp (trong giới hạn 650 tấn rác/ngày) là hoàn toàn đảm bảo đúng quy định”.

Ông Hùng nhấn mạnh quan điểm của thành phố là thống nhất chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ và có thể liên doanh để triển khai nhà máy này; đồng thời công nghệ này phải tuân thủ theo tiêu chuẩn châu Âu. Tỷ lệ chôn lấp sau xử lý phải đảm bảo dưới 5%. Nhà máy đốt rác phát điện hay bất cứ nhà máy xử lý rác nào thành phố kêu gọi đầu tư đã thống nhất, đề xuất công nghệ xuất xứ từ các nước châu Âu thì thiết bị công nghệ phải có giấy chứng nhận đó là công nghệ từ châu Âu.

Minh Hằng (T/h)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.