Trái phiếu doanh nghiệp: Sàng lọc thị trường, cung vững - cầu chắc

(CL&CS) - Theo các chuyên gia kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để giúp thị trường minh bạch hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn, từ đó nhà đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt.

Tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu

Thị trường TPDN trong tháng 10/2022 gần như đóng băng. Số liệu của FiinPro cho thấy, trong tháng 10/2022, chỉ có một đợt phát hành TPDN của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoảng sản Núi Pháo với vỏn vẹn 210 tỷ đồng.

VDSC nhận định, trong ngắn hạn, tâm lý rời bỏ kênh đầu tư TPDN có thể dần ổn định trở lại, nhưng nếu như những nút thắt về pháp lý không được tháo gỡ, thiếu đi sự hỗ trợ và định hướng từ nhà điều hành, thì nhiều khả năng, khó khăn trên thị trường TPDN sẽ còn tiếp diễn.

Trong khi làn sóng tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu chưa dừng lại, thì việc doanh nghiệp bất động sản đảo nợ trái phiếu là rất khó khăn, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy lớn hơn. 

Chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý cần có giải pháp chống “bond run”. Với thị trường TPDN, đầu tiên, nhà đầu tư phải bình tĩnh, không hành động theo tâm lý đám đông. Tuy nhiên, cơ quan quản lý và các bên cũng phải tham gia hỗ trợ, lên tiếng để ngăn tâm lý đám đông.

Giá trị TPDN đáo hạn thời gian tới.
Giá trị TPDN đáo hạn thời gian tới.

Lý giải nguyên nhân nhà đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu, thậm chí tháo chạy khỏi cả các quỹ đầu tư trái phiếu (bán chứng chỉ quỹ trước hạn), chuyên gia FiinRatings cho rằng, gốc rễ của vấn đề là nhà đầu tư thiếu thông tin. Do đó, để tránh trường hợp doanh nghiệp phát hành hoạt động tốt mà vẫn bị “bond run”, doanh nghiệp phát hành nên minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của mình, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường.

Nếu doanh nghiệp phát hành khó khăn trong chi trả, thì cần tôn trọng trái chủ bằng cách công khai, minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ, để nhà đầu tư an tâm phần nào. Còn về phía nhà đầu tư, cần bình tĩnh, xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ của doanh nghiệp nào, kết quả kinh doanh ra sao, nếu thật sự tốt thì không có lý do gì bán rẻ, chiết khấu rất cao.

Chuyên gia cho rằng, từ các vụ việc gần đây, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay hơn để minh bạch thị trường trái phiếu. Dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn. Doanh nghiệp có tài sản, có uy tín, làm ăn minh bạch, đàng hoàng được khơi mở dòng vốn. Nhà đầu tư có điều kiện tiếp tục đầu tư tài sản sinh lợi vào một trong những kênh đầu tư sinh lợi an toàn.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, một trong những nguyên tắc quan trọng là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm đếm mức phải hình sự thì chuyển cơ quan điều tra và có thể xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, chặn ngay tình trạng ngân hàng thương mại bắt tay doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu vô tội vạ. Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể có cả mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

Ông Thịnh chỉ rõ, thị trường trái phiếu đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Nhưng về độ bền vững thì chưa có, có thể gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Do vậy việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.

Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua không đại diện cho toàn thị trường

Theo bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, chứng khoán là thị trường của niềm tin. Nếu chúng ta giữ niềm tin thì sẽ giữ được định giá của thị trường Việt Nam so với thế giới và dòng tiền thế giới vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.

Tiền trong dân còn rất nhiều, nếu huy động được qua kênh trái phiếu doanh nghiệp thì các công ty không phải phụ thuộc vào vốn ngắn hạn của ngân hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể sử dụng được sức mạnh của đòn bẩy tài chính hiệu quả nhất.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát triển “bùng nổ” trong giai đoạn 5 năm nay, hiện tại vẫn đang ở mức trung bình so với khu vực. Hiện nay, các doanh nghiệp có dòng tiền và bảng cân đối mạnh thường trực tiếp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn.

Dù còn rất nhiều dư địa phát triển nhưng bà Hương cũng cho rằng nhà đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu phải nhìn vào "sức khỏe" của dòng tiền kinh doanh, mô hình kinh doanh và quản trị bền vững của doanh nghiệp. Tiêu chí để đánh giá tín nhiệm một doanh nghiệp cần nhìn vào việc quản trị doanh nghiệp, năng lực trả nợ, năng lực vốn, tài sản đảm bảo bằng dòng tiền và điều kiện phát hành.

Nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức để hiểu và đánh giá đúng tình trạng doanh nghiệp, nắm rõ được rủi ro và tiềm năng với khoản đầu tư. Mỗi người có trách nhiệm nhận diện thông tin, bình tĩnh, soi xét để lựa chọn đầu tư, không nghe tin đồn thổi để tránh thiệt hại không đáng có.

Các chuyên gia từ VNDIRECT dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới. Sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố gần đây do những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn.

Theo Kinh tế trưởng của một ngân hàng nhận định, nguồn vốn có được từ trái phiếu bổ sung rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt. Nguồn vốn để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản dựa vào huy động trái phiếu rất lớn. Trong bối cảnh đó, những biến động của thị trường trái phiếu sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang dựa nhiều vào nguồn vốn trái phiếu.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả và minh bạch tài chính sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu và đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, một vị luật sư cũng cho rằng, việc siết chặt tình trạng phát hành trái phiếu tràn lan của doanh nghiệp nhưng không nên để tắc thị trường trái phiếu chỉ vì một vài sự việc tiêu cực đơn lẻ. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ vì một vài vụ việc mà chúng ta siết chặt thị trường thì theo tôi là không nên. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt cần chữa trị. Chúng ta không nên nhìn nhận những sự việc đó theo hướng tiêu cực, mà cần nhìn một cách tích cực. Đó là phải ban hành những chính sách về mặt pháp lý để cho thị trường tốt lên, là dấu hiệu cảnh báo để thanh lọc thị trường trong sạch, minh bạch và tốt hơn chứ không phải một nút thắt của thị trường trái phiếu.

Xây dựng lại niềm tin cho thị trường TPDN

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ thời gian qua chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ. Hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn kênh trái phiếu riêng lẻ, do yêu cầu đơn giản hơn. Ngược lại, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng không được doanh nghiệp chú trọng vì thủ tục, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn.

Lãnh đạo khẳng định niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.

Thời gian qua những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ là bài học quan trọng, dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.

Ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường. Vì vậy, chất lượng phát triển của thị trường phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham gia. Về nguyên tắc DN phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành trái phiếu.

Thống kê cho thấy, các ngân hàng đang nắm giữ tới 42% lượng TPDN riêng lẻ; kế đến là DN bất động sản với 29%… Như vậy, chỉ 2 nhóm chủ thể phát hành này đã chiếm tới 71% lượng TPDN riêng lẻ.

Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn TPDN đến hạn; nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua TPDN… thì chắc chắn chất lượng của thị trường TPDN sẽ được nâng lên.

Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,204 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.

Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều duy trì ở mức cao và riêng trong khu vực Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Khi nào đất nền phía Nam vào sóng tăng giá?

Khi nào đất nền phía Nam vào sóng tăng giá?

sự kiện🞄Thứ hai, 25/11/2024, 06:51

Trong những tháng vừa qua, khi các Luật mới được thông qua, phân khúc đất nền phía Nam gây chú ý. Đặc biệt khi bảng giá đất được ban hành là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp tục dồn sự chú ý vào loại hình này. Dù chưa có biểu hiện mạnh mẽ nhưng giá đất bắt đầu có xu hướng nhích lên, dự báo sẽ khởi sắc vào năm 2025 và dần mở ra một chu kỳ mới.

Áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp

Áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp

sự kiện🞄Thứ hai, 25/11/2024, 06:47

(CL&CS)- Các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và các công cụ năng suất chất lượng là mô hình lý tưởng cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và vị thế cạnh tranh trên thế giới.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.