Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 06/12/2015, 11:00 AM

TPP tác động đến ngành ngân hàng: Rủi ro đến từ dòng vốn ngoại

(NTD) - Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận bước đầu, nhiều doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng đằng sau cơ hội này cũng tồn tại không ít rủi ro.

“Hiệp định của thế kỷ 21” đã kết thúc giai đoạn đàm phán vào ngày 5/10 vừa qua. Trong đó, các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng cũng đã được xem xét cụ thể. Tuy chỉ tác động gián tiếp nhưng với quy mô rất lớn, ngành tài chính ngân hàng sẽ có nhiều ảnh hưởng.

nguon news.zing.vn
Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xuất hiện nhiều “sóng” lớn

Hiến chương về dịch vụ tài chính của TPP vẫn chưa được công bố chi tiết nhưng có thể thấy đây là một khía cạnh mà 12 thành viên của TPP rất cẩn thận suy xét để vừa bảo đảm mang đến lợi ích tổng thể cho nền kinh tế nhưng cũng vừa bảo vệ phần nào hệ thống tài chính nước nhà trước sức ép cạnh tranh mới, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Chính vì thế, ngành tài chính Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục chứng kiến các thay đổi lớn khi TPP bắt đầu có hiệu lực. Thủ tục hành chính được đánh giá sẽ có sự thay đổi khá lớn. Đó chính là cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện chính phủ các quốc gia sở tại nơi mình hoạt động nếu họ cảm thấy chính phủ quốc gia này đưa ra các quy định bất hợp lý, trái với TPP và gây thiệt hại cho họ, nhà đầu tư nước ngoài (cơ chế ISDS). Do đó, các quyết định mang nhiều tính hành chính các bộ, ngành thực hiện trong nhiều năm nay sẽ phải được tính toán và xem xét rất cẩn trọng trước khi đưa ra, đặc biệt nếu các quyết định ấy ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, các nước có đưa ra cam kết không phá giá đồng nội tệ của mình để mang lại lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào TPP. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện nay. Cơ chế thực thi cam kết này như thế nào chưa được công bố, nhưng có thể nói các chính sách về điều hành tỷ giá của NHNN trong các năm tới sẽ theo các chuẩn mực chung của các nước thành viên TPP. Đi kèm với thách thức thì đây cũng là cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng, kể cả trong và ngoài nước. Các ngân hàng sẽ có cơ hội cải thiện mạnh mẽ doanh thu hoạt động nhờ tài trợ cho các hoạt động thương mại gia tăng giữa các thành viên TPP.

Ngoài thủ tục hành chính, cam kết không phá giá đồng nội tệ thì một trong những thay đổi lớn nhất về ngành tài chính ngân hàng nước ta có lẽ phải kể đến việc TPP sẽ cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó.

Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) theo thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ đây Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.

Dĩ nhiên, về khía cạnh kinh doanh, điều này sẽ cho phép các ngân hàng ngoại tiết giảm chi phí để từ đó sẽ đưa những sản phẩm tiết kiệm và vay vốn hấp dẫn tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, TPP cũng quy định dỡ bỏ một số quy định hạn chế đối với các ngân hàng ngoại tại Việt Nam như quy định các ngân hàng ngoại chỉ được phép mở một văn phòng tại mỗi tỉnh…

Điều này sẽ tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng nội, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, tuy nhiên, việc này cũng mang đến một dòng chảy vốn lớn từ các ngân hàng ngoại vào Việt Nam, nơi mà quy mô hoạt động của các đơn vị này vẫn còn rất khiêm tốn.

Không phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngoại

Như đã phân tích ở trên, sau khi gia nhập TPP, thị trường tài chính sẽ nhộn nhịp, năng động. Điều này có được do lưu thông tiền tệ trong các nước TPP thuận lợi, tỷ giá ổn định sẽ giúp dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam… dẫn tới nền sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh, xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi vào TPP, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới, trong đó nhu cầu vốn càng ngày càng tăng. Muốn cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thì vấn đề vốn luôn là trọng tâm. Để chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội từ những hiệp định như TPP, vấn đề quan trọng của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh...

Cũng theo TS. Hiếu thì hiện tại, điều mà nhiều ngân hàng Việt Nam còn đang thiếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, vì các ngân hàng nước ngoài rất trường vốn, có những dòng vốn trung, dài từ các quỹ đầu tư, từ thị trường vốn dồi dào và chi phí thấp, nên nhiều khả năng các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn.

Ngoài ra, thị trường TPP là tự do, không chỉ về thương mại xuất nhập khẩu mà cả về tài chính. Như vậy, các ngân hàng nước ngoài họ có thể cho các doanh nghiệp ở Việt Nam vay, nếu chứng minh được khả năng. Do đó, hiện tượng tự do hóa trong TPP sẽ trở thành hiện tượng tự do hóa trong ngành tài chính Việt Nam và những quy định về tỷ giá, chính sách về tỷ giá có lẽ sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Trong trường hợp nếu các ngân hàng Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay lãi suất cao hơn các ngân hàng nước ngoài thì các doanh nghiệp sẽ không sử dụng ngân hàng truyền thống nữa mà thay vào đó họ sẽ sử dụng vay vốn ngoại để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ với báo chí, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, cho biết nếu phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngoại dẫn đến sự bất ổn cho nền kinh tế. Cộng với đó, với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng lên của Việt Nam, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương.

Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngược lại, sự đổ vào nhanh chóng của vốn ngoại sẽ làm tăng bong bóng bất động sản, tài sản tài chính và đẩy giá tiền đồng lên như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2006-2008.

Cũng theo ông Tuấn thì khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa ở Việt Nam phải có nội lực đủ lớn, thì khi vốn ngoại có rút đi, vốn nội cũng có thể thay thế, mua lại tài sản vốn ngoại bán ra để giảm sốc cho nền kinh tế.

 Mai Trinh 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.