Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 19/09/2015, 06:49 AM

Tốn nhiều ngàn tỷ đồng - nước vẫn ngập!

(NTD) - TP.HCM đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cống mới, nạo vét kênh rạch chống ngập, nhưng hậu quả ngập ngày càng trầm trọng hơn. Đã vậy, hiện nay để giải quyết tình trạng này vẫn chưa có giải pháp căn cơ!

Ngập càng nặng, dân càng khổ

Trận mưa chiều tối 15/9 đã gây ngập nghiêm trọng trên diện rộng khắp địa bàn thành phố và kéo dài sang ngày hôm sau (16/9), khiến hàng loạt xe gắn máy, xe ô tô bị chết máy, giao thông ùn ứ nhiều nơi, người dân thêm một phen bị nạn ngập nước hoành hành. Một thảm cảnh diễn ra trước mắt là nhiều tuyến đường đã biến “thành sông” khiến hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân bị đảo lộn gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Ngập nặng nhất là khu vực Q.6, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp... nhiều tuyến đường nước ngập của cơn mưa ngày hôm trước chưa rút hết, ngày hôm sau nước tiếp tục tra tấn người đi đường cũng như người dân sinh sống dọc hai bên đường. Đường ngập khiến các nhà dân, công ty, phải đóng cửa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán phải tạm ngưng. Ông Lê Quang Tuấn nhà ở đường Kinh Dương Vương, Q.6 bức xúc: “Cứ mưa là ngập! Trước đây ngập do đường chưa có cống, nay cống đã xây dựng xong vẫn cứ ngập là sao? Không buôn bán làm ăn gì được, thiệt hại kinh tế ai chịu cho chúng tôi”. Nhiều nhà dân hai bên đường hay trong hẻm cũng bị ngập tới đầu gối. Các hàng quán ăn uống, kinh doanh ế ẩm chẳng có khách.

ngập nước 5
Nước ngập lênh láng trên đường Trần Hưng Đạo - một trong những tuyến đường huyết mạch.

Hàng loạt tuyến đường khác như Hồng Bàng, Châu Văn Liêm (Q.5), Hoàng Diệu (Q.4) An Dương Vương (Q.6), Tô Hiệu, Nguyễn Sơn, Trương Vĩnh Ký... (Q.Tân Phú), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), khu dân cư Nam Long (Q.9)... nhiều nơi chìm trong biển nước. Một trong những điểm ngập kinh niên trong 10 năm qua là đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn gần cầu vượt nước ngập gần 1m khiến giao thông tê liệt. Nhiều khu vực như đường D1, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng... nước ngập hơn nửa bánh xe. Đường Kha Vạn Cân đoạn gần ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức) nước ngập trên 1m.

Chú Nguyễn Văn Trí, làm bảo vệ ở công ty chứng khoán trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) nói: “Đường sá kiểu này chắc chú bị đuổi việc quá! Vì chú là người giữ chìa khóa của công ty, 9 giờ còn ở ngoài chưa vô công ty, không ai mở cửa cho nhân viên làm việc. Trễ giờ hai ngày nay rồi do đường ngập”. Ngập lụt thật sự đã gây xáo trộn lớn cuộc sống và sinh hoạt của người dân, thiệt hại về kinh tế chắc chắn là con số không nhỏ.

Tốn nhiều ngàn tỷ đồng - nước vẫn ngập 2
 Việc xây lô cốt để làm dự án cống thoát nước đã tiêu tốn tiền tỷ của thành phố.

Theo số liệu cập nhật của Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước Thành phố (TTCN), trận mưa từ 17 giờ 15 đến 20 giờ tối 15/9 là trận mưa lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, với lượng mưa từ 90-142 mm tùy theo vùng kết hợp với triều cường cao 1,4 m đã gây ngập nước 62 điểm rải đều toàn TP.

Trông chờ trách nhiệm Trung tâm chống ngập

Dư luận đang bức xúc những nơi đã xây dựng hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh và kênh rạch đã được nạo vét như Q.1, Q.5, Q.6, Q.Bình Thạnh... nhưng vẫn bị ngập sâu kéo dài (như vụ ngập từ tối 15/9-16/9). Khi được hỏi TTCN có giải pháp gì và khi nào khu vực trên hết ngập? Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước TTCN cho rằng: Do lượng mưa quá lớn vượt tầng suất thiết kế của hệ thống cống nên nước thoát không kịp. Trong khi đó, mực nước ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm... quá tải, vì thế nước từ hệ thống cống thoát rất chậm, thậm chí không thoát được. Đặc biệt, khu vực Q.6 hầu hết các tuyến cống nước không thể thoát ra được kênh Tân Hóa - Lò Gốm, do nước ở các kênh này cao bằng mực nước trong cống.

ngập nước 3
Kẹt xe trầm trọng ở ngã tư Trần Hưng Đạo với Nguyễn Biểu.

Nhằm giải quyết cấp bách tình trạng ngập ở những khu vực trên, TTCN cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện 57 hạng mục (kiểm tra xử lý việc đấu nối, van ngăn triều...), cải tiến quy trình vận hành các cống kiểm soát triều cường, huy động các trạm bơm cố định, trạm bơm di động và thiết bị chuyên ngành để xử lý cấp bách các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh khi gặp tổ hợp mưa to cùng lúc với triều cường. Tuy nhiên, để giảm ngập các quận nội đô, từ nay đến năm 2020 cần phải thực hiện triệt để cùng lúc 2 đề án quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn và hệ thống cống thoát nước các quận còn lại.

Hiện nay, cũng chỉ mới cơ bản đối phó giải quyết tình trạng ngập nước ở vùng “lõi” trung tâm TP.HCM như Q.1, Q.3, Q.5. Còn lại các quận, huyện khác bị ngập nước đang ngày càng gia tăng và nước ngập sâu hơn. Lý giải về tình trạng ngập ngày càng gia tăng, TTCN cho rằng, ngập do mưa vượt tần suất theo thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Cụ thể, mưa trong 3 giờ đối với tuyến cống cấp 3 là 75,88 mm; tuyến cống cấp 2 là 85,36 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là 95,91 mm; đỉnh triều cường thiết kế là 1,32 m nhưng càng ngày lượng mưa càng lớn và thời gian mưa kéo dài nhiều giờ liền, gây quá tải dẫn đến tình trạng ngập tại một số khu vực. Ngoài ra, ngập do chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống cống thoát nước đầu tư từ lâu, có kích thước nhỏ không đáp ứng được với những cơn mưa có vũ lượng lớn vượt tần suất thiết kế của cống. Mặt khác, qua khảo sát địa hình thành phố tương đối thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều, hạn chế thoát nước. Vấn đề quan trọng đặt ra là tất cả những lý do đưa ra lúc này tại sao các cơ quan chức năng chuyên môn và chính quyền TP không tính toán trước?

ngập nước
Một người dân tát nước để tránh ngập úng trong nhà.

Để giảm ngập, ngoài việc xây dựng hệ thống cống thoát nước, hiện nay, nhiều tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn TP được đầu tư nâng cấp cao lên để hạn chế ngập. Phó Giám đốc TTCN Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, lượng mưa càng ngày càng lớn cùng với triều cường, trong khi đó, hệ thống thoát nước quá tải. Chính vì vây, nhằm hạn chế ngập, thời gian tới, cần triển khai thực hiện đề án chống ngập 1547 và 752 của Thủ tướng. Hiện nay, đề án 1547 chỉ mới thực hiện được khoảng 10% khối lượng (70 km đê bao dọc sông Sài Gòn và 76 cống ngăn triều cường ở các cửa sông, kênh lớn nhỏ); đề án 752 thực hiện khoảng 40% khối lượng (xây dựng hệ thống cống thoát nước). Trước mắt, TP khẩn trương nạo vét các rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh, Cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Ông Búp, kênh Liên Xã.

ngập nước 2
Đường biến thành sông ở nhiều nơi trong TP.HCM.

Thời gian qua, nhiều dự án, công trình tiến độ chậm, nguyên nhân chính là do thiếu vốn và thiếu tính toán khoa học. Hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách bỏ ra đào đường đặt cống chống ngập nhưng “tiền mất tật mang”, ngập vẫn hoàn ngập. Để cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa trên địa bàn TP, từ nay đến năm 2020, TP phải hoàn thành 84 dự án với dự kiến mức kinh phí lên tới 11.610 tỷ đồng. Người dân đang đòi hỏi trọng trách của chính quyền TP cần có ngay một chính sách thực dụng hữu hiệu đi vào cuộc sống.

Thành phố có diện tích 2.095,06 km2; trong đó có 876,3 km2 (chiếm 41,8%) có cao độ thấp hơn hoặc bằng 1 m, 455 km2 (chiếm 21,72%) có cao độ từ 1-1,5m, 783,44 km2 (chiếm 37,39%) có cao độ trên 1,5m; đặc biệt là vùng Trung tâm với diện tích 108 km2 có 43,15 km2 (chiếm 40% diện tích) có cao độ thấp hơn 1,6 m (trong đó tập trung tại các Q.4, Q.8, Q.Bình Thạnh).

Hùng Quốc

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.