Thứ bảy, 23/10/2021, 13:54 PM

Tiêu chuẩn hóa ngành dệt may - da giày

(CL&CS) - Ngành dệt-may cũng như nhiều ngành khác gặp nhiều khó khăn trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua. Hàng dệt- may muốn vào được thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn các nước. Công tác tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực dệt-may ở nước ta thời gian qua có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Nhà nước ta đã quan tâm, song rất cần các doanh nghiệp chung tay hợp tác xây dựng nên các tiêu chuẩn quốc gia. Và sau đó các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các tiêu chuẩn đó.

Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) về dệt và may mặc có khoảng 313 TCVN, chủ yếu là các phương pháp thử. Trong đó, nổi bật phải kể đến các TCVN về xác định các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm dệt - may sau. Đó là TCVN 12512-1:2018 (EN ISO 14362-1:2017), Vật liệu dệt - Phương pháp xác định một số amin thơm giải phóng từ chất màu azo – Phần 1: Phát hiện việc sử dụng chất màu azo bằng cách chiết và không chiết xơ; TCVN 12512-3:2018 (EN ISO 14362-3:2017), Vật liệu dệt - Phương xác pháp xác định một số amin thơm giải phóng từ chất màu azo - Phần 3: Phát hiện việc sử dụng một số chất màu azo có thể giải phóng 4-aminoazobenzen; TCVN 7421-1:2013 (EN ISO 14184-1:2011), Vật liệu dệt. Xác định formalđehyt. Phần 1: Formalđehyt tự do và thuỷ phân (phương pháp chiết trong nước); TCVN 7421-2:2013 (EN ISO 14184-2:2011), Vật liệu dệt. Xác định formalđehyt. Phần 2: Formalđehyt giải phóng (phương pháp hấp thụ hơi nước).

Các TCVN trên hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO và tiêu chuẩn khu vực Châu Âu EN. Trong những năm gần đây, nhiều tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa được các nước chấp nhận đã tăng lên đáng kể. Chính sách tăng cường quản lý có thể được xem như là kết quả của mức sống cao hơn trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng mong muốn có được sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Việc gia tăng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đã thúc đẩy xã hội hiện đại tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đó, ở các nước phát triển, việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu quan trọng và được sự quan tâm hàng đầu của chính phủ và sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng theo các điều kiện an toàn bắt buộc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và được kiểm tra hết sức chặt chẽ. Vì vậy, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn đã được soạn thảo, ban hành, đưa vào áp dụng mang tính pháp lý, được thực thi rộng rãi đối với bất kỳ hàng hóa tiêu thụ nào trên thị trường. Mặt hàng dệt may cũng là một mặt hàng như vậy, được kiểm tra ngặt nghèo trước khi lưu thông ra thị trường.

dệt may

Do đó, việc áp dụng một vài tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm là chưa đủ. Với xu thế chung phù hợp với sự phát triển tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như yêu cầu ngày càng cao của xã hội để giải quyết những vấn đề phát sinh có thể gây hại từ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng này còn phải đáp ứng các loại tiêu chuẩn khác nhau như: Tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng (tiêu chuẩn về ngưỡng các hóa chất độc hại); Tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội (SA 8000); Tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường (Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001);  Tiêu chuẩn hệ thống thực hành sản xuất tốt GMP hay các quy định về rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu theo Hiệp định WTO/TBT.

Trong lĩnh vực dệt - may việc biên soạn tiêu chuẩn và trình công bố áp dụng tiêu chuẩn chủ yếu do các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC) nghiên cứu, xây dựng. Trong thành phần của các ban kỹ thuật này có đại diện các chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương cử tham gia và trực tiếp góp ý, xây dựng các TCVN. Hiện nay, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn xây dựng TCVN lĩnh vực dệt - may chủ yếu là TCVN/TC 38 - Vật liệu dệt (Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế tương ứng là ISO/TC 38 - Textiles). Bên cạnh ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dệt - may, đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng một số tiêu chuẩn đối với vật liệu dệt để chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố.

Các tiêu chuẩn được xây dựng chủ yếu chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tiêu chuẩn Châu Âu (EN). Do đó, mức độ hài hòa với quốc tế là rất cao, phản ánh sự tương thích với thông lệ quốc tế và xu hướng chung, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng của sản phẩm dệt - may Việt Nam, tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang các nước. Bên cạnh đó, còn có nhiều tiêu chuẩn tự xây dựng dựa trên trình độ khoa học và công nghệ, nhu cầu và đặc trưng của Việt Nam. Các tiêu chuẩn này chủ yếu được xây dựng từ những năm 1980, 1990. Sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực vào năm 2007, một số tiêu chuẩn này đã được rà soát, chuyển đổi hoặc giữ nguyên hiệu lực áp dụng.

Tuy nhiên, theo quy định về việc rà soát, soát xét các tiêu chuẩn thì trong 03 năm, các tiêu chuẩn đã có thể phải soát xét để đáp ứng kịp thời sự phát triển của công nghệ hiện tại. Vì vậy, hiện trong hệ thống TCVN dệt - may có khoảng 83 TCVN được xây dựng từ trước năm 2000 nên ưu tiên tiếp tục rà soát, soát xét để cập nhật hoặc hủy bỏ nếu không còn đáp ứng. Nhìn chung hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về dệt - may tương đối đầy đủ, có nhiều tiêu chuẩn được công bố nhưng chủ yếu đối với nhóm sản phẩm vật liệu dệt và phương pháp thử; còn thiếu các tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh hàng dệt may, chủ yếu là sản phẩm thành phẩm xuất khẩu chủ lực, việc cần thiết nghiên cứu thêm các nhu cầu của thị trường xuất khẩu để có thể chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) làm cơ sở cho việc sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được thuận lợi hơn, đặc biệt lưu ý đến các tiêu chuẩn của các hãng, các kênh phân phối lớn, họ thường đưa ra các tiêu chuẩn riêng (private standard) hoặc các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội...

Trên đây chỉ là khái quát một số điểm về tình hình tiêu chuẩn hóa ngành dệt-may. Mong các doanh nghiệp chung tay xây dựng được hệ thống TCVN hoàn chỉnh trong lĩnh vực này./.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

WD

Bình luận

Nổi bật

TCVN 8400-57:2024 về bệnh viêm đa xoang ở lợn

TCVN 8400-57:2024 về bệnh viêm đa xoang ở lợn

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Glaesserella parasuis gây ra ở lợn mang tới nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi do đó việc chẩn đoán sớm bệnh theo hướng dẫn tại TCVN 8400-57:2024 sẽ hạn chế tối đa sự lây nhiễm.

Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia và khu vực

Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia và khu vực

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05

(CL&CS)- Chiều ngày 20/11, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO).

Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện

Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:51

(CL&CS) - Nhằm hướng đến sự an toàn đối với người tham gia giao thông và sản phẩm, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện.