Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 26/03/2017, 10:34 AM

Thưa ông Hải! Singapore xanh sạch đẹp không chỉ bằng “đập, phá, cẩu”!

(NTD) - Giấc mơ biến Q.1, TP.HCM và một số nơi khác thành Singapore chẳng có gì sai? Ước vọng muốn vỉa hè, lòng lề đường thông thoáng, rộng rãi càng cần được ủng hộ. Nhưng tôi và rất nhiều người khác tự hỏi, liệu nơi mình đang sống có thể “sẽ như” Singapore chỉ bằng “đập, phá, cẩu” và những biện pháp mới nằm trên giấy? Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi tình chưa thấu mà lý cũng chẳng đạt?

Trong hồi kí của mình, “người cha lập quốc” của Singapore Lý Quang Diệu cho hay cách để chính quyền của ông biến đất nước này được như ngày nay: “Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố”.

Còn với người bán rong thì thế này đây: “Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố. Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước cống rãnh và chỗ đổ rác”.

Đoàn Ngọc Hải 1
Đoàn công tác huy động một lực lượng đông đảo công nhân để hỗ trợ xử lý. Ảnh: Quang Bình

Tôi nghĩ, giấc mơ Singapore của Q.1 chắc cực khó đi khác con đường nhân văn này. Trên con đường đó chắc chắn không có chỗ cho những “chiến dịch”, “ra quân” theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa hay chuyện dọn dẹp vỉa hè, lòng đường là chuyện của chính quyền còn mưu sinh thế nào là việc của người dân. Nếu như ông Hải nói mẹ ông ngày xưa cũng vất cả với gành hàng rong thì tôi tin ông hiểu những điều trên hơn ai hết!

Chịu khó tìm đọc, không khó để biết Singapore đã thi hành các phương án hỗ trợ dân trước khi áp dụng chế tài mạnh mẽ. Ở đó, tôi không thấy cảnh dẹp đuổi, tịch thu hay phạt trước khi tạo cho họ công ăn việc làm. Lại càng không vẽ cho những người cùng khổ một tương lai vô định. Còn gần 2 tháng sau chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ, ai cũng thấy rõ rất nhiều nơi nghiêng về mệnh lệnh hành chính hay “trấn áp” đập, phá hơn là những câu chuyện thấu tình đạt lý. Hình ảnh khăng khăng cẩu xe khi chủ xe ngay bên cạnh, hàng loạt cây xanh bị chặt hạ ở Hà Nội, đập phá mái che, bậc thềm ở TP HCM dù có hàng chục năm trước hay bất kể dân leo trèo vào nhà đã minh chứng cho "tinh thần” ấy!?

Tôi luôn hy vọng rằng một người lãnh đạo giỏi và có tâm luôn đặt câu hỏi rằng tại sao dân mình sai nhiều thế, có phương án gì giúp dân hết sai không? Hoặc vì cớ gì họ lại tràn ra lòng lề đường buôn bán mặc cho cực nhọc trăm bề, lớp chạy sợ bắt, sợ phạt, lớp đối mặt với nắng mưa, khói bụi? Mình cấm họ, phạt họ, không cho họ mưu sinh rồi họ sẽ sống bằng gì, gia đình phía sau lao đao ra sao?... Còn với những bậc tam cấp, mái che, hàng hiên… nhô ra thụt vào phải chăng cứ nhất nhất nên “trảm” mà không cần tìm hiểu rồi sẽ lên xuống, che nắng che mưa, đẹp hơn hay xấu đi, có giá trị văn hóa nào không...?

Tôi từng đi Singapore, cũng có dịp sang vài nước phát triển hơn quê nhà và ở nơi nào cũng thấy những cà phê, hàng quán bên hè dưới mái hiên. Dĩ nhiên họ ngăn nắp, trật tự và có phép nhưng như thế để biết với nhau rằng chẳng phải vỉa hè cứ tăm tắp không quán xá, mái che mới đúng là tiêu chuẩn Singapore. Tôi cũng biết nhiều quận, huyện đang tìm nơi cho bà con buôn bán sau khi rời lề đường. Nhưng đó là chuyện của tương lai và facebook đâu có ăn nhập gì với mấy chị hàng rong không sắm nổi smartphone hay mấy tuyến đường nho nhỏ tính họp chợ hàng rong nhằm nhò chi với hàng chục ngàn người cần nơi buôn bán? Tôi chắc chắn rằng một khi những điều ấy được xem xét kỹ càng, trả lời thỏa đáng thì những tiếng nói phản đối chằng có cớ gì mà vang lên.

Còn bây giờ, cứ dẹp hay đuổi đã rồi tính sau thì quả thật bất ổn nhiều điều quý vị ạ! Nếu như chỉ ngồi phòng lạnh, lên xuống ô tô và ra lệnh, chỉ đạo sẽ rất khó biết được người thường nhọc nhằn tìm chỗ gửi xe ra sao? Cũng không thể thấu hiểu được viên chức thu nhập thấp lao đao tìm miếng ăn giá rẻ khó khăn cỡ nào? Tôi không muốn nhân danh nghèo, khó để biện hộ cho vi phạm nhưng tôi tin chẳng ai dại gì lao đầu vào nếu có một lối thoát tốt hơn.

Hôm qua, tôi mới nghe nhiều chuyên gia tên tuổi đề xuất cho thuê vỉa hè lấy phí. Nếu điều này thành hiện thực thì chiến dịch dọn dẹp vỉa hè trên có thực sự chỉ dành cho người đi bộ? Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn gia thông quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả. Như vậy vỉa hè còn có thể dành cho các mục đích khác. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay, thành phố đã quy định 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè: tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hóa; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà. Việc đập tất cả những gì lấn chiếm, dẹp sạch, cẩu tất bất cứ thứ gì có trên vỉa hè dù đẹp, dù phù hợp hay lợi nhiều hơn hại như mái hiên che nắng che mưa cho người đi bộ lỡ chân dừng bước như những ngày “chiến dịch” vừa qua nên hay không thưa ông Hải?

Đoàn Ngọc Hải
Ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng "Chuyện bảo kê vỉa hè, lòng đường là có thật". Vậy, ai là người bảo kê lòng, lề đường? Ảnh: Trần Phong

Có clip tôi nghe ông Hải bảo, cứ để bà con vào xem, cứ để nhà báo quay phim cho hiệu ứng lan rộng. Nhiều hình ảnh ông Hải chỉ tay, ra lệnh và rất kiên quyết. Nhưng có cảnh, dễ để liên tưởng đến một “chiến trường”. "Văn minh" hay "giấc mơ Sing" không thể đạt được bằng máy khoan, xe cẩu và búa tạ, những cái chỉ nên làm khi người ta đối mặt với những kẻ chống đối. Còn ở đây, tôi vẫn thấy đại đa số người dân vẫn còn một thái độ hợp tác, chấp hành và cả bao dung…

 Thiện Hiếu

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.