Dữ liệu cũ
Thứ năm, 21/11/2019, 13:50 PM

Thoát tiếng “tín dụng đen”, startup P2P thành công tại Indonesia

(NTD) - Các sàn cho vay ngang hàng P2P - sàn giao dịch của người cho vay và người đi vay nhỏ lẻ - sụp đổ vào năm 2017 tại Trung Quốc, tràn sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Tuy vậy, mô hình này lại có cơ hội trở thành những startup kỳ lân trị giá hơn tỷ USD tại Indonesia, thoát khỏi tiếng xấu “tín dụng đen” tại Trung Quốc.

Theo đánh giá của Tập đoàn tư vấn toàn cầu PwC thì thị trường cho vay P2P ở Indonesia sẽ đạt 5,3 tỷ USD vào cuối năm nay và tăng gần ba lần đạt 15,7 tỷ trong năm 2020.

Modalku đến đúng thời điểm

Reynold Wijaya và Kelvin Teo đã xây dựng một nền tảng cho vay có tên gọi là Funding Societies tại Singapore vào giữa năm 2015 khi cả hai đang theo học tại Harvard. Tháng 1/2016, một vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học, họ đã mở công ty tại thị trường Indonesia với tên gọi Modalku - nghĩa là “Thủ đô của tôi” theo tiếng Indonesia.

Modalku nhanh chóng phát triển, họ hướng đến đối tượng là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đây là các đối tượng mà những ngân hàng truyền thống thường đánh giá thấp và bỏ quên.

Tính đến tháng 11/2019, các khoản vay của Modalku đã đạt 8.060 tỷ rupiah, tức 570 triệu USD, tức tăng gấp 35 lần so với năm 2016. Cùng với đó, tài khoản của người vay tăng lên 884.000 tài khoản so với 300 tài khoản thời gian đầu. Các con số này giúp Modalku chiếm 10% thị trường P2P ở Indonesia.

Wijaya có cha mẹ điều hành nhiều doanh nghiệp cỡ vừa trong lĩnh vực sản xuất kẹo sữa và xây dựng. Còn Kelvin Teo thì sinh ra ở Malaysia. Cả hai đưa ra ý tưởng của mình trong cuộc thi Tech in Asia ở Tokyo, Nhật Bản năm 2015. Cả hai kiếm được 1,2 triệu USD tài trợ hạt giống từ Công ty đầu tư mạo hiểm Indonesia Alpha JWC Ventures và Singapore Press Holdings, nhà xuất bản của tờ báo Straits Times.

a
Reynold Wijaya - đồng sáng lập của startup Modalku. (Ảnh: NAR).

Sự nở rộ của P2P

Thành công của Modalku khiến các nhà đầu tư khác chú ý. Tất cả đều nhận thấy thị trường Indonesia với 63 triệu MSME nhưng chỉ có khoảng 26% trong số đó có quyền vay vốn ngân hàng, theo dữ liệu của Chính phủ Indonesia. Trong khi đó, một nghiên cứu của Cơ quan tài chính Indonesia (OJK) vào năm 2016 chỉ ra rằng nhu cầu tài chính mà các MSME cần lên đến 70 tỷ USD.

Tương tự, có khoảng 29% trong số 186 triệu cá nhân trong độ tuổi lao động có thu nhập trung bình thấp của Indonesia có quyền tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Chính nhu cầu lớn đã dẫn đến sự nở rộ của P2P cả về hợp pháp và không hợp pháp. Theo OJK, tính đến tháng 6/2019 đã có 113 nền tảng cho vay đăng ký hợp pháp. Riêng số lượng hoạt động bất hợp pháp ước tính lên đến hơn 1.000.

Chính quyền Indonesia cho biết, sau khi Trung Quốc trấn áp và xóa sổ các nền tảng cho vay P2P bất hợp pháp vào năm 2017 thì các đối tượng này đã tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác.

Điều này làm nảy sinh những bất ổn về các dịch vụ đòi nợ thuê gây náo loạn ở Indonesia vào cuối năm 2018. Nhiều người vay đã nộp hàng ngàn đơn khiếu nại các đối tượng cho vay đe dọa, quấy rối tình dục và vi phạm quyền riêng tư về thông tin cá nhân.

Từ đầu năm đến nay, OJK đã đóng cửa gần 1.300 trang web cho vay P2P cũng như các ứng dụng trên smartphone. Tuy nhiên, OJK cũng thừa nhận rằng họ chẳng khác nào đang chơi đánh bài vì “cứ đóng cửa vào buổi chiều, chúng sẽ mở lại vào sáng hôm sau bằng cách sử dụng các trang web ứng dụng khác nhau” - Chủ tịch OJK, Wimboh Santoso cho biết.

Tạo thay đổi lớn

Tuy vậy, Wijaya - một trong hai người sáng lập tin tưởng rằng Modalku có thể chống lại các đối thủ và tránh xa được những tranh cãi trong hoạt động cho vay P2P.

Wijay cho rằng công ty sẽ hợp tác chặt chẽ với OJK để luôn tuân thủ các quy định cũng như tiêu chí “cho vay có trách nhiệm”. Nhân viên của công ty sẽ sàng lọc cẩn thận đơn xin vay của người vay và chỉ nhắm đến đối tượng MSME cần vốn để khởi nghiệp, kinh doanh chứ không hướng đến khách hàng vay tiêu dùng.

Người đồng sáng lập của Modalku hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của OJK để hạn chế những người tham gia bất hợp pháp, nhưng ông cũng ủng hộ sự cạnh tranh. “Thị trường là rất lớn, nó hỗ trợ nhiều người tham gia và cạnh tranh sẽ làm cho chúng ta phát triển tốt hơn” - Reynold Wijay nói.

Modalku sử dụng hệ thống chấm điểm tín dụng để đánh giá uy tín của người vay. Họ xác định rủi ro có bảo đảm được mức lãi suất cao hơn hay thấp hơn và giúp người vay đưa ra quyết định.

Wijaya, cho biết Modalku sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý số lượng yêu cầu cho vay ngày càng tăng. Ứng dụng giúp sàng lọc và lựa chọn những người vay uy tín.

Bất chấp có rất nhiều nền tảng cho vay P2P khác nhưng nhiều người vẫn ủng hộ Modalku và tin rằng đây là nền tảng mà tất cả đang cần.

“Là một trong những nền tảng đầu tiên, Modalku có lợi thế về thời gian để điều chỉnh dịch vụ của mình trên thị trường. Nó gồm các loại cho vay và chấm điểm tín dụng khách hàng. Chiếc bánh bao gồm tài chính đủ lớn cho nhiều người chơi và Modalku đang đi đúng hướng để tiếp tục là người dẫn đầu ngành P2P trong tương lai gần.” - Chandra Tjan, một đối tác quản lý tại Alpha JWC cho biết.

Ở giai đoạn tiếp theo, Wijaya muốn mở rộng nhóm khách hàng MSME của Modalku, tiếp cận nhiều thương nhân trực tuyến hơn thông qua quan hệ đối tác với một số trang web thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực - bao gồm Tokopedia, Bukalapak, Lazada và Shopee.

Các cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại của trang web cho phép Modalku xem những giao dịch nào có dòng tiền tốt.

a1
Chủ một cửa tiệm tạp hóa vay 5 triệu rupiah, khoảng 7,5 triệu đồng, từ sàn Modalku. (Ảnh: NAR).

Startup kỳ lân

Nhiều người lo ngại sự bùng nổ P2P ở Indonesia sẽ giống với tình trạng ở Trung Quốc trong những năm trước nhưng PwC cho rằng Indonesia sẽ tránh được tình trạng hỗn loạn từng làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc.

Nguyên nhân sụp đổ thị trường P2P ở Trung Quốc được giải thích là do người vay chủ yếu để tiêu dùng. Trong khi ở Indonesia, tất cả nền tảng đều cố gắng cân bằng giữa vay tiêu dùng và vay đầu tư kinh doanh. PwC nói rằng: “Indonesia đã được hưởng lợi từ sự sụp đổ P2P ở Trung Quốc. Điều đó giúp họ có bài học lớn và giúp họ sàng lọc người chơi hiệu quả hơn”. PwC cũng cho rằng thị trường P2P của Indonesia đang bước vào một “làn sóng thứ ba”.

Theo đó, làn sóng đầu tiên kéo dài từ 2014-2016, khi các nền tảng mới đang thử nghiệm các mô hình kinh doanh trong một lĩnh vực không được kiểm soát. Làn sóng thứ hai bắt đầu khi OJK bước vào để cung cấp các biện pháp bảo vệ khách hàng.

Làn sóng thứ ba bắt đầu với việc thành lập Hiệp hội cho vay tài chính công nghệ của Indonesia vào tháng 10/2018 - người chơi có quy tắc ứng xử rõ ràng hơn và các nhà đầu tư lớn có thêm niềm tin để đầu tư hay mua lại công ty.

“Nhìn thấy sự tăng trưởng tích cực của ngành cho vay P2P, có cơ hội cho những người cho vay P2P trở thành kỳ lân. Cơ hội hợp nhất ngành cũng rất lớn, các P2P sáp nhập hoặc bị các ngân hàng mua lại” - Subianto, một đối tác tại PwC Indonesia, nói về các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.

Các ngân hàng, nơi từng coi các nhà cho vay P2P là mối đe dọa, đang bắt đầu coi họ là đối tác tiềm năng.

“Trước đây, chúng tôi đã cố gắng tham gia vào phân khúc MSME, nhưng chúng tôi... đã bỏ thị trường vì không thể quản lý tốt. Phân khúc đòi hỏi chuyên môn hóa. Bây giờ là một ngân hàng, chúng tôi có thể cung cấp tiền cho các nhà cho vay P2P. Chúng tôi có thể cung cấp chuyên môn về quản lý rủi ro” - Parwati Surjaudaja, Chủ tịch OCBC NISP, đơn vị tại Indonesia của Tập đoàn ngân hàng hải ngoại Singapore cho biết.

Hiện tại, Modalku đang hợp tác với Ngân hàng Sinarmas, do Tập đoàn Sinarmas của Indonesia điều hành. Wijaya cho biết ông sẽ hoan nghênh quan hệ đối tác hơn nữa với các ngân hàng. “Thật sai lầm khi xem chúng tôi P2P là mối đe dọa, bởi vì những gì chúng tôi thực sự đang làm là phục vụ cho những người chưa từng tiếp cận ngành ngân hàng”.

Có ít nhất 40 nền tảng cho vay P2P tại Việt Nam, trong đó trên 10 đến từ Trung Quốc. Khác với các nền tảng P2P ở các nước khác vốn gồm phần lớn người dân bình thường có dư tiền cho vay, các sàn tại Việt Nam thường chỉ là các nhà đầu tư “cá mập”. Họ sử dụng mọi thủ đoạn để dụ sinh viên học sinh và người có thu nhập thấp vào bẫy, cho vay với lãi suất đến 1.600%/năm, lạm dụng thông tin cá nhân và tiến hành các biện pháp khủng bố để đòi tiền người vay khi chậm thanh toán hay bị cho là trốn nợ. Đầu tháng 10, Công an TP.HCM đã bắt một nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi trên các ứng dụng P2P.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý để các sàn giao dịch P2P hoạt động có trật tự, hiệu quả và bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch, cả người cho vay và người đi vay.

R. H. tổng hợp

Huấn Phan

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.