Thứ năm, 13/01/2022, 13:33 PM

Thanh long đi đường biển: Xoay không kịp!

(CL&CS) - Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong quý I/2022, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có 226.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong đó, gần một nửa có nhu cầu xuất khẩu, tương ứng cần hơn 5.000 container.

Cần hơn 5.000 container lạnh

Chiều 12/1, Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT cùng các Hiệp hội và đại diện các DN đã ngồi lại với nhau để bàn cách đưa thanh long đi đường biển.

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích trồng thanh long cả nước tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. (Bình Thuận có tổng diện tích hơn 33.500ha, sản lượng 694.5000 tấn/năm; Long An có 11.800ha, sản lượng 316.000 tấn/năm; Tiền Giang có 9.600ha, sản lượng 241.400 tấn/năm) .Theo ông Tùng, sản lượng thanh long thu hoạch lớn nhưng chủ yếu tập trung trong quý IV của năm trước và quý 1 năm sau.

Do tình hình xuất khẩu (XK) qua đường bộ gặp khó khăn, nhiều địa phương và DN đề nghị tìm hướng tháo gỡ để có thể XK bằng đường biển qua Trung Quốc. Qua rà soát, Cục Trồng trọt cho biết, trong quý I/2022, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có 226.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong đó, nhu cầu thanh long XK là 101.216 tấn; tương ứng cần 5.087 container.

Riêng tháng 1, sản lượng thanh long của Bình Thuận là 60.000 tấn, cần XK 12.400 tấn, tương ứng cần 620 container. Long An có 20.000 tấn có nhu cầu XK, cần 1.000 container. Tiền Giang có 23.000 tấn, cần 1.592 container.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, bước đầu, một số DN đã thu mua thanh long không XK được sang Trung Quốc phải quay đầu trở lại để chế biến, tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, lượng thu mua, chế biến, XK và tiêu thụ trong nước con nhỏ so với sản lượng hiện có...

Nhu cầu đi đường biển tăng đột biến...

Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang dẫn số liệu thống kê của các cảng vụ cho thấy, tháng 11/2021 có khoảng 1.400 container lạnh chở từ TP. Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, nhưng tháng 12, số liệu tăng đột biến lên 4.100 container, tăng gấp trên 3 lần. Đây chính là sự dịch chuyển rất lớn của loại hàng này từ đường bộ sang đường biển trong thời gian vừa qua, song song và trùng với thời gian XK bị tắc trên đường bộ.

Với trình trạng nhu cầu tăng đột biến như vậy, các hãng tàu dù cố gắng, cũng không thể đáp ứng kịp thời.

Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng chia sẻ, DN  có 2 tầu sẵn sàng chuyển  về càng Hải Phòng và Quảng Ninh để chở hàng đi Trung Quốc, mỗi tuần 2 chuyến, mỗi chuyến có khoảng 90 chỗ, nhưng không có container lạnh.

Sở dĩ đang có tình trạng thiếu container lạnh trầm trọng là do đặc trưng thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam: XK hàng sang Trung Quốc bằng container lạnh nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về bằng container thường (không có hệ thống làm lạnh). Do đó, để có container lạnh đóng hàng XK đi Trung Quốc các tàu phải có thêm 1 lần chở container rỗng từ Trung Quốc về khiến chi phí tăng lên.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, ngoài việc DN phải XK chính ngạch thì tình trạng thiếu container lạnh đang khiến chi phí vận chuyển tăng cao đến mức khó kiểm soát, DN phải chịu thêm phí một lần chở containter rỗng về Việt Nam. Hơn nữa, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách “Zero COVID”. Tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ.

"Một số bến bãi tập kết hàng hóa nông sản ở cảng biển Trung Quốc có dấu hiệu ùn tắc khoảng một tuần trở lại đây. Nếu xuất đường biển, DN trong nước có thể chịu thêm phí lưu bãi, và chịu nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần”-Thứ trưởng Sang cảnh báo.

Đại diện hãng tàu CNC, ông Văn Nhật Tùng  đưa ra lời khuyên DN nên cân nhắc. Nếu phia mua hàng đảm bảo có thể thông quan được thì thì kiếm container rỗng để đi. Nếu không thì nên cân nhắc bởi dù hàng có đi được nhưng sang đến bên kia chưa chắc đã thông quan được. “Thanh long là mặt hàng cực kỳ dễ hư hỏng. Lúc đó, thủ tục bỏ hàng ở phía bên kia sẽ tốn thêm rất nhiều chứ không đơn giản ở việc không bán được thì thôi...: Ông Tùng cảnh báo...

Cần hình thành tuyến cố định!

“Để giải cứu chúng tôi có thể điều tàu, thậm chí vận chuyển miễn phí nhưng lâu dài cần hình thành chuyến vận chuyển cố định để DN vận tải chủ động có kế hoạch bố trì phương tiện, nhân lực!”- Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng các bộ ngành cần sớm hình thành những đầu mối thu gom hàng nông sản. Đây là cơ sở để thích ứng với phương thức vận chuyển mới, bước đầu để ra tuyến hàng hải ổn định.

“Thời gian qua, các hãng tàu đã không thể gánh đỡ hết khối lượng hàng XK quá lớn từ đường bộ chuyển sang. Năng lực vận tải của đường biển không thể nào tăng công suất đột ngột. Vấn đề Covid-19 thì mới đây nhưng chuyện nông sản ùn ứ thì diễn ra từ lâu rồi. Do vậy, các giải pháp trước mắt và lâu dài là tận dụng linh hoạt tất cả các phương thức vận tải. Trong đó, sớm tăng thị phần cho vận tải đường biển"- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trước măt, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT sẽ phối hợp cùng các DN, hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển bằng đường biển. Ưu tiên tìm giải pháp để vận chuyển thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đặt vấn đề: Việt Nam là nước XK nông sản, Việt Nam đã có Hiệp hội logistics nhưng chưa có hiệp hội hay 1 chi hội riêng cho về logistics cho nông sản. “Vấn đề này cần được xem xét thêm thay vì phải thành lập thêm một tổ công tác liên ngành...”- Thứ trưởng đề xuất.

Nhị Thanh

Bình luận

Nổi bật

Lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc

Lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 10:39

(CL&CS) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Đo đạc trọng lực chi tiết phục vụ công tác đo đạc và bản đồ – Phần đo mặt đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức hấp thụ riêng đối với điện thoại di động

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức hấp thụ riêng đối với điện thoại di động

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 09:16

(CL&CS) - Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về mức hấp thụ riêng (SAR) đối với điện thoại di động.

Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn môi trường

Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn môi trường

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 09:16

(CL&CS) - Việc xác định khoảng cách an toàn về môi trường dựa trên quy mô, công suất của các hạng mục công trình và tính chất của bụi, mùi khó chịu, mức độ tiếng ồn có nguy cơ gây tác động xấu đến sức khỏe con người.