Thứ tư, 24/05/2023, 13:56 PM

Thận trọng, kỹ lưỡng trong xác định hàng hóa bình ổn giá, định giá

(CL&CS) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 23.5, các đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được chỉnh lý công phu, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất chất lượng, trong đó, các danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá hay do Nhà nước định giá đã được rà soát thận trọng, kỹ lưỡng, bổ sung một số quy định có lợi cho người tiêu dùng, người dân.

Phải có giá trần vận chuyển hành khách hàng không nội địa

Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là một nội dung trong dự án Luật Giá (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của cử tri, đại biểu Quốc hội trong thời gian qua. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát thận trọng từng mặt hàng tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật về nội dung này. Các nội dung tiếp thu, chỉnh lý cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, việc có nên áp giá trần, giá sàn hay khung giá đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề hiện đang có ý kiến khác nhau.

Các đại biểu tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Các đại biểu tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định theo hướng giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Lý giải cho lựa chọn này, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mặt khác, việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

Khi đã bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.

81
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Từng không ủng hộ áp giá sàn với loại hình vận chuyển hành khách này, song với giải trình được Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã tán thành với quy định tại dự thảo Luật theo hướng “bỏ giá sàn, giữ giá trần”. Thậm chí, theo đại biểu, giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa phải có, không có không được, vì nếu không ai sẽ quản lý được việc dịch vụ hàng không lên giá vào các dịp lễ, tết? Nếu không có giá trần có phải các hãng hàng không sẽ muốn tăng giá lúc nào cũng được?

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, quy định như phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sẽ góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, giúp người có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời cũng sẽ bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

82
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu  Nguyễn Thành Nam lưu ý, trong vận chuyển hành khách hàng không nội địa có nhiều hạng dịch vụ khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu của các đối tượng có thu nhập khác nhau. Hơn nữa, để phù hợp tiêu chí của loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do Nhà nước định giá được quy định tại khoản 1, Điều 21 của dự thảo Luật, theo đại biểu, chỉ nên để dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Đối với hạng thương gia, phổ thông đặc biệt cần để các doanh nghiệp hàng không tự định giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn một bộ phận người dân.

Xăng dầu vào danh mục bình ổn giá sao điện lại không?

Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu tại phiên thảo luận.

Theo dự thảo hiện nay, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng gồm: xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt lợn (thịt heo); phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

83
Đại biểu Phạm Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến việc bỏ điện ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, chuyển sang danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ĐBQH Phạm Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, loại hàng hóa này cần được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bởi, đây là loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này thay đổi thường xuyên theo xu hướng chỉ có tăng mà không có giảm, tuy nhiên việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Nhà nước định giá điện, tức là còn bao cấp, như vậy thì về bản chất sao không đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tương tự như xăng dầu? Xăng dầu có người dùng người không, nhưng điện 100% người dân đều sử dụng thì tại sao không đưa vào danh mục bình ổn giá mà lại đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá? Đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định, nếu điện được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì người dân sẽ rất hoan nghênh.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 6 hãng hàng không nội địa, nên việc cạnh tranh của các hãng này cần phải quy định một giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước.

84
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đối với việc không giữ điện trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, chính định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân hơn. Để thực hiện bình ổn giá điện đòi hỏi phải bảo đảm về nguồn lực, song ngân sách còn hạn hẹp, trong khi đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, nếu hỗ trợ bằng ngân sách sẽ phải sửa Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành để phù hợp.

Có thể thấy, việc ổn định thị trường, tránh lạm dụng để ổn định trong phạm vi cả nước giá của một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu sẽ giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, không tăng giá bất thường gây xáo trộn thị trường, cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân. Tất nhiên, loại hàng hóa, dịch vụ nào được đưa vào danh mục bình ổn giá và định giá quy định tại hai Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật đều phải được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, trong đó cần bảo vệ hài hòa lợi ích của người dân. 

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Bình luận

Nổi bật

Đường phố Hà Nội rực rỡ sắc đỏ mừng ngày lễ lớn của đất nước

Đường phố Hà Nội rực rỡ sắc đỏ mừng ngày lễ lớn của đất nước

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:35

(CL&CS)- Nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2024) và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:53

(CL&CS) - Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người tranh thủ đi du lịch, về quê thăm gia đình, bạn bè… Tại các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội, người dân đổ về đông đúc ngay từ đầu giờ chiều.