Thứ năm, 20/10/2022, 09:05 AM

Tập trung cao độ, quyết sách đúng đắn, kiến tạo động lực phát triển mới

Sáng nay, 20.10, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV khai mạc, bắt đầu chương trình nghị sự dày đặc cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Trao đổi với PV, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG mong muốn, các đại biểu Quốc hội tập trung cao độ, toàn tâm, toàn trí cho việc xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, nhìn nhận khách quan, đánh giá công tâm những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, xác định đúng, trúng những vấn đề cấp bách, ngắn hạn và những vấn đề phải có tầm nhìn dài hạn để Quốc hội có quyết sách đúng đắn, từ đó, kiến tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Kết quả vượt mong đợi, tạo nền tảng quan trọng cho những năm tiếp theo

- Nếu tính về số lượng thì Kỳ họp thứ Tư khai mạc hôm nay thực chất đã là kỳ họp thứ năm của Quốc hội Khóa XV, nhưng có lẽ đây cũng là kỳ họp đỡ áp lực nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thưa ông?

- Nói là đỡ áp lực nhất cũng đúng, bởi 4 kỳ họp trước (3 kỳ họp thường kỳ và 1 kỳ họp bất thường), đặc biệt là Kỳ họp thứ Nhất và Kỳ họp thứ Hai diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, tác động nặng nề đến nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đến Kỳ họp bất thường và Kỳ họp thứ Ba, những tác động của đại dịch Covid-19 chưa kịp vơi bớt đã lại cộng hưởng với những biến động nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhất là xung đột quân sự Nga - Ukraine, các rủi ro vĩ mô tiếp tục gia tăng như việc lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước, sự điều chỉnh chính sách đối nghịch, đảo chiều của một số nước...

cn-cuong-1666221351385

Các nội dung nghị sự tại Kỳ họp thứ Tư rất phong phú cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, trong đó, nhiều nội dung rất khó, phức tạp đòi hỏi phải vừa giải quyết được các vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa phải có tầm nhìn xa, đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Đây là giai đoạn chúng ta phải tăng tốc tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để vừa bù đắp lại những thiệt hại của hơn 2 năm Covid-19 vừa tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Vì thế, tôi mong rằng, trên cơ sở sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định các nội dung nghị sự của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất -Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Bối cảnh đó đòi hỏi Quốc hội phải xem xét, quyết định khối lượng công việc vô cùng lớn, trong đó có rất nhiều việc cấp bách, đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để cùng với Chính phủ khẩn trương cụ thể hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” vừa qua.

Tuy nhiên, Kỳ họp thứ Tư này, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Theo Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tăng trưởng kinh tế nước ta đã có sự phục hồi tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay đạt 8,83%, ước cả năm đạt khoảng 8%, vượt khá xa so với mục tiêu 6 - 6,5% đã đặt ra. Chính phủ cũng dự kiến năm 2022 sẽ có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu Quốc hội giao. Đây là kết quả vượt mong đợi bởi khi bước vào năm 2022, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “sức khỏe”, sức chống chịu của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, người lao động đã bị bào mòn sau hơn 2 năm bùng phát dịch bệnh.

Nếu nhìn ở góc độ đó thì quả thực, Kỳ họp thứ Tư này, áp lực với Quốc hội, với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã giảm đi nhiều. Tuy vậy, xét ở khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp này thì không giảm, thậm chí còn nhiều hơn nhưng thời gian được rút ngắn hơn so với thông lệ các kỳ họp cuối năm, bởi các cơ quan của Quốc hội đã rất chủ động theo phương châm "từ sớm, từ xa" của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để đồng hành với cơ quan soạn thảo chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nội dung. Cụ thể là, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến với 7 dự án luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật; quyết định công tác nhân sự...

- Một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp là xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp nối đà phục hồi của năm nay và tạo nền tảng cho những năm tới. Vậy theo ông, Quốc hội cần tập trung thảo luận những vấn đề gì để đáp ứng yêu cầu này?

- Những kết quả đạt được trong năm 2022, như đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, là: Việt Nam đã điều hành đúng hướng, hiệu quả, đặc biệt là đã giữ được ổn định vĩ mô, vừa kiềm chế được lạm phát ở mức thấp vừa phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức rất cao. Nhiều chuyên gia nói rằng, Việt Nam đi “ngược dòng” với xu hướng “đình lạm” - vừa đình trệ, vừa lạm phát đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Điều này đã củng cố niềm tin để chúng ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển với cách thức phù hợp trong điều kiện cụ thể của đất nước.

Tất nhiên, chúng ta tuyệt đối không được phép chủ quan. Trong quá trình chuẩn bị Kỳ họp, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chủ động nắm bắt, đánh giá và tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân về những vấn đề Quốc hội cần phải xem xét. Trong đó, một vấn đề Quốc hội cần đặc biệt quan tâm là tăng cường năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế, trong đó có các vấn đề về hoàn thiện thể chế, quản trị vĩ mô, có giải pháp căn cơ hơn nữa để sớm khắc phục những tồn tại nội tại của nền kinh tế. Trong điều hành, cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vì thực tiễn đã cho thấy “có ổn định vĩ mô thì sẽ có tất cả”.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận xã hội nổi lên được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm cũng đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và đề nghị Chính phủ chủ động chuẩn bị, giải trình làm rõ tại Kỳ họp như: quản lý nhà nước đối với xăng dầu, giá xăng dầu, tác động của giá cả nhóm mặt hàng thiết yếu vẫn có xu hướng tăng cao; chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề lãi suất ngân hàng; vấn đề thiếu vật tư, thiết bị y tế; vấn đề quản lý thị trường bất động sản; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các hoạt động của bộ máy Nhà nước, thanh tra; tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là viên chức trong ngành y tế, giáo dục; vấn đề tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức...

Sửa đổi Luật Đất đai - phải nỗ lực gấp nhiều lần các dự luật khác

- Nhiệm vụ lập pháp tại Kỳ họp thứ Tư khá nặng, trong đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của dự luật này?

 - Tất cả các dự luật được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, nhất là các dự luật thuộc chương trình thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tối đa về chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội. Tất nhiên, trong mỗi dự luật cũng còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện.

Đặc biệt, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ rất sớm, có thể nói là song hành với quá trình Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về đất đai. Từ tháng 8.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Từ sau cuộc làm việc này, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nhiều cuộc làm việc, các hội thảo chuyên sâu để tham vấn ý kiến về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 cũng dành hẳn một phiên thảo luận chuyên đề về hoàn thiện pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đất đai. Chưa kể rất nhiều tọa đàm, hội thảo góp ý kiến đã được MTTQ Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội thực hiện và gửi ý kiến góp ý đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như thế để thấy rằng, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, MTTQ Việt Nam... đều đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ cho dự luật quan trọng này. Dù vậy, đây là dự luật vô cùng khó, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà còn tác động sâu sắc tới việc thực thi nhiều đạo luật khác, do đó, các nội dung của dự luật phải được bàn thảo chi tiết hơn, thấu đáo hơn tại Kỳ họp.

- Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vậy, ông mong muốn điều gì ở các đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến lần đầu đối với dự luật?

- Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai không phải chỉ là sửa đổi một đạo luật thông thường mà đây còn là sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật này là minh chứng sinh động để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật. Vì thế, với dự luật này, tất cả các chủ thể liên quan đều phải nỗ lực, cố gắng hơn gấp nhiều lần so với các dự luật khác.

Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tư, sự chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tôi mong muốn mỗi đại biểu Quốc hội sẽ từ thực tiễn của địa phương mình, ngành mình, từ việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, dành thời gian nghiên cứu thấu đáo để đóng góp ý kiến xác đáng cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong đó, cần lưu ý các nguyên tắc đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ tại phiên họp chuyên đề về dự luật này, đó là: phải bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận; những vấn đề thực tiễn có đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần Nghị quyết số 18 thì không đưa vào dự thảo Luật, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay.

Sau Kỳ họp, Quốc hội sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự luật này, do đó, đại biểu Quốc hội cũng cần góp ý việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân như thế nào cho thực chất, hiệu quả để sau 3 kỳ họp chúng ta có thể ban hành được một đạo luật tốt, vừa kế thừa các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, vừa phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược lâu dài, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, để đất đai thực sự trở thành nguồn động lực quan trọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Quỳnh Chi - Theo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

(CL&CS) - Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:15

(CL&CS) - Ngày 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng, với nội dung trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:14

(CL&CS) - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), bạn trẻ Vũ Quỳnh Anh (SN 1995), đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, đã phát biểu cảm tưởng.