Tác phẩm văn học là nguồn tài nguyên quý của điện ảnh
(NTD) - Bên cạnh dòng phim remake (mượn kịch bản nước ngoài) đang được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng thì việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh cũng đang là một hướng đi vừa mới vừa quen đối với thị trường phim ảnh Việt Nam. Rõ ràng nguồn tài nguyên quý của điện ảnh là những tác phẩm văn học có giá trị.
Tuy nhiên, với xu hướng sáng tác hiện nay của nhiều tác giả trẻ thì liệu rằng nền văn học trẻ có đáp ứng được đầy đủ những chất liệu cần thiết để xây dựng nên một kịch bản điện ảnh hấp dẫn được công chúng?
Văn học là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh
Chuyển thể tác phẩm văn học thành điện ảnh vốn dĩ không phải là câu chuyện mới mẻ và tại Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim được chuyển thể thành công. Trong giai đoạn phim truyền hình phát triển mạnh, đã có hàng loạt bộ phim chuyển thể được công chúng yêu mến như: “Đất phương Nam” (“Đất rừng phương Nam” - Đoàn Giỏi); “Kính vạn hoa”, “Nữ sinh” (tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh); “Thương nhớ ở ai” (“Bến không chồng” - Dương Hướng)… Thành công của những tác phẩm này đã mang đến cho thị trường phim ảnh sự đa dạng về nội dung và phong phú về đề tài. Đồng thời, cũng thể hiện được mối quan hệ “cộng sinh” giữa hai loại hình nghệ thuật. Văn học cung cấp chất cho điện ảnh và điện ảnh mở rộng đối tượng tiếp nhận cho văn học.
Phim điện ảnh, phim chuyển thể đã xuất hiện từ khá sớm và nổi bật, trong số đó là những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm của Nam Cao: “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy” (tổng hợp từ các tác phẩm “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Sống mòn”…). Đồng thời, cũng có nhiều tác phẩm nổi bật khác: “Thời xa vắng” (Lê Lựu), “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán)… Đây đều là những tác phẩm được ra đời vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Điều này cho thấy rằng, ngay từ những giai đoạn phát triển đầu tiên của phim điện ảnh Việt Nam đã có sự gắn bó và đồng hành của văn học. Chính bởi sự kết hợp ăn ý lẫn nhau mà điện ảnh Việt Nam đã cho ra mắt nhiều bộ phim để đời và có giá trị đến ngày hôm nay.
Sau này, phim điện ảnh càng có nhiều ảnh hưởng ở thị trường giải trí, điển hình là sự xuất hiện nhiều hơn của những rạp phim, doanh thu của nhiều bộ phim vượt lên hàng trăm tỷ đồng. Trong giai đoạn đó, phim điện ảnh chủ yếu được sản xuất dựa trên nhiều kịch bản mới mà chủ yếu là phim hài và một số ít là phim hành động. Thời gian gần đây, phim remake gần như trở thành một trào lưu với hàng loạt phim đình đám: “Em là bà nội của anh”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Tháng năm rực rỡ”… Phim remake làm cho thị trường phim ảnh trở nên sôi động, tươi mới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tập trung làm phim remake sẽ khiến nhiều nhà biên kịch ỷ lại vào kịch bản đã có sẵn mà mất đi sự sáng tạo, cũng như đánh mất những giá trị riêng về văn hóa Việt Nam trong những sản phẩm điện ảnh.
Trên thực tế, phim điện ảnh chuyển thể Việt Nam tuy không xuất hiện ồ ạt nhưng vẫn có những đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung. Trong số đó, phải kể đến “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư), “Mùa len trâu” (Sơn Nam), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nguyễn Nhật Ánh), “Đảo của dân ngụ cư” (Đỗ Phước Tiến)… Đây là những bộ phim không chỉ đóng góp thêm màu sắc cho thị trường điện ảnh mà còn nhận được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Chính bởi lẽ đó, chúng ta có thể thấy rằng, văn học từ lâu đã trở thành một mảnh đất màu mỡ, nhiều tài nguyên để điện ảnh từ phim truyền hình cho đến phim chiếu rạp đều có thể khai thác và cải biên thành nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ đông đảo công chúng.
“Cánh đồng bất tận” được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. |
Văn học trẻ và điện ảnh
Có thể nói rằng trong thời kỳ hiện đại, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư đang là hai tên tuổi được nhiều nhà làm phim “ưu ái” và có mong muốn được chuyển thể tác phẩm văn học sang phim điện ảnh. Có rất nhiều lý do để tác phẩm của hai nhà văn này được chọn để chuyển thể thành phim nhưng lý do quan trọng nhất là họ sở hữu nhiều tác phẩm ăn khách và có lượng độc giả trung thành trong suốt nhiều năm và đây sẽ là nhóm “đối tượng” khán giả tiềm năng đối với tác phẩm phiên bản điện ảnh.
Tuy nhiên, lại cần có một vấn đề cần phải nhắc đến, bản thân các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh tuy được số đông biết đến nhưng phần lớn đều được đánh giá là thiếu những điểm nhấn hay các nút thắt ấn tượng, chính vì thế, tuy “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt được nhiều thành công nhưng phần lớn lại được khen ngợi về phần hình ảnh, âm nhạc nhiều hơn phần nội dung. Bởi lẽ, văn chương Nguyễn Nhật Ánh mạnh ở khía cạnh sử dụng từ ngữ. Và ngay cả phim của Nguyễn Ngọc Tư cũng có nhiều vấn đề cần đáng phải trao đổi nhưng điều chính yếu ở đây là việc nếu cứ chuyển thể phim là sử dụng tác phẩm của hai vị này thì thị trường phim sẽ trở nên buồn chán và tẻ nhạt.
Do đó, phim chuyển thể bên cạnh những tác phẩm văn học cũ, cần hướng đến những tác phẩm mới. Nhưng vấn đề cần lưu ý ở đây, nhóm các tác giả trẻ hiện nay cũng chủ yếu chia thành hai nhóm: Hàn lâm và thị trường. Và cũng như âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, nhóm tác giả thị trường luôn chiếm được cảm tình của số đông.
Cụ thể hơn, với các tác giả trẻ nổi tiếng như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Hạ Vũ… thường theo đuổi thể loại tản văn - chủ yếu viết về tâm trạng, cảm nhận, suy nghĩ về cuộc sống, tình yêu nên không thể chuyển thể thành phim. Hoặc họ cũng viết truyện ngắn nhưng cũng chọn đề tài tình yêu là chính và nội dung không có sự khác biệt lớn so với tản văn nên chuyển thể thành phim cũng kém đặc sắc.
Nhóm tác giả trẻ hàn lâm thì đa dạng thể loại hơn và chất lượng, giá trị tác phẩm cũng cao hơn nhưng ít được đông đảo độc giả biết đến. Chính vì thế, nếu chọn những tác phẩm này để chuyển thể thì lại là một thử thách rất lớn đối với các nhà sản xuất phim.
Song, các nhà sản xuất cần nhớ rằng, xã hội ngày càng thay đổi, không thể cứ mãi lấy chất liệu của những dòng văn học cổ điển để làm phim, dù biết rằng giá trị của những tác phẩm ấy vẫn còn vẹn nguyên, không suy giảm. Nhưng điện ảnh cần tính thời sự, cần sự cập nhật để phát triển. Do đó, hãy cứ mạnh dạn chọn lựa những điều mới mẻ đi kèm yếu tố chất lượng để thử nghiệm. Nếu có tâm huyết và cố gắng hết mình để có được những bộ phim mới mang đậm bản sắc Việt Nam thì khán giả sẽ ủng hộ.
Và đây cũng là một sự đánh thức cho các tác giả trẻ, đã đến lúc cần phải thay đổi và nâng cấp tư duy nghệ thuật để ngòi bút không đơn thuần mang tính giải trí mà phải mang đến những giá trị nhân văn khác cho người đọc. Được như vậy, không những văn học trẻ đi lên mà điện ảnh sẽ có thêm nhiều cơ hội được trải nghiệm các tác phẩm mới trên màn ảnh rộng, mang đến những sản phẩm đúng với sự kỳ vọng của khán giả.
“Mùa len trâu” của nhà văn Sơn Nam phiên bản điện ảnh. |
Đức Tiến
Bình luận
Nổi bật
Khởi động chiến dịch 'JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết'
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58
(CL&CS)- Ngày 21/11, tại Hà Nội, chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” chính thức được phát động.
Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí, nguy hại sức khỏe người dân
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58
(CL&CS) - Chất lượng không khí (AQI) Hà Nội thời gian gần đây luôn ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy hiện trạng ô nhiễm ở Hà Nội rất báo động
Viết về thầy cô và mái trường: Chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt, nhiều bài viết tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57
(CL&CS) - Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.