So sánh tiêu chuẩn GHG Protocol và ISO 14064 về đo lường, báo cáo phát thải khí nhà kính
(CL&CS) - Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá, quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Hiện nay, hai tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính là GHG Protocol và ISO 14064.
Khí nhà kính là tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp. Hiện nay, hai tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính là GHG Protocol và ISO 14064.
Các nước trên thế giới ngày càng quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính. (Ảnh minh họa)
GHG Protocol là bộ công cụ hướng dẫn do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ. GHG Protocol cũng cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.
ISO 14064 là một chuỗi các tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phát triển để giúp các tổ chức định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh lượng phát thải khí nhà kính và lượng khí nhà kính đã được loại bỏ. ISO 14064 bao gồm ba phần: phần 1 (hướng dẫn ở cấp tổ chức), phần 2 (hướng dẫn ở cấp dự án) và phần 3 (hướng dẫn yêu cầu và quy trình xác nhận và xác minh). Bộ tiêu chuẩn ISO 14064 tương thích với các tiêu chuẩn ISO khác, chẳng hạn như ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường,...
Về điểm giống nhau, cả hai tiêu chuẩn đều dựa trên nguyên tắc cơ bản: liên quan, đầy đủ, thống nhất, minh bạch và chính xác. Cả hai tiêu chuẩn đều cho phép tính linh hoạt và thích ứng với bối cảnh và mục tiêu cụ thể của từng tổ chức hoặc dự án, đồng thời khuyến khích cải tiến liên tục, sự tham gia của các bên liên quan.
Về điểm khác nhau, GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 (phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát), tương tự như Loại 1 của ISO 14064. Phạm vi 2 (phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng), tương tự như Loại 2 của ISO 14064. Phạm vi 3 (tất cả phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị). Phạm vi 3 của GHG Protocol bao trùm Loại 3,4,5,6 của ISO 14064.
Ở cấp độ tổ chức, tiêu chuẩn ISO 14064-1 phân loại phát thải khí nhà kính thành sáu loại: Loại 1- Phát thải và loại bỏ khí nhà kính trực tiếp; Loại 2 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ năng lượng nhập khẩu; Loại 3 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ giao thông vận tải; Loại 4 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ các sản phẩm được tổ chức sử dụng; Loại 5 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của tổ chức; Loại 6 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ các nguồn khác.
GHG Protocol và ISO 14064 đều cung cấp các khuôn khổ hữu ích cho việc tính toán, kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa.
Đối với phạm vi áp dụng, GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực, hoạt động hơn, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn và công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính. Còn ISO 14064 tổng quát và ngắn gọn hơn, tập trung vào các yêu cầu, thông số kỹ thuật để định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh khí nhà kính, đồng thời có nhiều không gian hơn cho việc giải thích và điều chỉnh.
Các chuyên gia đánh giá, GHG Protocol và ISO 14064 có thể khác nhau về cách tiếp cận và phân loại phát thải nhưng cả hai đều cung cấp khuôn khổ hữu ích cho việc tính toán, kiểm kê khí nhà kính. Để có thể lựa chọn tiêu chuẩn để tính toán và quản lý khí nhà kính, cần xem xét một số yếu tố như mục đích, phạm vi, đối tượng, nguồn lực. Cả hai tiêu chuẩn đều tương thích và bổ sung cho nhau; các công ty và tổ chức có thể sử dụng GHG Protocol để xác định, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, sau đó sử dụng ISO 14064 để báo cáo và xác minh.
Theo VietQ.vn
Bình luận
Nổi bật
TCVN 13594-6:2023 về thiết kế kết cấu thép của cầu đường sắt
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 10:14
(CL&CS) - Đối với công trình cầu đường sắt hệ thống kết cấu thép khổ 1435 MM đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo tính an toàn, bền vững của công trình. Do đó khi thiết kế kết cấu thép của cầu nên đáp ứng theo TCVN 13594-6:2023.
Nông sản thực phẩm xanh tạo ấn tượng với khách hàng quốc tế
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 08:11
(CL&CS) - Nhiều đoàn khách quốc tế bày tỏ ấn tượng trước hương vị, chất lượng của nhiều nông sản, thực phẩm Việt Nam cũng như sự nhạy bén của doanh nghiệp Việt trong việc chuyển đổi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
TCVN 13866:2023 xác định độ ổn định kích thước của thanh định hình polyvinyl clorua
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 14:11
(CL&CS) - Nhờ vào tính năng dẻo, độ bền cao nên thanh định hình PVC được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên để đáp ứng được tỷ lệ kích thước chuẩn thì nên xác định độ ổn định sau khi mẫu thử được phơi nhiệt theo TCVN 13866:2023.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.