Thứ tư, 08/11/2023, 07:34 AM

Rõ thực trạng, rõ giải pháp

Nội chính và tư pháp, với trách nhiệm trả lời của 7 bộ trưởng, trưởng ngành, là nhóm lĩnh vực thứ ba Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu. Trong 180 phút diễn ra phiên chất vấn, qua phần hỏi, tranh luận mang tính xây dựng và phần trả lời, giải trình thẳng thắn, trách nhiệm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các bộ trưởng, trưởng ngành, nhiều vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực nội chính, tư pháp tiếp tục được phân tích, mổ xẻ một cách công tâm, khách quan.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Rõ ràng và đầy đủ

Nếu tính theo số lượng đại biểu chất vấn, tranh luận, thì vị trí dẫn đầu của nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp thuộc về “tư lệnh ngành” nội vụ với 12 lượt đại biểu trên tổng số 37 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và tranh luận. Đặc biệt, phần lớn, nếu không nói là tuyệt đối, trong số 12 chất vấn, tranh luận này đều chủ yếu xoay quanh câu chuyện: Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách chính sách tiền lương - những vấn đề rất sát sườn, thiết thân, nhưng cũng vô cùng khó, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến con người, và đang là mối quan tâm của không những đại biểu mà của cả nước.

“Việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và trong cơ quan tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này” - ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nêu câu hỏi chất vấn. Trực diện hơn, đề cập cụ thể đến mức lương khởi điểm của nhân viên tại các trường học (thủ quỹ, kế toán, văn thư...) hiện rất thấp với hệ số khoảng 1,8 và chưa tới 3 triệu đồng/tháng, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để cải thiện lương của đối tượng này khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới?...

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Đáng chú ý, dù là chất vấn hay tranh luận, thì phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đều “rất rõ ràng và đầy đủ”. Đặc biệt, trong vô vàn các công việc đại sự phức tạp liên quan đến tổ chức bộ máy và con người như vậy, ngành nội vụ đã bước đầu có những kết quả cụ thể. “Đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định. Theo đó, đối với cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí; đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí và cán bộ, công chức cấp xã 17 vị trí. Và trong các chức danh, vị trí lãnh đạo đó, đến nay đã có Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị với tổng số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là 232 vị trí từ Trung ương đến cấp xã.

Bộ trưởng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị, thì “cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm”, tuy nhiên, “chưa hoàn thiện và chưa bảo đảm thật đầy đủ, khoa học, căn cơ”. Còn với 2 Bộ chưa hoàn thành nội dung này, Bộ trưởng cho biết, “trong một, hai ngày nữa sẽ hoàn thành”, để bảo đảm triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trong hệ thống hành chính nhà nước”.

Đương nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng như các ngành và lĩnh vực khác, ngành nội vụ cũng còn những tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục khắc phục và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới, như vấn đề thiếu người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ngành giáo dục. Hay, sắp xếp lương bổng của nhà giáo như thế nào khi cải cách chính sách tiền lương để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết của Trung ương, đó là "lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp"... Tất cả những vấn đề này đều được đại biểu đưa ra chất vấn Bộ trưởng. Và, ngay với phần việc được xác định “đã có kết quả bước đầu” là xây dựng hệ thống vị trí việc làm, thì trong phần tranh luận với Bộ trưởng, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cũng nêu rõ, mới “yên tâm về tiến độ” mà “chưa yên tâm về chất lượng”. Điều này dẫn đến “khi tinh giản sẽ không bảo đảm nâng cao về chất của bộ máy”. Và, "nếu vị trí việc làm không phù hợp thì chúng ta không thể xác định biên chế phù hợp, đồng nghĩa cũng không bảo đảm tiền đề để cải cách chính sách tiền lương".

Thừa nhận thực tế đại biểu nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với góc độ cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này, tới đây sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại và tham mưu thêm cho Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng vị trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu về quản lý biên chế, thực hiện cải cách chính sách tiền lương và việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển

"Chậm" và "chưa"

Tiếp sau nội vụ, lĩnh vực được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Với lĩnh vực tư pháp, nhiều đại biểu nêu rõ, hiện nay vẫn còn 13/129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản cụ thể, cá biệt có văn bản còn nợ tới 2 năm 9 tháng. “Nếu chúng ta không giải quyết thì con số 2 năm 9 tháng sẽ kéo dài hơn”; chưa kể “một số văn bản chưa bảo đảm chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung, hoặc không có hiệu lực thi hành do không phù hợp với luật và thực tiễn, hoặc có bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển”. Vậy thì, “trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong vấn đề xây dựng thể chế này như thế nào? - câu hỏi này đồng thời được ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) gửi tới các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan khác và Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong phần giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận thấy, có 2 từ được nhắc đến nhiều nhất, đó là "chậm" và "chưa". Hoàn toàn đồng ý với ý kiến chất vấn của các đại biểu, Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Trách nhiệm thuộc về Chính phủ và các đồng chí Bộ trưởng phụ trách các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo, chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp”.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Với lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, trước tình hình thông tin cá nhân (số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân...) của người dân bị lộ lọt đang rất phổ biến, chưa kể các tin nhắn lừa đảo, đường link giả mạo... mà ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 5 nhóm giải pháp để khẩn trương xử lý hiệu quả vấn đề này. Trong đó, có giải pháp về tăng cường công tác nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác; thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các “lỗ hổng” bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, không để đối tượng tấn công xâm nhập và lấy cắp dữ liệu. “Hiện nay, hệ thống bảo vệ Trung tâm này có 4 lớp rất chặt chẽ, từ khi thành lập vận hành đến giờ chưa phát hiện một vụ việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn
Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) về công tác điều tra các vụ án tham nhũng để “không bỏ lọt tội phạm, không hàm oan người vô tội”, khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 4 giải pháp. Một là, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Hai là, tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định để kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án xảy ra vừa qua, như vụ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”..., đặc biệt là khâu xử lý đối tượng... Ba là, phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân do tham nhũng, tiêu cực mà có, không để đối tượng tẩu tán tài sản. Và bốn là, cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt là giải pháp về “tham nhũng vặt”. “Chính phủ hiện đang chỉ đạo khẩn trương đẩy mạnh Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ phục vụ nhân dân nhưng cũng là phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt, tham nhũng hằng ngày. Đây cũng là một vấn đề rất nhức nhối”, Bộ trưởng nêu rõ.

Nếu chia đều 180 phút cho 7 bộ trưởng, trưởng ngành thuộc nhóm lĩnh vực nội chính và tư pháp, thì mỗi “tư lệnh ngành” có khoảng hơn 25 phút để trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy số lượng câu hỏi cũng như thời gian dành cho mỗi bộ trưởng, trưởng ngành là không giống nhau, nhưng trong 180 phút diễn ra phiên chất vấn, cả 7 bộ trưởng, trưởng ngành đều đã có cơ hội báo cáo, giải trình minh bạch trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước về các vấn đề của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách. Qua đó, những nỗ lực, kết quả đạt được đã được ghi nhận, nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành, lĩnh vực được giao quản lý đã được chỉ rõ. Từ góc độ trách nhiệm của "tư lệnh ngành", nhiều giải pháp, hướng xử lý cụ thể với từng vấn đề cũng đã được các bộ trưởng, trưởng ngành đề xuất.

Và, điều mà cử tri và Nhân dân cũng như các đại biểu chờ đợi hơn cả, đó là những chuyển động thực tế sau phiên chất vấn.

Lam Giang

Bình luận

Nổi bật

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:53

(CL&CS) - Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người tranh thủ đi du lịch, về quê thăm gia đình, bạn bè… Tại các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội, người dân đổ về đông đúc ngay từ đầu giờ chiều.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý xe khách vi phạm dịp lễ 30/4-1/5

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý xe khách vi phạm dịp lễ 30/4-1/5

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Thời điểm kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 đang đến cận kề, CSGT Hà Nội tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng xe khách vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.