Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 27/11/2016, 09:45 AM

Rệp giường nguy hiểm đã quay trở lại

(NTD) - Sau nhiều năm lắng dịu, tình trạng nhiễm rệp giường đã bùng phát trở lại ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc. Từ nhà giàu đến bình dân, từ phòng trọ, chung cư, ký túc xá đến bệnh viện, rạp hát, thậm chí cả khách sạn sang trọng nhiều sao... đều trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của rệp giường.

BS-Le-Duc-Tho_Website
Bác sĩ Lê Đức Thọ, Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Quốc tế City.

Thông tin từ Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, không chỉ có ở TP.HCM, loài côn trùng “đáng ghét” này cũng đã xuất hiện nhiều tại Hà Nội.

Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có buổi phỏng vấn bác sĩ Lê Đức Thọ, Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Quốc tế City về những lo ngại trước tình trạng rệp giường đang làm người dân “mất ăn mất ngủ”, đặc biệt là các bạn sinh viên trong các khu ký túc xá.

* Nguyên nhân nào khiến tình trạng rệp giường xuất hiện trở lại thưa ông?

- Rệp giường (Cimex lectularius - bedbug) là loài bọ nhỏ, thuộc nhóm động vật hút máu (Hematophagy), cánh nửa cứng, mình dẹp, tiết chất hôi, sống nhờ hút máu người. Rệp thường sống ở những nơi khó bị phát hiện như khe giường, chăn, chiếu, ghế nệm, kẹt ván, kẹt tủ...

Rệp giường không tự lan truyền mà phải có sự tác động của con người bằng cách di chuyển các vật dụng chứa ấu trùng từ nơi này sang nơi khác. Rệp có thể nhịn đói, sống nhiều tháng mà không cần phải hút máu; đặc biệt có thể di chuyển rất xa khi bám theo hành lý, va ly, quần áo của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, cần cân nhắc khi mua và sử dụng đồ cũ như: Quần áo, thú nhồi bông, giày dép, tủ, bàn ghế, giường nệm... bởi chúng có thể có chứa rệp.

* Thưa ông, rệp giường phát triển nhanh nhất trong điều kiện nào?

- Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ những nơi dơ bẩn mới có rệp. Thực tế thì tình trạng dơ bẩn không thu hút rệp giường mà rệp lại bị hấp dẫn bởi độ ấm của cơ thể và khí CO2 do con người tiết ra qua hơi thở. Thời tiết lạnh giá của mùa đông không phải là điều kiện thích hợp cho rệp giường sinh sôi và phát triển nhưng hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp loài rệp quanh năm.

Có ba giai đoạn tăng trưởng trong đời sống của rệp giường: Trứng, ấu trùng (rệp nhỏ), và rệp lớn. Ở giai đoạn trưởng thành, rệp giường đẻ trứng trong các khe giường tủ, chăn, chiếu, drap, đệm và vải vóc, quần áo. Trứng rệp có vỏ bọc có thể bám dính vào quần áo, chăn màn và thường nở sau 6-17 ngày.

Trong điều kiện không có chỗ ký sinh để hút máu, rệp lớn có thể sẽ bất động và sống lâu hơn 12 tháng. Rệp sống chủ yếu bằng máu người, thông thường, rệp hút máu từ 3-15 phút, tùy giai đoạn tăng trưởng. Rệp giường trưởng thành dài 4-5 mm, thân hình dẹp, màu vàng nhạt và có mùi hôi rất đặc biệt - mùi ẩm mốc có vị ngọt. Khi bị phát hiện, rệp có khuynh hướng chạy tìm chỗ ẩn náu gần nhất, có thể là một chỗ tối tăm như khe hở của đường chỉ may một tấm nệm, các kẽ nứt nẻ bất kỳ...

* Rệp giường có đe dọa sức khỏe người không thưa ông?

- Hiếm khi chúng ta trực tiếp nhìn thấy con rệp giường cắn, rất nhiều người lầm tưởng tổn thương da do bị muỗi, bọ chét hoặc côn trùng khác cắn. Đôi khi người ta cũng nhầm vết cắn của rệp với một số bệnh da phổ biến khác như mề đay, ghẻ ngứa, thủy đậu...

Mặc dù rệp cắn thường không cần đến sự chăm sóc y tế đặc biệt gì nhưng chúng lại gây khó ngủ về đêm.

Nếu có cảm giác ngửi thấy một mùi ẩm mốc ngọt ngào đặc biệt (do cơ thể rệp tự sản xuất hóa chất giao tiếp) trong phòng khách sạn, tàu du lịch, chỗ ngủ...; có vết máu hoặc đốm đen nhỏ li ti trên giường, nệm, chăn, drap, các miếng đệm, nệm lò xo, vải bọc ghế dài; ngoài ra, cơ thể loài rệp có một lớp khung xương bên ngoài mà chúng lột ra khi tăng trưởng và vương vãi trên nệm, hoặc dưới ghế đệm... là dấu hiệu có thể có rệp.

Khi bị rệp giường cắn, trên cơ thể người sẽ xuất hiện những nốt đỏ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những vị trí ưa thích của loài côn trùng này là lưng, bả vai, cạnh sườn. Người bị rệp cắn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách rửa nhẹ bằng xà phòng và nước (tránh gãi và chà xát mạnh) để làm sạch vết cắn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn da hoặc dùng kem có corticosteroid loại nhẹ bôi giúp giảm ngứa. Vết cắn của rệp giường thường lành tính và có thể biến mất sau 1-2 tuần.

Nhưng nếu có nhiều vết cắn, nổi bóng nước, ngứa nhiều, chảy máu và có dấu hiệu nhiễm trùng, phản ứng nghiêm trọng như: Sưng đỏ, đau, phát ban lan rộng... thì cần đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên gia da liễu để được thăm khám và điều trị.

1417531182-bed-bug-feeding-whitney-cranshawb
Rệp giường có thể hút máu người từ 3-15 phút và có thể “ngủ đông” trên 12 tháng. 

* Rệp giường có phải là đối tượng lây truyền bệnh dịch sang người không thưa ông?

- Rệp giường khi cắn có truyền theo một lượng ít nước bọt nên có thể gây phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng. Phản ứng đặc trưng là nổi hồng ban, mụn nước hoặc sẩn mề đay kèm cảm giác ngứa ngáy khó chịu; tổn thương da điển hình tập hợp thành vệt dài hoặc kết cụm.

Rệp giường cắn và hút máu cơ thể nên người ta nghi ngờ rệp có thể là trung gian lây truyền cho nhiều loại bệnh, trong đó có sốt phát ban, sốt hồi quy, viêm gan siêu vi B...

Tuy nhiên, y học hiện có rất ít nghiên cứu về vấn đề này và hiện vẫn chưa có bằng chứng rệp giường là vật trung gian (vector) truyền bệnh.

* Làm thế nào để ngăn ngừa và tiêu diệt rệp giường hiệu quả và an toàn?

- Biện pháp đơn giản nhất là giũ sạch giường, chiếu, nệm; gõ mạnh vạt giường xuống sàn để tìm và diệt rệp; lấy que khều bắt rệp ở các khe hở của giường. Sau đó, dùng nước sôi chế vào các khe, kẽ giường hoặc dùng que lửa hơ nóng để đốt chết rệp con và trứng. Giặt giũ quần áo, chăn nệm bằng nước nóng >50oC. Có thể dùng dipterex 2-3% hoặc pyrethrin 0,1-0,2% phun xịt vào những nơi có rệp (bình thường chỉ cần phun một lần, nhưng cũng có thể phun thêm lần thứ hai cách lần thứ nhất tối thiểu 2 tuần).

 La Giang

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.