Dữ liệu cũ
Thứ tư, 22/07/2020, 09:07 AM

Nhiễm HPV và vấn đề phòng ngừa

(CL&CS) - Virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus - HPV) là loại virus thường gặp nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chúng gây bệnh bằng cách xâm nhập vào các tế bào, kiểm soát sự vận hành trong tế bào và tạo ra các bản sao của chính nó. Những bản sao này sau đó sẽ lây nhiễm các tế bào lân cận khác.

Có hơn 150 loại HPV, trong đó khoảng 40 loại có thể nhiễm vào vùng sinh dục của cả 2 phái nam - nữ và lây truyền qua tiếp xúc da, niêm mạc khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay qua đường miệng. Ngoài bộ phận sinh dục, HPV cũng có thể được tìm thấy ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như: miệng, ngón tay, bàn tay.

Như vậy, sự lây nhiễm HPV cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có quan hệ tình dục, không có dấu hiệu hay triệu chứng gì, nhưng có tiếp xúc với các nguồn lây kể trên, ví dụ: lây lan qua nước bọt từ người bị nhiễm HPV ở miệng, cổ họng... khi hôn hít hoặc ăn uống; qua các dụng cụ sinh thiết, cắt móng, khăn lau, quần áo lót… HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh.

Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất hiện nay. Hầu như tất cả những người có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm virus HPV tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ.

Làm sao biết bị nhiễm HPV?

Các triệu chứng gây ra do HPV thường có thể chỉ xuất hiện nhiều năm sau khi nhiễm virus. Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị lây nhiễm HPV, ngay cả khi chỉ quan hệ với một bạn tình vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do một trong hai người đã từng bị nhiễm HPV trước đây mà không hề phát bệnh. Trong phần lớn trường hợp, nhiễm HPV có thể sẽ tự khỏi và không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Phần lớn những người bị nhiễm HPV thường không biết nhiễm HPV lần đầu vào lúc nào nhưng có thể vô tình truyền virus cho người khác.

Một số người phát hiện bị nhiễm HPV khi xuất hiện mụn cóc sinh dục (sùi mào gà). Không có xét nghiệm nào xác định tình trạng nhiễm HPV ở người.

Phái nữ có thể biết được mình bị nhiễm HPV khi có kết quả xét nghiệm Pap smear bất thường trong quá trình khám tầm soát ung thư cổ tử cung.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm HPV?

Khi bị nhiễm HPV không tự khỏi thì có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh lý sau đây:

• Mụn cóc sinh dục hay sùi mào gà:

Sui mau ga
Bệnh sùi màu gà

Có khoảng 12 loại virus HPV gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, còn được gọi là sùi mào gà. Đây là sự phát triển các nốt sùi như bông cải, có thể xuất hiện ở dương vật, bên ngoài hoặc bên trong âm đạo và/hoặc có thể lan sang các vùng da, niêm mạc lân cận (hậu môn, âm hộ, cổ tử cung) hay ngoài cơ quan sinh dục như niêm mạc miệng, cổ họng... Hầu hết các trường hợp sùi mào gà do hai loại HPV nguy cơ thấp, 6 và 11, gây ra.

Mụn cóc sinh dục không phải là ung thư và không biến thành ung thư; có thể được loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

• Ung thư:

Có ít nhất 13 loại HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng, lưỡi, vòm họng và một số bệnh ung thư đầu, cổ khác. Các loại virus HPV gây ung thư được gọi là các loại có nguy cơ cao. Hầu hết các trường hợp ung thư liên quan đến HPV là do hai loại HPV nguy cơ cao (16, 18), có thể xuất hiện triệu chứng sau lây nhiễm HPV từ vài năm cho đến hàng chục năm.

Người bị nhiễm HPV sẽ bị sùi mào gà hoặc ung thư?

Không phải vậy. Hệ thống miễn dịch ở người có thể chống lại hầu hết các trường hợp nhiễm HPV nguy cơ thấp hay cao và loại bỏ chúng khỏi cơ thể.

Không có cách gì để biết người nhiễm HPV nào sẽ bị ung thư hoặc gặp phải những vấn đề về sức khỏe khác.

Điều gì xảy ra nếu hệ thống miễn dịch không thể chống lại nhiễm HPV?

Nhiễm trùng dai dẳng với loại HPV nguy cơ cao (16, 18) có thể khiến các tế bào trở nên bất thường, dẫn đến một tình trạng gọi là tiền ung thư, thường mất nhiều năm mới xảy ra. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện các dấu hiệu thay đổi tế bào bất thường của cổ tử cung và cho phép điều trị sớm trước khi chúng phát triển thành ung thư.

Cách tốt nhất để chống nhiễm virus HPV?

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục cũng như các chủng HPV nguy cơ cao là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiền ung thư, ung thư.

Từ năm 2006 đã có vaccine có thể ngăn ngừa nhiễm virus HPV. Tính đến nay, trên 60 quốc gia đã đưa vaccine HPV vào danh sách tiêm chủng định kỳ, ít nhất là dùng cho trẻ em gái. Vaccine HPV nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu của WHO, bao gồm các loại thuốc quan trọng nhất dành cho cho một hệ thống y tế cơ bản

Công dụng của vaccine HPV

Vaccine HPV không điều trị nhiễm HPV cũng như không điều trị các bệnh ung thư liên quan đến HPV. Vaccine HPV giúp phòng ngừa bệnh u nhú bộ phận sinh dục và các loại ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng, lưỡi, vòm họng và một số bệnh ung thư đầu, cổ khác do HPV gây ra cho cả 2 phái nam, nữ.

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ hiện nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho thấy trong năm 2018, cả thế giới ghi nhận có 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung, một trong bốn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ sau ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư phổi. Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), có thể ngăn ngừa 92% ca ung thư do HPV nếu tiêm phòng vaccine.

Độ tuổi và đối tượng tiêm vaccine HPV

Theo khuyến cáo của WHO, độ tuổi lý tưởng để tiêm vaccine HPV là tất cả trẻ em, nam nữ, từ 11 - 12 tuổi nhưng cũng có thể được bắt đầu từ 9 - 25 tuổi. Theo CDC, dù vaccine ngừa HPV không được khuyến nghị sử dụng cho độ tuổi từ 26 trở lên nhưng vẫn có thể hữu ích đối với những người từ 27 - 45 tuổi thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm HPV mà chưa từng được tiêm vaccine.

Vaccine HPV có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm, có tác dụng tốt nhất khi được tiêm phòng cho những người chưa có hoạt động tình dục hay chưa phơi nhiễm với virus. Tuy nhiên, vaccine HPV vẫn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm vaccine HPV nếu được tiêm cho những người đã có hoạt động tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV.

Tại Việt Nam, từ năm 2008, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 2 loại vaccine Gardasil (Mỹ) ngừa 4 type HPV 6, 11,16, 18 và Cervarix (Bỉ) ngừa 2 type HPV 6, 11 gây sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo. Tuy nhiên, cả 2 loại vaccine HPV nói trên hiện chỉ được cấp phép lưu hành tại Việt Nam với chỉ định dùng cho đối tượng tiêm chủng là nữ giới trong lứa tuổi từ 9 - 25. Do đó, hiện mới chỉ có phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam được chấp thuận cho tiêm phòng các vaccine HPV này.

Trên thị trường hiện nay đã có loại vaccine Gardasil 9 (Mỹ) ngừa 9 type HPV (6, 11,16, 18, 31, 33, 45, 52, 58), được chỉ định dùng cho cả 2 đối tượng nam, nữ từ 9 - 45 tuổi.

HPV 1
 

 

Nam giới có cần tiêm vắc xin HPV?

Nam giới không bị ung thư cổ tử cung nhưng có thể bị sùi mào gà do HPV type 6,11 hay ung thư hậu môn, dương vật, miệng, vòm họng, một số bệnh ung thư đầu, cổ khác do HPV type 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 gây ra.

Phụ nữ đã tiêm vắc xin HPV sẽ gián tiếp giúp bảo vệ nam giới chống lại các loại ung thư và mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nam giới cũng cần được tiêm phòng HPV. CDC đã đưa ra cảnh báo xu thế quan hệ tình dục bằng miệng của giới trẻ hiện nay đã làm gia tăng sự lây truyền HPV.

Do đó, nên xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dương vật, hậu môn cũng như ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi và một số bệnh ung thư đầu, cổ khác. Các chuyên gia y tế cũng dự báo đến năm 2020, số bệnh nhân bị ung thư miệng, vòm họng sẽ nhiều hơn ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra.

Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vaccine HPV cho cả trẻ em gái và trai vì virus HPV là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục và rất nhiều bệnh ung thư cho cả 2 phái. Ngoài việc bảo vệ nam giới phòng tránh bệnh sùi mào gà, ung thư dương vật, hậu môn, miệng, vòm họng do virus HPV, việc tiêm vaccine ngừa HPV cho nam giới còn có hiệu quả bảo vệ cho cả bạn tình của họ không bị lây nhiễm virus HPV.

Cũng cần tiêm vaccine cho người đồng tính nam và lưỡng tính hoặc bất cứ nam giới nào có quan hệ tình dục với người cùng giới cho đến 45 tuổi. Ngoài ra, việc tiêm vaccine cho nam giới và nữ giới bị suy giảm miễn dịch, bao gồm cả người bị HIV/AIDS, cho đến 45 tuổi cũng là rất cần thiết nếu họ chưa được tiêm vaccine đầy đủ khi còn nhỏ.

HPV
HPV khác với HSV (gây bệnh mụn rộp) và HIV.

Hiệu quả của vaccine HPV?

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêm vaccine HPV trước khi có hoạt động tình dục có thể giảm đến 90% nguy cơ mắc một số loại ung thư liên quan đến HPV. Theo CDC, có thể ngăn ngừa 92% ca ung thư do HPV nếu tiêm phòng vaccine.

Nếu một người đã có quan hệ tình dục thì có thể đã bị nhiễm một hoặc nhiều loại HPV nhưng vẫn có thể chủng ngừa nếu dưới 45 tuổi. Vaccine có thể giúp bảo vệ chống lại các loại HPV khác có trong vaccine mà bạn chưa bị nhiễm.

Tác dụng phụ của vaccine HPV?

Kể từ khi lưu hành (2006) đến nay, nhiều triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm vaccine ngừa HPV. Tác dụng phụ phổ biến nhất của vaccine là sốt nhẹ, đau và đỏ nơi tiêm thuốc. Chưa ghi nhận báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng xấu với vaccine.

Có cần tầm soát ung thư cổ tử cung nếu đã chủng ngừa HPV?

Tiêm vaccine HPV giúp ngăn ngừa nhiễm HPV nhưng không là phương cách điều trị nhiễm trùng HPV đã xảy ra cũng như không điều trị các bệnh ung thư liên quan đến HPV. Phụ nữ đã được tiêm phòng HPV vẫn cần được kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên theo khuyến cáo cho nhóm tuổi từ 21 - 29, nên xét nghiệm Pap smear cùng với xét nghiệm HPV mỗi 3 năm/lần.

Vaccine HPV có giúp bảo vệ hoàn toàn khỏi bị nhiễm virus?

Ngay cả khi đã tiêm vaccine HPV, điều quan trọng vẫn là cần phải thực hiện thêm các biện pháp phòng bệnh, sinh hoạt tình dục an toàn để tự bảo vệ khỏi virus HPV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Ví dụ: hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm trùng khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng.

Lưu ý rằng bao cao su chỉ có thể bảo vệ một tỷ lệ diện tích nhỏ trên da và do đó không thể bảo vệ hoàn toàn chống lại việc nhiễm HPV. HPV có thể truyền từ người này sang người khác bằng cách tiếp xúc với các vùng bị nhiễm bệnh không được che phủ bởi bao cao su như da, niêm mạc vùng miệng, họng, vùng sinh dục hoặc hậu môn.

Tiêm phòng HPV có chống chỉ định hay cần xét nghiệm gì không?

Không cần xét nghiệm trước tiêm vắc xin phòng HPV. Nữ giới trong độ tuổi 9 - 25 hoặc 9 - 45, không mang thai, không cho con bú, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính… đủ điều kiện tiêm các loại vaccine này. Nên được khám sức khỏe tổng quát sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Đã bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?

Trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm - tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm nhưng vaccine lại có thể làm được điều này. Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau, việc bạn đã từng bị nhiễm một type HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vaccine để được bảo vệ tránh lây nhiễm những type HPV khác. Do đó, vaccine HPV vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng bị nhiễm virus HPV.

Vaccine HPV được FDA mở rộng chỉ định

Ngày 15/6/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa chấp thuận mở rộng chỉ định của Gardasil 9 - ngừa 9 type HPV (6, 11,16, 18, 31, 33, 45, 52, 58) - để tiêm phòng ngừa sùi mào gà; ung thư miệng, vòm họng, ung thư vùng đầu - cổ do một số chủng loại HPV nhất định gây ra.

Gardasil 9 được chỉ định dùng cho cả 2 đối tượng nam, nữ từ 9 - 45 tuổi.

Bác sĩ Lê Đức Thọ

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.