Dữ liệu cũ
Thứ hai, 03/02/2014, 20:25 PM

Ngược dòng sử thi về với Hải đội Hoàng Sa

Dường như càng gần đến ngày Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn thì những chuyến tàu từ đất liền ra đảo Lý Sơn càng đông hơn. Bởi theo lệ, hàng năm cứ đến ngày này, con dân của đào dù đang sinh sống ở đâu cũng tìm về để tri ân các bậc tiền nhân của mình.

Không những thế, ngư dân ở các tỉnh bạn như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… cũng đổ về Lý Sơn dự Lễ vì họ tâm niệm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như là ngày giỗ chung của nghề đi biển trong vùng. Còn trong tâm thức Việt, nhiều người dân không làm nghề biển cũng về đây để ngược dòng sử thi, biết ơn tiền nhân trong những ngày đầu mở cõi Hoàng Sa.

Trên chuyến tàu đó, tình cờ chúng tôi đã gặp Phạm Văn Biên – cậu sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh và cũng chính là hậu duệ đời thứ 7 dòng họ Phạm nổi tiếng của Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn. Biên kể: “Hồi mới ba, bốn tuổi em đã được bố mẹ đưa đi xem Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Từ đó đến nay, tính ra em cũng đã được xem lễ này khoảng 20 lần”.

Rồi Biên tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi trong những ngày ở Lý Sơn. Đảo Lý Sơn rộng chưa đầy 10 cây số vuông nhưng có tới gần 100 di tích và phần lớn đều gắn liền với Hải đội Hoàng Sa. Minh chứng rõ ràng nhất cho sự ngưỡng vọng của người dân Lý Sơn đối với các bậc tiền nhân chính là di tích Âm Linh tự. Đây là nơi thờ các dân binh của Hải đội Hoàng Sa đã gặp nạn hy sinh trên biển trong khi đang làm nhiệm vụ của triều đình. Đối với ngư dân Lý Sơn, trước mỗi chuyến ra khơi họ đều đến đây thắp hương làm lễ. “Ngư dân Lý Sơn đều tin rằng khi ra khơi họ sẽ được Hải đội Hoàng Sa phù hộ, che chở trước sóng to gió lớn. Đối với dân đi biển chúng em, điều này đã trở thành một thứ tín ngưỡng anh ạ!” – Biên tự hào nói với chúng tôi.

Chuyên nghiệp như một hướng dẫn viên du lịch, Biên dẫn chúng tôi đến tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ngay trên trục đường chính của đảo Lý Sơn.

Rời Nhà lưu niệm, Biên dẫn chúng tôi đến nhà cụ Võ Hiển Đạt ở xã An Vĩnh – nghệ nhân chuyên làm các thuyền câu để phục vụ cho Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Gần đến ngày lễ trọng nên nhà cụ Đạt nhộn nhịp khác thường. Đám thanh niên trong xã tụ tập đến xem và học cách cụ Đạt làm thuyền câu. Cụ Đạt giảng giải: “Những chiếc thuyền này chính là mô hình của loại thuyền câu mà 400 năm trước Hải đội Hoàng Sa dùng để vượt sóng ra Hoàng Sa cắm mốc và đo đạc thủy trình”.

Cụ Đạt giới thiệu với chúng tôi đệ tử chân truyền của mình là anh Phạm Văn Bổn. Anh Bổn theo cụ Đạt học nghề được 5 năm và đã làm được những mô hình thuyền câu theo đúng quy cách của người xưa để lại. Anh tự hào tâm sự: “Tục thả thuyền câu đã có từ hàng trăm năm nay và được xem là nghi thức chính của Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Trên thuyền câu còn có cả những hình nhân thế mạng. Các hình nhân này được làm rất có hồn. Do đó, chỉ cần nhìn vào các hình nhân trên thuyền là thấy được cái khí thế oai hùng của cha ông chúng tôi lúc dong thuyền đi mở biển cách đây 400 năm”.

Chia tay cụ Đạt, chúng tôi đến nhà ông Phạm Thoại Tuyền – người được Biên ví như là một “nhà sử học” của đảo Lý Sơn. Ông Tuyền là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật – người đã hy sinh trên quần đảo Hoàng Sa trong khi thực thi sứ mệnh của triều đình nhà Nguyễn đi cắm mốc chủ quyền và đo đạc thủy trình trên biển. Ngôi nhà ba gian đơn sơ của ông Tuyền treo đầy những bản đồ, hình ảnh và hiện vật về Hải đội Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành Hải đội Hoàng Sa và vai trò quan trọng của Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Lý Sơn. Theo lời ông Tuyền, vua Minh Mạng (1791 – 1841) đã từng ra chỉ dụ, trong đó có câu “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, có nghĩa là “Đối với lãnh hải nước ta thì Hoàng Sa là cực kỳ quan trọng”.

Ngày khai hội Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, khi những hồi ốc u thổi rền vang ngân dài khắp đảo Lý Sơn, từng dòng người từ khắp nơi quy tụ về đình làng An Vĩnh. Ban thờ chính được đặt trang nghiêm trước sân đình và quay ra hướng biển. Các bô lão thuộc lục họ (6 dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn) trang phục chỉnh tề, nghiêm cẩn tiến hành các nghi lễ để tưởng nhớ và tôn vinh Hải đội Hoàng Sa như: Lễ cầu siêu, lễ chánh tế, lễ thả thuyền câu thế mạng lính Hoàng Sa…

Theo lời cụ Võ Hiển Đạt, xưa kia các bậc tiền nhân vâng mệnh Triều đình đi cắm mốc và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Trùng dương cách trở, nhiều người chỉ đi mà không thấy về. Để tưởng nhớ những người đã nằm xuống, hàng năm vào khoảng tháng Hai âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Vì thế, họ tộc nào có người hy sinh ở Hoàng Sa cũng đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính. Dần dần, lễ thức này đã trở thành lễ thức chung của người dân Lý Sơn. Khao lề thế là lễ tế sống các dân binh với mục đích tôn vinh và tri ân những người lính dũng cảm, dám hy sinh thân mình vượt sóng ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi tối, dưới ánh đèn vàng của Nhà thờ Chánh suất đội thủy quân Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Biên đã kể cho chúng tôi nghe những dự định và hoài bão mong muốn được làm một cái gì đó thật ý nghĩa để tri ân công đức các bậc tiền nhân. Biên tâm sự: “Em đã thu thập được khá nhiều tư liệu, sau này ra trường em mơ ước sẽ làm được một bộ phim tái hiện lại hành trình bi hùng của Hải đội Hoàng Sa trong quá trình đi thực thi chủ quyền biển đảo của mình”.

Lời tâm sự đầy nhiệt huyết của chàng trai trẻ và tiếng ốc u rền vang lẫn trong tiếng sóng biển vọng về như đưa tôi quay trở lại với thời quá khứ xa xôi, ở đó có câu chuyện bi tráng mang đậm chất sử thi về những người dân binh miền biển, những người đã hi sinh thân mình nằm lại giữa biển khơi để gìn giữ biển trời thiêng liêng cho Tổ quốc ngàn sau.

Công Đạt

(Theo PLVN Xuân Giáp Ngọ)

Nguồn: vietnamnet.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.