Thứ sáu, 20/03/2020, 11:01 AM

Ngôi cổ miếu giữa nhánh sông Sài Gòn

(NTD) - Trong bộ ảnh chụp từ không trung của nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn - bạn tôi, có bức ảnh chụp một ngôi miếu nổi giữa sông rất đẹp. Nhìn từ trên không, ngôi miếu như một con tàu đang rẽ sóng...

Vậy là tôi quyết định đi tìm ngôi miếu độc đáo này. Từ chợ Gò Vấp đi đến cuối đường Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp) gặp mé sông Vàm Thuật (một nhánh của sông Sài Gòn) rẽ trái vào đường Trần Bá Giao là gặp bến đò đi Miếu Nổi (cạnh bến phà An Phú Đông).

Gặp ngày rằm hay lễ Tết thì nhà đò huy động cả một đội ghe đò hùng hậu cũng chở không xuể những đoàn khách thập phương nhộn nhịp đến cúng bái, may hôm tôi đi nhằm ngày thường (âm lịch) nên cũng khá thưa khách.

mieu
Đủ kiểu rồng chầu ở cổng chính.

Quả như ấn tượng ban đầu, nhìn tổng thể Miếu Nổi giống một con tàu giữa sông nước với lối kiến trúc đậm nét Việt - Hoa. Miếu Nổi là tên gọi dân gian mà người Sài Gòn vẫn quen gọi, thật ra miếu có tên Hán - Việt là “Phù Châu Miếu” (phù = nổi, châu = con đò).

Miếu được xây bao trùm lên một cồn đất nhỏ (diện tích miếu khoảng 600m2) nổi giữa sông Vàm Thuật (trước đây còn gọi là sông Bến Cát). Nổi bật ngay cổng vào là những cặp rồng được cẩn chạm bằng mảnh sứ kiểng, thủy tinh hết sức cầu kỳ và tinh xảo.

Nếu đếm hết thì khắp miếu có khoảng 100 con rồng lớn nhỏ, từ trên mái “lưỡng long tranh châu”, trên trần nhà, trên tường, rồng chầu bệ tượng cho đến những con rồng uốn quanh cột nhà... với rất nhiều tư thế trông thật uy mãnh.

mieu1
Máy bay bay qua nóc miếu.

Tương truyền mấy trăm năm trước chỗ dựng miếu chỉ là một cồn đất nhỏ nổi lên giữa sông. Một hôm có người chài lưới vớt được xác của một cô gái chết đuối bèn đem chôn ở trên cồn ấy. Từ đó, người ngư dân nọ ngày càng ăn nên làm ra, bèn dựng miếu thờ ngay trên phần mộ linh thiêng này. Lại có người cho rằng có một ngư dân vớt được pho tượng (cho là tượng bà Thủy Tề) ở khúc sông này. Sau, bà độ cho làm ăn khấm khá nên dựng lên miếu này...

Theo tài liệu của Ban quản lý Phù Châu Miếu thì cách đây hơn 200 năm (trước năm 1800), cái cồn đất giữa sông này là nơi cánh thương hồ thường ghé ngủ qua đêm, rồi có người mơ thấy 5 vị thần xưng là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ hứa sẽ độ cho buôn may bán đắt. Họ bèn dựng ngôi miếu nhỏ để thờ 5 bà Ngũ Hành...

Năm 1960, tác giả Huỳnh Minh viết trong cuốn Gia Định xưa có đoạn: “Tương truyền cách nay mười mấy năm, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu thường có cặp cá bông to lớn nổi lờ đờ trên mặt nước, mọi người trông thấy cho đó là cặp cá thần của bà cậu, đồng bào quanh vùng không ai dám đá động gì cả, mỗi lần nổi lên như vậy thì trong làng có chuyện lục đục không an, hoặc ra điều có người chết đuối dưới sông...”.

mieu2
Tiếp cận Phù Châu Miếu.

Năm 1945 miếu được lợp ngói âm dương, các cây cột bằng gỗ quý. Trước năm 1975, nơi đây nổi tiếng là chốn linh thiêng được người dân Sài Gòn tấp nập đến cúng bái. Tuy nhiên sau đó có đến 15 năm vì không có người trông coi nên ngôi miếu bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng...

Đến năm 1990, ông Lục Câu - một người gốc Hoa ở P.5, Gò Vấp đã vận động bà con trong vùng trùng tu lại ngôi miếu. Cái cồn đất năm xưa đã được bê tông hóa, người ta là bờ kè, đổ móng kiên cố rồi xây dựng các công trình kiến trúc lên đó. Năm 2017, UBND TP.HCM đã công nhận Miếu Nổi là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp thành phố.

Trong khuôn viên Phù Châu Miếu, du khách có thể ngồi nghỉ chân trên những ghế đá dưới bóng mát của cây xanh, nổi bật là gốc si cổ thụ hay cây chùm ruột chi chít trái. Điều đặc biệt là có khá nhiều đội quân “ăn theo” tín ngưỡng dân gian này, đó là những người bán vé số, coi bói (bói bài tây, chỉ tay, chữ ký...), bán con vật để phóng sinh (chim, rùa, cá, lươn, ếch...), bán của lễ... họ ngồi rải rác quanh khuôn viên miếu và luôn miệng chào mời khách.

mieu3
Phù Châu Miếu nhìn từ trên không. (Ảnh: Giản Thanh Sơn).

Tôi không tin bói toán nên không quan tâm, chỉ quan sát việc phóng sinh: Nếu là rùa thì thả vào một bể nước xi măng xây nổi trong sân miếu (có lưới B40 che trên miệng bể), ở đây có đủ loại rùa lớn nhỏ. Nếu là cá, lươn, ếch thì thả trực tiếp xuống sông Vàm Thuật.

Phù Châu Miếu nằm dưới đường bay hạ cánh của các phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất nên cứ vài phút là có một chiếc bay qua trên vòm trời Phù Châu Miếu, các tay thích chụp ảnh với bố cục gồm: Mái miếu, bầu trời và máy bay cứ việc cầm điện thoại mà canh, thế nào cũng có bức ảnh đẹp... Có điều, diện tích của miếu chỉ vỏn vẹn như thế (bốn bề là sông nước, không thể cơi nới mở rộng thêm ra), nên những ngày cúng vía, lễ Tết du khách nườm nượp thì đúng là... không có chỗ chen chân!

Không chỉ có một vị trí “độc nhất vô nhị” ở Sài Gòn, Miếu Nổi còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, một địa chỉ tâm linh để khách thập hương hành hương và “dập dìu tài tử giai nhân” đến ước nguyện duyên lành trong tiết xuân với lễ hội Rằm tháng Giêng vừa qua.

Có điều xin nhắc (bởi có khi người Sài Gòn chính gốc cũng còn nhầm) là Miếu Nổi khác với “chung cư Miếu Nổi” (chung cư này ở đường Vũ Huy Tấn, Bình Thạnh). Hai địa chỉ này nằm rất xa nhau dù cùng có chung địa danh “Miếu Nổi”. Nếu có đi, xin lưu ý kẻo... lạc đường!

Theo tài liệu của Ban quản lý Phù Châu Miếu thì cách đây hơn 200 năm (trước năm 1800), cái cồn đất giữa sông này là nơi cánh thương hồ thường ghé ngủ qua đêm, rồi có người mơ thấy 5 vị thần xưng là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ hứa sẽ độ cho buôn may bán đắt. Họ bèn dựng ngôi miếu nhỏ để thờ 5 bà Ngũ Hành...


Bài và ảnh: Hà Đình Nguyên

Bình luận

Nổi bật

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 17:04

(CL&CS) - Sáng ngày 11/5, Hội thảo "Điện mặt trời – Kỷ nguyên lưu trữ năng lượng" do công ty LITHACO tổ chức đã giới thiệu về Pin năng lưu trữ năng lượng và ứng dụng của dòng pin này trong đời sống.

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.