Thứ sáu, 17/01/2025, 13:30 PM

Nghiên cứu tăng mức chế tài xử phạt với vi phạm an toàn thực phẩm

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 15/01/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Trưởng Ban chỉ đạo) đánh giá cao ý kiến của các Bộ, ngành về tình hình, kết quả công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024. Nhìn chung, kết quả đạt được là đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả có thể lượng hóa được trên nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đến chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; tiếp tục đề xuất, tổ chức thực hiện có kết quả nhiều đề án, chương trình về bảo đảm an toàn thực phẩm...; tiếp tục khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó các cơ quan, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, đáng biểu dương như: công an, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, các cơ quan truyền thông tiếp tục có nhiều sáng kiến hiệu quả, tích cực góp phần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc chuẩn bị một số đề án còn chậm so kế hoạch đề ra.

Trên thực tế, số vụ vi phạm còn nhiều, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Nhận thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao. Công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi còn hạn chế...

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Về định hướng nhiệm vụ năm 2025, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025 là: (1) Tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; (2) Chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế là chủ lực, có sự tham gia của các ngành nông nghiệp, công thương, công an; (3) Tuyên truyền toàn diện hơn, chú trọng tuyên truyền về chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với vi phạm an toàn thực phẩm.

Trên tinh thần đó, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng Dự án Luật sau khi Đề nghị được chấp thuận, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay trong năm 2025, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như: phân định nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trong quý I năm 2025 để xử lý ngay các vướng mắc, bất cập đang rất cấp bách trong thực tế. Trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần quan tâm nội dung về chuyển đổi số.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, tập trung tuyên truyền về phòng ngừa, nâng cao ý thức người dân; chú trọng, tăng cường tuyên truyền về chế tài xử phạt. Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, nghiên cứu đề xuất về Kênh phát thanh an toàn thực phẩm, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tăng mức xử phạt với vi phạm an toàn thực phẩm

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I năm 2025; phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo chi tiết, đề xuất cụ thể về việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; tổ chức một cuộc họp riêng của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cho ý kiến về vấn đề này, nhất là về kết nối, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm được giao, bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Đề nghị các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có nhiều sáng kiến trong tổ chức quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo

Bộ Y tế chỉnh sửa nội dung về việc ban hành Kế hoạch công tác năm của Ban chỉ đạo theo hướng: Trên cơ sở thảo luận và kết luận chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch công tác năm của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo ban hành Kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo; hoàn chỉnh Dự thảo Quy chế và trình Trưởng Ban chỉ đạo ban hành trước ngày 18 tháng 01 năm 2025.

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Bộ Y tế chủ trì, soạn thảo, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ; trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15 tháng 01 năm 2025.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm phù hợp yêu cầu quản lý, theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế chủ động trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thực hiện theo quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thuý Đào

Bình luận

Nổi bật

Bỏ xe khi vi phạm có thể bị phạt 12 triệu đồng

Bỏ xe khi vi phạm có thể bị phạt 12 triệu đồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/01/2025, 13:22

(CL&CS) - Từ tháng 1/2025, người thực hiện hành vi bỏ xe khi vi phạm giao thông có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng với cá nhân, từ 8 triệu đến 12 triệu với tổ chức và tính lãi tiền phạt.

Chương trình hành động của Chính phủ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

sự kiện🞄Thứ tư, 15/01/2025, 08:49

(CL&CS) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Hà Nội: 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn xảy ra được tiếp nhận, xử lý

Hà Nội: 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn xảy ra được tiếp nhận, xử lý

sự kiện🞄Thứ ba, 14/01/2025, 10:40

(CL&CS) - UBND thành phố chỉ đạo rà soát 100% các cơ sở, hộ gia đình để đảm bảo nơi nào có người dân sinh sống đều được kiểm tra, phân loại để xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể.