Media chất lượng & cuộc sống
Chủ nhật, 25/07/2021, 12:14 PM

Ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định

(CL&CS)- Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 24/7- ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, một số chợ và siêu thị, người dân dậy sớm đi mua thực phẩm đông hơn những ngày trước đó.

Được sự giải thích của các tiểu thương tại chợ truyền thống và của các siêu thị về việc sẵn sàng bán hàng trực tiếp và online, nên phần lớn người tiêu dùng chỉ mua thực phẩm vừa đủ dùng.

Tại nhiều chợ, lực lượng chức năng đã nhắc loa tại chợ và các khu vực tập trung đông người nơi công cộng, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm quy định mới.

Trước thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách từ 6h ngày 24/6, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đi chợ từ sáng sớm, mua thực phẩm và rau xanh, chủ yếu ra rau củ quả, bí xanh để được dài ngày. 

2633_thuc_pham

Tại chợ Mai Động, quầy thịt bò khá nhộn nhịp, khách hàng đến mua đông hơn thường ngày một chút. Chị Hoa- tiểu thương chợ Mai Động tay thái thịt bò cho khách và liên tục giải thích: “Bà con yên tâm, chúng tôi bán hàng quanh năm, không cần phải mua tích trữ, chiều và sáng mai là có hàng sẵn. Thậm chí, bà con chỉ cần “alo” là có sẵn hàng. Giá cả thịt bò cũng như ngày thường, phổ biến từ 180.000 đồng/kg đến 250.000 đồng/kg tùy loại”.

Còn quầy thịt gà ở chợ Nguyễn Khắc Cần cũng đông khách. Theo các tiểu thương, hôm nay ngày rằm nên khách đến mua để thắp hương chứ không hẳn do giãn cách xã hội. Chị Mai Anh- tiểu thương tại đây chia sẻ, chúng tôi bán hàng quanh năm, lấy uy tín và giữ khách hàng chứ không phải vì lượng khách đông mà tăng giá. Người tiêu dùng không cần đến cửa hàng, chỉ cần gọi điện thoại là gà được làm sạch và mang đến tận nơi. Giá gà ta lông hôm nay tại các chợ dân sinh phổ biến ở mức 130.000 đồng/kg. Còn giá thịt lợn ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại.

thumb_660_f33e39fc-6778-4e71-9a0f-72cbe77e9323

Tại một số chợ truyền thống khác như: chợ 8/3, Kim Liên, Trung Hòa, Thành Công,… người dân đi chợ đông hơn ngày thường khoảng 10-20%. Hàng hóa phong phú, không thiếu hàng. Giá rau cải 5 nghìn/mớ; mướp 8 nghìn/kg (như ngày thường); bí xanh 25 nghìn/kg cao hơn tuần trước 8k/kg; su su 15 nghìn đồng/kg; bắp cải 20 nghìn đồng/kg (đắt hơn siêu thị 5 nghìn đồng/kg).

Tại chợ Tư Đình (Long Biên), chị Vũ Thị Nhung- tiểu thương bán thịt lợn ở cho biết, lượng khách mua đông hơn. Hôm nay tôi mổ 2 con lợn hơn 200kg đến 7h sáng đã gần hết hàng, chiều lại mổ tiếp 2 con, giá bán như ngày thường. Bán hàng quanh năm, khách mua ủng hộ là tốt rồi nên chị không tăng giá, kể cả đợt dịch năm ngoái ở Hà Nội chị cũng giữ giá bán phục vụ khách.

Tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) , lúc 8h30 sáng, nhiều quầy thịt lợn đã gần hết. Người mua thịt nườm nượp. Đáng chú ý, thay vì người dân mua vài lạng thịt đủ ăn hàng ngày thì sáng nay, đa số người mua chọn liền một lúc mấy kg, gồm: sườn, thịt mông, nạc xay… 

Tại quầy rau quả, cũng khác với mọi ngày, mặc dù thời điểm trên rau quả vẫn còn khá nhiều nhưng đa số người mua đều mua số lượng lớn. Khách hàng thường mua luôn 1kg, vài kg bí xanh, khoai tây, bầu. Rau ăn lá như rau cải mơ, rau muống… hết từ sớm. Giá rau xanh không có biến động.

Trong khi đó, tại chợ làng Văn Nội, Chợ Cổng ( Phú Lương- Hà Đông), Chợ Xốm lượng người đi chợ buổi sáng khá đông và các quầy hàng bán thịt, rau xanh, đậu phụ, bún, trứng khá đắt hàng. Nhiều hàng đến 10h30 là hết hàng. Nhiều quầy thịt mổ đến 2-3 con. Người mua thường mua từ 1-3kg rất nhiều. Giá thịt lợn tại các chợ có giá ổn định. 

Về mặt hàng rau xanh tại chợ khá phong phú, rau muống 5 nghìn đồng/1 mớ; Mướp 10-15 nghìn đồng/1kg; giá đỗ 20 nghìn đồng/1kg; bí xanh 20-25nghìn đồng/1kg; khoai tây 20-25 nghìn đồng/1kg; bí đỏ 15-20 nghìn đồng/1 kg tuỳ loại. Trứng vịt 40 nghìn đồng/1 chục; trứng gà công nghiệp 35-45 nghìn đồng/1 chục; trứng gà so 45 nghìn đồng/1 chục.

thumb_660_22b94752-9b5b-4b78-bebc-db9229da8cd8

Còn tại các siêu thị như hệ thống cửa hàng thực phẩm Coopmart và siêu thị Coopmart Hà Đông lượng khách hàng đến mua sắm bình thường, khách vào chủ yếu mua thực phẩm, rau xanh. Trong sáng nay, ghi nhận thấy mặt hàng tươi sống, các loại thịt, thuỷ hải sản sức mua tăng hơn. 

Tại siêu thị Big C Thăng Long sáng nay, lượng hàng hóa liên tục được nhân viên bổ sung vào các kệ hàng. Lượng người vào siêu thị mua hàng ở mức như ngày thường, riêng đối với mặt hàng trứng, siêu thị quy định người mua không quá 3 vỉ/ngày. Tương tự, tại một số siêu thị như: Vinmart Võ Thị Sáu, VinMart+ … lượng khách đến mua sắm bình thường. Các siêu thị đều cho biết, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Nguồn cung thực phẩm liên tục được nhân viên các siêu thị bổ sung lên kệ. Hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.

Trao đổi với báo chí, ngày 24/7, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tái khẳng định, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên từ 3 - 5 lần và làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung phục vụ người dân trong mọi tình huống. 

Theo bà Lan, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. 

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng", bà Phương Lan nêu rõ. 

Hiện hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng. 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Ban tin CL&CS: Thăm nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Ban tin CL&CS: Thăm nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:10

(CL&CS) - Những nội dung chính: Thăm nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; Hà Nội thành lập 5 tổ công tác đặc biệt; Lừa đảo qua mạng: Chuyện không mới nhưng vẫn gây nhức nhối; Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Bản tin CL&CS: Ứng dụng công nghệ đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Bản tin CL&CS: Ứng dụng công nghệ đẩy mạnh cho vay trực tuyến

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 14:44

(CL&CS) - Những nội dung chính: Ứng dụng công nghệ đẩy mạnh cho vay trực tuyến; Doanh nghiệp thủy sản Việt tự tin chiếm lĩnh các thị trường khó tính; Tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện hóa đơn điện tử sau từng lần bán đối với xăng dầu; Đẩy mạnh công nghệ trong công tác quản lý mỹ phẩm.

Bản tin CL&CS: Ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Bản tin CL&CS: Ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:01

(CL&CS) - Những nội dung chính: Ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Hơn 800 thương hiệu quốc tế dự triển lãm VPPE và EMA Vietnam 2024; Tiện lợi cho người dân khi sử dụng tài khoản VneID để truy cập dịch vụ công; Những nét mới của Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024.