Dữ liệu cũ
Thứ năm, 01/10/2020, 13:48 PM

Ngành logistics tích cực chuyển đổi số hậu Covid-19

(CL&CS) - Khi dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống thì các hoạt động xuất khẩu tái đẩy mạnh kéo theo các dịch vụ vận chuyển cũng sẽ phát triển để phục vụ. Đồng thời trong bối cảnh chuyển đổi số đồng loạt như hiện nay, ngành dịch vụ logistics cũng không đứng ngoài cuộc.

z2103664704613_3590817bddc023831c8e9c2fe7f6e4a4
Các chuyên gia đầu ngành cùng thảo luận về việc chuyển đổi số của ngành logistics tại hội thảo "Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số" ngày 30/9. Ảnh: Nguyễn Ngọc 

Tại hội thảo "Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số" do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức vào sáng 30/9 tại TP.HCM, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư kí VLA cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

"Dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics - xương sống của chuỗi cung ứng", ông Tương nói.

Không thể phủ nhận, ngành logistics trong nước đã có những bước tiến nhất định trong tiến trình chuyển đổi số khi 50% - 60% doanh nghiệp ở hầu hết các dịch vụ đang ứng dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo qui mô và tính chất của từng dịch vụ để “sáp nhập” vào nền kinh tế số. 

Tuy vậy, nếu muốn chuyển đổi số dài hạn và đạt hiệu quả cao hơn, doanh nghiệp cần phải định hình và xây dựng một lộ trình chuyển đổi số đúng hướng và mang tính tổng hợp hơn. Để làm được điều này, việc quản trị tốt các rủi ro về thị trường và rủi ro về pháp lý là điều cần được chú trọng.

Hiện chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn, dao động từ 200 triệu đến hàng chục tỉ đồng cho việc triển khai các giải pháp logistics. Trong khi đó, khoảng 97% doanh nghiệp logistics nói chung là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu vốn đầu tư, vì vậy mà việc chuyển đổi số là rất khó.

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, hiện có khoảng 40% doanh nghiệp ngành logistics ở Việt Nam thực hiện chuyển đổi số nhưng trong đó chỉ thực hiện các bước cơ bản và chưa thực sự đồng bộ. Đồng thời ông Dũng còn ví việc chuyển đổi số của ngành này như đem điện về nông thôn khi mà người dân nghèo không có thiết bị sử dụng điện. Cũng giống như hiện nay ngành logistics dù muốn chuyển đổi số nhưng vừa thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất cũng như thiếu cả nhân lực có đủ chuyên môn để vận hành quá trình chuyển đổi.

“Năm 1994, vận chuyển một container hàng LCL từ Việt Nam sang Hong Kong có thể lãi 4.000 USD nhưng sau 10 năm chỉ lãi 60 USD và không có tiền cước, thậm chí có khi vận chuyển với cước phí 0 đồng. Tỷ suất lợi nhuận của công ty logistic Việt Nam rất thấp”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, một số nguyên nhân khách quan khác như việc thiếu kho trung chuyển ở các địa phương, chi phí nhiên liệu tăng cao, nhiều loại phụ phí và kiểm tra chồng chéo, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các phương tiện, thiết bị lạc hậu, trong khi các doanh nghiệp còn chậm chuyển đổi số… cũng là những nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao nhưng doanh nghiệp lại không lãi nhiều.

Để khắc phục khó khăn cho ngành trong quá trình phục hồi sau dịch, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết sẽ kết hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) thành lập một công ty cộng đồng để phát triển một nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của VIDA trong kinh doanh hàng ngày.

Trong nền tảng số sẽ ứng dụng công nghệ blockchain và các công nghệ khác với sản phẩm đầu tiên là lệnh giao hàng điện tử cho hàng lẻ đóng trong container chung chủ và vận đơn điện tử.

Về vấn đề pháp lí, luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật VLA cho rằng một số doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động xuyên quốc gia đã áp dụng chuyển đổi số ở mức khá cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể học kinh nghiệm để từng bước thay đổi, áp dụng. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quan tâm về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm - xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp). 

Nguyễn Ngọc 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.