Thứ bảy, 26/08/2023, 14:49 PM

Lương tối thiểu vùng năm 2024: Bao nhiêu là phù hợp?

(CL&CS) - Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp. Đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu là 5%-6%. Trong khi đó, đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn chưa điều chỉnh tăng lương.

Đại diện người sử dụng lao động mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: HA

Đại diện người sử dụng lao động mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: HA

Thế khó cho doanh nghiệp

Trong hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Từ năm 2020 đến giữa 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng Covid-19. Lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng. Theo đó, hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Cho ý kiến tại phiên họp đầu tiên xem xét về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn tại Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm so với cùng kỳ 2022 như: dệt may, linh kiện điện tử, tôn thép các loại, dăm gỗ, tinh bột sắn; xơ sợi dệt các loại, bột đá,...

Đặc biệt, bên cạnh việc tuyển mới lao động, tình trạng công nhân nghỉ việc vẫn diễn ra, số người lao động nghỉ việc nhiều hơn hoặc gần bằng số lao động các công ty tuyển mới, tình trạng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có số lao động biến động hàng tháng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc người lao động bị cắt giảm giờ làm là do các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị, doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, trong khi hàng sản xuất ra tồn kho nhiều...

Dự báo trong giai đoạn tới, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, số lượng việc làm trong khu vực chính thức càng ngày càng giảm, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn chưa có dấu hiệu khả quan. Các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn rất lớn, với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại lớn dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp; việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn; kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng là những yếu tố tác động bất lợi đến thị trường lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Từ thực tế này, đại diện người sử dụng lao động mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

“Hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ để có thể thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu. Việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ tác động đến việc tăng giá cả sinh hoạt do đó cũng ảnh hưởng đời sống của người lao động, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để tháo gỡ các khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm hồi phục”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đề xuất tăng 6-8%

Khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động trong tháng 10 và 11/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn với hơn 6.000 công nhân đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của người lao động trong khu công nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% người lao động không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, có 12,3% người lao động đã từng rút Bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.

Cũng theo khảo sát, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,2 giờ/tháng.

Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thu nhập của người lao động chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Vì thế, đại diện cho phía người lao động – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, mức tăng từ 6 – 8%.

“Ở góc độ tổ chức bảo vệ NLĐ chúng tôi cũng rất chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp và giới sử dụng lao động cũng hiểu được những khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt. Lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng bao nhiêu thì thông qua đối thoại thương lượng trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu sẽ có mức phù hợp trong bối cảnh hiện nay. NLĐ muốn thời điểm tăng lương từ ngày 1/1/2024”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.