Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 29/12/2017, 19:53 PM

Lợi dụng cổ phần hóa, gây thiệt hại tài sản Nhà nước

(NTD) - Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là chủ trương đúng, nhưng vừa qua một số doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng các kẽ hở để thâu tóm hàng loạt lô đất có giá trị cao, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

 6.700 m2 đất “vàng” được bán với giá gần 34 tỷ đồng

Khu đất 83 Hào Nam vốn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV In và Văn hoá phẩm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tuy nhiên, sau CPH, tại đây đang triển khai xây dựng Dự án Khu hỗn hợp nhà ở, thương mại và văn phòng 83 Hào Nam (Sapphire Tower) do Công ty CP Đầu tư Văn Phú-Invest làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái ký Quyết định số 4231/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án CPH Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm, bán toàn bộ vốn Nhà nước tại đây và đổi tên thành Công ty CP In và Văn hóa phẩm. Ngoài lô đất rộng 6.700m2 tại 83 Hào Nam, DN này còn quản lý một số mảnh đất, như: Lô đất rộng 768m2 tại Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội) là đất thuê 20 năm (1996-2016); lô đất 9.555m2 tại An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) là đất thuê 30 năm (2003-2033).

Tuy nhiên, 10 ngày sau khi công bố thông tin CPH, đến ngày 22/12/2014, chỉ duy nhất một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Thương mại miền Bắc. Ngày 08/01/2015, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp tục ký quyết định phê duyệt mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là 10.025 đồng/cổ phiếu (chỉ cao hơn 25 đồng so với giá khởi điểm đưa ra). Nhờ đó, Công ty CP Thương mại miền Bắc chỉ phải chi gần 34 tỷ đồng để sở hữu khu đất "vàng" tại 83 Hào Nam và hàng loạt mảnh đất khác.

Trong khi đó, khảo sát thị trường bất động sản khu vực Hào Nam, giá đất mặt đường lớn dao động khoảng 200 triệu đồng/m2. Khu đất này theo giá thị trường có thời điểm lên tới hơn 1.300 tỷ đồng, chưa kể các lô đất tại vị trí khác thuộc quyền quản lý của công ty. Qua việc này, dấu hỏi lớn về thất thoát tài sản Nhà nước được đặt ra.

Du an Sapphire Tower tai 83 Hao Nam

Phối cảnh dự án Sapphire Tower tại 83 Hào Nam (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Long

Nhiều điểm bất thường

Chỉ một năm sau, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016 của Công ty CP Thương mại miền Bắc (tháng 2-2016), DN này bất ngờ quyết định giải thể. Lý do giải thể ghi trong nghị quyết do Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn ký rất chung chung: "Công ty chưa thống nhất cao trong kế hoạch kinh doanh thời gian tiếp theo". Cũng từ thời điểm đó, vị trí cổ đông chiến lược được "sang tay" cho Công ty CP Đầu tư Văn Phú-Invest (một công ty bất động sản cũng do ông Tô Như Toàn làm chủ tịch).

Ngày 08/01/2015, Ban chỉ đạo CPH đã ký biên bản thỏa thuận về số CP và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Thương mại miền Bắc. Tuy nhiên, đến tận tháng 12/2015 mới chào mời các nhà đầu tư chiến lược nộp hồ sơ tham gia và phê duyệt phương án CPH và chỉ duy nhất Công ty CP Thương mại miền Bắc tham gia. Điều này là trái với Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định số lượng CP, giá bán CP cho nhà đầu tư chiến lược được thỏa thuận trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày phương án CPH được phê duyệt. Với việc ký thỏa thuận trước rồi mới mời thầu, phải chăng Bộ VH-TT&DL đã “chỉ định” chọn lựa duy nhất một đối tác “ruột” của mình?

Bên cạnh đó, khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Bộ VH-TT&DL đưa ra bộ 10 tiêu chí khắt khe, đặc biệt, phải có đủ năng lực tài chính: Vốn chủ sở hữu tối thiểu 300 tỷ đồng vào năm 2013 và thực góp đủ vốn (có lãi liên tiếp trong ba năm 2011-2013 và tỷ suất lợi nhuận trên 10%, có kinh nghiệm trong ngành in tối thiểu 15 năm. Nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng số CP mua được trong thời gian tối thiểu 5 năm và có kinh nghiệm trong ngành tối thiểu là 15 năm đối với các DN hoạt động trong ngành in).

Mặc dù vậy, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Công ty CPThương mại miền Bắc mới thành lập 10 năm, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, vốn điều lệ vào đầu năm 2016 là 89 tỷ đồng và còn không đạt nhiều tiêu chí khác.

Ngoài ra, theo phương án CPH, 90 ngày sau khi chuyển thành công ty CP, Công ty In và Văn hóa phẩm phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, sau đó một năm phải đăng ký niêm yết trên các sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đã gần 3 năm sau khi trở thành công ty CP, không có động thái nào cho thấy Công ty In và Văn hóa phẩm sẽ sớm minh bạch hoạt động. Công ty cũng không chú trọng vào phát triển lĩnh vực in ấn mà chỉ tập trung triển khai dự án Sapphire Tower tại 83 Hào Nam với quy mô 1 tháp chung cư và 30 căn biệt thự, tổng mức đầu tư là 750 tỷ đồng.

Trước nhiều điểm bất thường trong quá trình CPH nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra làm rõ, tránh để ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.

Theo Minh Cường - QĐND

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.