Dữ liệu cũ
Thứ hai, 15/01/2018, 14:32 PM

Lênh đênh những phận đời vạn chài bên cầu Khe Thơi

(NTD) - Thất nghiệp, đói khổ, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng những người dân vạn chài từ đời này qua đời khác. Cuộc sống của họ bấp bênh, chới với như chính những con thuyền mà họ lấy làm nhà gặp sóng cuộn dữ dội nơi giao nhau giữa dòng sông Lam và Khe Thơi.

Xóm vạn chài lênh đênh sông nước

Chúng tôi tìm về xóm chài Piềng Chữ, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông) vào một ngày cuối năm rét mướt. Ở nơi mà “phận thuyền trôi”, làng chài chỉ biết “bấu víu” vào dòng sông để mưu sinh qua ngày. Bao đời nay, cuộc sống của dân chài này chới với, chênh vênh như chính những chiếc thuyền gặp sóng dữ nơi Khe Thơi đổ vào dòng con sông lớn nhất xứ Nghệ.

1 (1)
“Xóm” vạn chài dưới chân cầu khe Thơi

Đứng nhìn từ trên quốc lộ 7, làng chài Piềng Chữ nằm lọt thỏm, khép nép dưới chân cầu Khe Thơi. Nơi đây, cuộc sống của người dân làng chài chưa bao giờ được một ngày yên bình vì “miếng cơm manh áo”.

Nói là xóm chài nhưng thực chất ở đây chỉ khoảng 5-6 nhà thuyền tạm bợ, nổi trên sông nước, các hộ dân sống lay lắt qua ngày. Tất cả đều không có đất canh tác và đất ở trên bờ, nên nghề chính của họ chính là nghề chài lưới trên dòng sông Lam. Cái nghề “câu cơm” duy nhất ấy hiện nay càng vất vả, đói kém vì hai dòng sông bị ô nhiễm, tôm cá ngày càng ít… Cuộc sống vốn đã nghèo, nay lại càng thêm khốn khó, cơ cực.

2 (1)
Những căn nhà lênh đênh phía dưới chân cầu 

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai những người dân chài. Mùa đông họ lo cái ăn, còn cứ đến hè, từ đầu mùa mưa, bão gió đã luôn chầu chực như muốn “nuốt” chửng con thuyền nơi che mưa che nắng của họ. Chị Chu Thị Bắc (SN 1977), một người dân xóm chài Piềng Chữ cho biết, vốn quê Phù Sơn (huyện Tân Kỳ), cha mẹ chị cũng từng làm nghề chài lưới. Gia cảnh khó khăn nên năm 1993, cha mẹ chị đành gạt nước mắt rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” lên gia nhập xóm chài này.

Nhiều năm qua, chiếc bè bé tẹo rộng chừng 8m2 của vợ chồng chị Bắc là nơi sinh sống của tất cả 5 thành viên trong gia đình. Ở cái thuyền bé ấy, gia đình chị chia ra nơi thì làm bếp, nơi thì làm chỗ ăn, nơi thì ngủ… Mọi thứ hỗn độn trong cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng.

Trước đây, vợ chồng chị Bắc chủ yếu làm nghề chài lưới trên khúc sông Lam dọc huyện Con Cuông, có khi lên tận Khe Bố (huyện Tương Dương) để mưu sinh qua ngày, đoạn tháng. Nhưng rồi nguồn cá càng ngày càng khan hiếm, năm 2005, chị Bắc và chồng quyết định nuôi cá lồng bè những mong cuộc sống đỡ vất vả.

3 (1)
Vợ chồng anh Minh cùng đứa con trai bệnh tật thường xuyên phải nghỉ học

Cách bè cá của gia đình chị Bắc không xa, gia cảnh vợ chồng anh Trần Văn Thắng (SN 1975) và chị Nguyễn Thị Văn (SN 1980) cũng chẳng khấm khá hơn. Vợ chồng anh chị sinh được hai con (1 trai, 1 gái) nhưng dù chăm chỉ làm lụng sớm tối vẫn không đủ ăn. Niềm an ủi của vợ chồng anh chị là cả hai đứa con đều chăm ngoan, học giỏi. Cô con gái đầu lòng là cháu Trần Thị Ký (hiện đang học lớp 12) nhiều năm liền đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Không một “tấc đất cắm dùi” nên vợ chồng anh Thắng chỉ biết dựng bè làm nhà ở, dưới nuôi cá. Vậy mà những năm gần đây, thủy điện đóng – xả nước thất thường khiến những lồng, bè nuôi cá của ngư chài dọc sông Lam (trong đó có những bè cá của những hộ dân xóm chài Piềng Chữ) chết hàng loạt. Bỗng chốc, ngư chài trắng tay. Họ chỉ biết khóc ròng và than trời. “Dân chài lưới chỉ biết nhờ sông nước, vì cá tự nhiên khan hiếm nên mấy hộ dân sống nơi làng chài này phải chuyển sang nuôi cá lồng bè. Vậy mà thủy điện lại đóng mở thất thường khiến nước sông Lam có khi cạn trơ đáy, những con cá nuôi nhốt trong lồng cứ thế mà chết khiến chúng tôi trắng tay”, anh Thắng nói rồi nhìn những lồng, bè nuôi cá bỏ không mà than thở.

4 (1)
Ở tuổi gần đất xa trời, bà Quang vẫn chưa thể có được “tấc đất cắm dùi”

Mơ ước được đổi đời

Chính đói nghèo triền miên khiến sự học của những đứa trẻ nơi đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ đang tuổi ăn tuổi học nhưng thay vì đến trường thì phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

Không nói đâu xa xôi, đứa con trai đầu của chị Chu Thị Bắc (năm nay 20 tuổi) nhưng không biết mặt chữ vì thất học. Hàng ngày, nó chỉ biết theo bố chèo thuyền đi dọc sông Lam chài lưới mưu sinh.

Khi chúng tôi ghé thăm, cháu Chu Văn Sáng (SN 2004) con anh Chu Văn Minh, là đứa trẻ duy nhất có mặt tại xóm chài. Anh Minh cho biết Sáng hiện đang học lớp 7 nhưng vì bị hen suyễn từ nhỏ, lại không có tiền chữa trị nên cháu thường xuyên phải nghỉ học. “Cuộc sống giờ chỉ biết trông chờ vào mấy con cá do câu, thả lưới được để đắp đổi qua ngày. Lo nhất là những lúc mưa, bão thuyền bè trôi mất không có chỗ ăn, ở. Suốt năm này qua năm khác, gia đình tôi cũng như những hộ dân xóm chài này chỉ mong được mảnh đất cắm dùi, thoát cảnh lênh đênh sông nước", anh Minh mong mỏi.

5 (1)
“Cần câu cơm” của một gia đình vạn chài dưới chân cầu Khe Thơi

Là cư dân nhiều tuổi nhất xóm chài này, bà Nguyễn Thị Quang (SN 1950) là người mong mỏi ngày được lên bờ hơn ai hết. Bà cho biết quê ở Thanh Văn (huyện Thanh Chương). Vợ chồng ông bà lên đây lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2014, người bạn đời của bà Quang đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Do gia cảnh khó khăn, lại là dân vạn chài nên năm nay dù đã 35 tuổi nhưng anh Nguyễn Đình Hợi (con trai út bà Quang) đến giờ vẫn “ế”.

“Nghề vạn chài sống theo con cá, ngày mô kiếm được thì có cơm ăn, không thì đói. Tôi giờ đã già yếu rồi, chỉ mong một ngày được lên bờ để thoát khỏi cảnh sống trên thuyền lúc nào cũng nơm nớp lo lật thuyền vào những ngày mưa bão, con cháu thoát cảnh thất học”, bà Quang nói rồi nhìn lên bờ, nơi có những mái nhà kiên cố khuất sau rặng tre mà sầu tủi khi nghĩ đến cảnh ngộ của mình.

Bao giờ thì những phận người sống lênh đênh sông nước được đổi đời?

Bài, ảnh: Duy Ngợi

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.