Dữ liệu cũ
Thứ hai, 29/05/2017, 10:53 AM

Kiên Giang: Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng vùng biển sát sân bay quân sự Hải quân vùng 5

(NTD) - Thông tin mới nhất mà PV Báo Người Tiêu Dùng vừa nhận được, hoạt động hút cát nạo vét luồng tàu vào quân cảng đã gây sạt lở nhiều km tại khu vực bãi biển sát Sân bay quân sự Hải quân Vùng 5. Hiện tại, một số cán bộ chiến sĩ đang tiến hành gia cố lại tuyến bờ kè này vì có nguy cơ gây sạt lở sâu vào đất liền.

Nghiêm trọng hơn, cồn cát nằm cạnh bãi biển sát Sân bay quân sự Hải quân Vùng 5 (Cồn Dương) đã không còn nữa. Hoạt động hút cát rầm rộ ngày đêm tại khu vực này khiến Cồn Dương biến mất khiến người dân huyện đảo Phú Quốc hết sức lo ngại. Hàng loạt tàu công suất lớn xếp hàng dài ngày đêm tại khu vực này chờ "ăn cát" để xuất sang Singapore.

Không có cát dùng, vẫn đưa cát bán?

"Đồng ý rằng vì mục đích quốc phòng nên phải nạo vét luồng tàu, nhưng chúng tôi mong muốn nếu được phép khai thác, tận thu cát, thì Phú Quốc có thể được sử dụng lại để san lấp mặt bằng hoặc bù lấp cho những bãi biển du lịch còn đang thiếu hụt cát", ông Hưng nói.

Theo thống kê mới đây, tại tỉnh Kiên Giang, đê biển trên địa bàn từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh bị xói lở nghiêm trọng, diện tích đất rừng đang đứng trước nguy cơ bị nước biển xóa sổ, vì vậy, diện tích đất ngày càng thu hẹp. Tất cả các nơi này đều cần được bồi đắp nhưng không có cát để bồi.

Tuy nhiên, nghịch lý là tỉnh Kiên Giang lại có cát xuất khẩu, mà xuất khẩu với giá rẻ bèo! Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cát sang Singapore, giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Chỉ tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, có tổng cộng hàng chục tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hàng ngàn tấn.

DSC_5233
Tàu lớn đang chờ hút cát

Khai thác cát không những gây sạt lở mất đất đai, nhà cửa, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu vực ven biển, mà thực tế còn cho thấy, khai thác cát vô tội vạ gây sạt lở đã khiến lãnh thổ nước ta bị thu hẹp diện tích đất tự nhiên. Chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm đã bị mất 5km2 do sạt lở.

PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Mình tạo ra sự phát triển về mặt kinh tế hay dân sinh, công nghiệp... thì phải có những hy sinh về mặt môi trường. Tuy nhiên, mình phải hết sức cân nhắc. Vừa qua, chúng ta khai thác quá mức của thiên nhiên thì chúng ta phải trả giá, mà giá phải trả là phải tính vào giá thành chúng ta đầu tư; đồng thời cũng nên xem xét lại là vừa qua, cũng cấp một số phép xuất khẩu cát. Điều này rất vô lý, là trong khi đồng bằng mình đang ngày càng tan rã, mà mình đi lấy cát để bán qua Singapore.

DSC_5240
Hàng chục tàu thuyền chờ hút cát

Tại sao Singapore không cho khai thác cát mà lại còn mở rộng lãnh thổ ra? Trong khi chúng ta không bồi đắp, lại còn bán đi. Cho nên nếu cần, thì mình phải nhập khẩu cát. Vẫn có thể khai thác cát trong nước chứ không phải cấm hoàn toàn. Nhưng phải thận trọng trong đánh giá tác động môi trường. Phát triển kinh tế bao giờ cũng phải đánh đổi, nhưng đừng quá mức. Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất 500 ha đất. Mất là không lấy lại được. Vì thế, phải cân nhắc khi chúng ta lấy cát để san lấp một khu nào đó. Ví dụ như tôi biết, một số địa phương cho phép đầu tư sân golf, mà như vậy thì phải thổi cát lên. Dự án này đã lấy cát, làm mất đất chỗ khác, nay đến đây lại thổi cát lên nữa, rất phí, nhưng cũng chỉ để phục vụ một số ít người lắm tiền nhiều của. Chưa kể, việc thổi cát còn gây ra ô nhiễm nguồn nước... Theo dư luận, những đầu tư đó là thiếu thận trọng, đã từng phải trả giá ở những vùng khác. Vì thế, chúng ta có cần phải đánh đổi để tiếp tục cho hút cát vô tội vạ ở Phú Quốc hay không?

DSC_5211

                                                        Bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng

Phản đối tận thu cát

Vào chiều 25/5, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại phiên họp tổ kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lại vấn đề khai thác cát lậu. "Báo chí đăng đã xuất qua Singapore 67 triệu m3, còn khai thác cát lậu trong nước bao nhiêu?", ông Nghĩa nêu.

“Chính phủ phải kiểm điểm lại 10 năm qua vấn đề khai thác cát ai ra chủ trương, chủ trương đúng hay sai? Nếu chủ trương đúng nhưng làm sai, thì ai chịu trách nhiệm”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông Nghĩa, cần phải làm rõ lợi ích thu được từ khai thác hàng trăm triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 bán qua Singapore. Số tiền này "chui" vào túi ai và đi vào ngân sách được bao nhiêu? Quan trọng hơn, cái giá phải trả cho việc hút hàng trăm triệu tấn cát như thế nào? 

“Tăng GDP nhưng đánh đổi bằng những hậu quả mà báo chí vẫn đăng chuyện xóm này xóm kia bị sạt lở, hàng chục căn nhà bị cuốn xuống sông, biển. Nghe nói nhiều bí thư, chủ tịch các địa phương ủng hộ nhưng cũng có nhiều người không muốn khai thác cát, còn Bộ thì cấp phép cho tư nhân”, ông Nghĩa nói thêm. 

DSC_5257
Cận cảnh những chiếc tàu cùng với máy khoan, ống hút đang sẵn sàng tận thu cát

Còn nhớ, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang ngày 30/11/2016, ông Nguyễn Văn Nam - cử tri khu phố 1, thị trấn An Thới, nói khá gay gắt: “Chúng ta cứ so sánh là diện tích Phú Quốc tương đương Singapore, nhưng số liệu mới nhất cho thấy diện tích của họ cứ lớn dần lên, gần 700km2 rồi. Sở dĩ Singapore mở rộng diện tích là nhờ mua cát từ các quốc gia lân cận. Nhiều nước đã ngưng xuất khẩu sang Singapore, nhưng tại sao Việt Nam vẫn xuất khẩu?”.

Còn ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết rất tâm tư trước vụ việc cát ở Phú Quốc vẫn đang chảy sang Singapore. Theo ông Hưng, địa phương đã có kiến nghị cho tạm dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài, tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất của địa phương và phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ông Hưng bày tỏ mong muốn có thể được sử dụng lại chính cát của Phú Quốc để phục vụ cho mục đích của địa phương. Theo ông Hưng, việc tiếp tục khai thác, nạo vét tận thu cát có thể sẽ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các khu vực khác.

DSC_5201
Sạt lở tại tuyến bờ kè

"Nguyên lý trong khai thác cát là vậy, nạo vét chỗ này sẽ sạt lở chỗ khác", ông Hưng lo lắng. Chình vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc mới có mong muốn được giữ lại cát để bồi lấp cho những khu vực bị sạt lở hoặc những bãi biển còn đang thiếu cát.

Theo ông Hưng, nhu cầu sử dụng cát của Phú Quốc vẫn rất lớn, hơn nữa, yêu cầu bồi lấp lại những bãi cát bị sạt lở cũng là yêu cầu cần thiết,  vậy nên, việc xuất khẩu cát ra nước ngoài trong khi địa phương đang thiếu khiến nhiều cử tri bức xúc.

DSC_5211 (1)
Cận cảnh sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển

Theo đa số cử tri Phú Quốc, không chỉ có “cát tặc” góp phần hủy hoại môi trường, còn nhiều đơn vị được cấp phép cũng “tranh thủ” khai thác cát vượt định mức, không chỉ cung cấp cho nhu cầu san lấp mặt bằng và xây dựng trong nước, mà còn xuất khẩu qua đảo quốc sư tử. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 67 triệu m3 cát sang thị trường Singapore với giá chỉ 1 USD/m3, rẻ gấp nhiều lần so với giá thị trường thế giới.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng khai thác cát ở các địa phương vẫn diễn ra ồ ạt như hiện nay. thì nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt, châu thổ sẽ lùi dần và biến mất, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Sự mất mát đó không thể đem ra đong đếm với chút lợi nhuận cỏn con mà các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cát mang về. 

“Có tiếp tục dự án này không là do Bộ Quốc phòng quyết định, vì đây là dự án của quốc phòng. Riêng về xuất khẩu, chúng tôi đề nghị dừng hẳn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn trả lời tại cuộc họp cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7/3 do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì.

(Còn nữa)

C.T.

 

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.