Thứ bảy, 21/01/2017, 10:40 AM

Kể chuyện ăn Tết

(NTD) - Người Việt quan niệm rằng, một năm ăn nên làm ra hay thất bại, vui hay buồn, may mắn hay xúi quẩy phụ thuộc rất nhiều vào ngày Tết. Bởi vậy, chẳng mấy ai coi nhẹ việc “ăn” Tết...

co-Tet-HN
Mâm cơm cúng ngày Tết Hà Nội.
tet-Ha-Noi
Một góc chợ Tết Hà Nội đầu thế kỷ 20.
goi-banh-chung
Gói bánh chưng.

Tết Bắc, đậm không gian văn hóa

Hà Nội là kinh đô, nơi hội tụ, giao lưu, lan tỏa văn hóa mọi miền trong và ngoài nước, trước hết là miền Bắc. Món ăn Hà Nội là tổng hòa của mọi thứ quà quê, đặc sản vùng quê đông nam, đoài bắc... thể hiện tính “sành ăn, sành uống, sành mặc, sành chơi” của người Kẻ Chợ. Ngày Tết, người Hà Nội không thể thiếu nồi thịt đông. Thịt chân giò, vài ba cái chân gà, ít mộc nhĩ thái nhỏ, nấu lên để đông, ăn kèm với dưa hành vừa không ngấy, vừa mát bụng. Ẩm thực nổi trội của Tết Nguyên đán đất Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là bánh chưng xanh. Cái gì quý nhất, ngon nhất người ta để dành ăn Tết. Nhà giàu mâm cỗ tám đĩa, tám bát, chồng đôi chồng ba đã đành, người nghèo cũng phải có “mâm cơm cúng cụ” với món này món khác, dẫu cho quanh năm bóp mồm, bóp miệng. Cả tháng trước Tết, người Hà Nội đã tranh thủ vỗ béo lợn, gà và tích lũy các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì... Còn các làng ngoại thành thì thi nhau tát ao, bắt cá chép, cá trắm to làm nồi cá kho. Chuyện làm trà, làm mứt không chỉ có tuần cuối năm. Các nguyên liệu làm mứt như múi khế, quả mơ, miếng bí đã được phơi khô trước đó cả tháng để đến Tết nhà nhà đều có đĩa mứt ngon. Trà mạn sen được chuẩn bị từ nhiều tháng trước.

Trước Tết nhiều ngày, ai cũng trau chuốt cho bộ quần áo trưng diện mấy ngày xuân. Nhà có ông bà cao tuổi, phải sắm được quần áo đỏ, khăn đỏ; còn trẻ nhỏ không thể thiếu bộ đồ xúng xính, mới tinh, nước hồ còn sột soạt... Thanh nữ cũng lo chuẩn bị xiêm y, giày dép, son phấn, đồ trang sức. Đêm giao thừa người Hà Nội có tục lệ đi chơi xuân hái lộc. Toàn là thú chơi, niềm vui không cần đến bát đĩa. Nhiều người quanh năm không biết cờ bạc là gì, nhưng Tết đến cũng có cỗ bài tam cúc để cả nhà cùng chơi. Đẹt mũi, đẹt tay, đẹt đùi rồi cười vang cả nhà. Hà Nội trước có lệ bói tuồng đầu năm. Chiều mùng Một, các rạp hát mở cửa, không đề tên vở diễn. Khách vào xem mới biết là vở gì, có người còn vào rạp lúc giữa vở, như kiểu bói Kiều, xem mình gặp cảnh gì trên sân khấu. Nhà rạp khôn khéo, bao giờ cũng chỉ diễn những vở tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc, đoàn viên để ai cũng hài lòng.

cho-bai-vu
Tết Huế không thể thiếu món chơi bài vụ.
che-Hue
Các loại bánh Huế

Miền Trung, cổ kính đất kinh thành

Ngày Tết ở Huế mang nhiều sắc thái dân gian, thường xuyên tổ chức các trò chơi, lễ hội mang sắc thái cung đình trong những ngày đầu năm mới. Trước Tết vài ngày thì không khí Tết mới bắt đầu rạo rực bởi các lễ cúng tổ tiên, cúng tổ nghề của các làng nghề. Trong ngày Tết người ta sẽ cúng tổ tiên một ngày 3 bữa, mùng Một cúng chay, từ những ngày sau cúng mặn. Ngày Tết ở Huế không chỉ rực rỡ bởi các vật trang trí từ những làng nghề nổi tiếng như trướng, liễn, hoa giấy thì trên nhiều con đường ở Huế cũng lung linh những vườn hoa khoe sắc.

Những ngày Tết cũng là dịp để món ăn Huế vốn nổi tiếng cầu kỳ được các bàn tay các o, các mạ trổ tài nấu nướng như các món mứt, bánh kẹo, chè, kim chi, dưa món... Các món ăn Huế là yếu tố quan trọng giúp cho một cái Tết Huế đầm ấp và thú vị. Huế nay vẫn còn duy trì các trò chơi dân gian trong những ngày Tết như một truyền thống. Từ các trò chơi dân gian đơn giản như bầu cua, xăm hường, bài vụ... “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày hội vật mồng mười tháng giêng”, câu ca dao rất đỗi mộc mạc của người dân làng Sình (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được truyền tụng qua nhiều thế kỷ. Cứ đúng ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ban chủ lễ của làng sẽ tập trung hàng trăm đô vật địa phương và những đô vật ở nơi khác đến để “khai hội” vật, mở đầu cho hội võ truyền thống có trên 500 năm tuổi của làng Sình. Còn lễ hội đu tiên Phước Yên được đánh giá là một trong những lễ hội đến nay vẫn còn lưu giữ được nét đẹp và phong cách truyền thống ngày xưa. Đu tiên Phước Yên được tổ chức từ ngày mùng 3-5 Tết Nguyên đán. Lễ hội này, đến nay đã có trên 300 năm tồn tại.

mua-rong_1
Múa rồng ngày Tết ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20.
cho-hoa-Nguyen-Hue
Chợ hoa Nguyễn Huệ thập niên 1960.

Tết miền Nam nhớ tiền hiền, tạ đất đai

Người miền Nam, “ăn” Tết mà thiếu tiếng quết bánh phồng rộn rã là... “hổng” Tết, tiếp theo đó là chuối sứ ép phơi khô. Bánh phồng nướng và mứt chuối là hai “đặc sản” không thể thiếu của mọi nhà từ thời mới mở đất. Ngày hăm ba là ngày đưa ông Táo và chư thiên về trời, cũng là ngày đánh dấu Tết đã cận kề. Lễ vật không thể thiếu để đưa ông Táo là chè, tốt nhất là chè trôi nước (sau này là thèo lèo, bánh in). Chiều 29 Tết là mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất để sáng hôm sau làm lễ rước ông bà. Nhìn bàn thờ tổ tiên, người ta có thể đánh giá được thành bại của gia chủ trong năm qua. Nhưng dù thế nào, trên bàn thờ cũng phải có dĩa trái cây ngũ quả; hồi trước ngũ quả là cam, quýt, bưởi, dừa, xoài với ý nghĩa tượng trưng sự sung mãn tròn đầy theo hình dáng chúng.

Sáng 30 là lễ rước ông bà đồng thời rước ông Táo và chư thiên về ăn Tết với gia đình. Mọi nơi thờ phụng như: Ông Táo, Long thần Thổ Địa, Thần Tài, Ông Thiên, Phật, thì đơn sơ với bánh tét, hoa quả, nhưng khói hương nghi ngút. Chiều ba mươi còn có tục “Tết Giếng”. Gia chủ bày một mâm lễ vật gồm bánh tét, trái cây, trầu cau, hoa quả, nhang đèn ngay bên giếng, van vái tạ ơn... ông bà Giếng đã cho nguồn sống. Sau đó họ múc nước cho đầy vào tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà đến tràn trề, rồi dán vào thành giếng một mảnh giấy hồng đơn; điều này mang ý nghĩa là “không được mở nắp giếng trước ngày mùng 3 để ông bà Giếng nghỉ ngơi”. Trong ba ngày Tết mà “khai giếng” là điều đại kỵ. Song song đó, trong nhà lu gạo, hũ đường, hũ muối, hành tỏi, đều phải đầy ăm ắp để cho sang năm cái ăn cái ở luôn được no đầy. Tục này nhiều nhà vẫn còn duy trì đến tận giờ.

Mùng Một Tết dù có thức dậy sớm để chuẩn bị cơm canh cúng ông bà nhưng không ai mở cửa trước mặt trời mọc vì sợ ma quỷ lẻn vào nhà. Mùng Hai, mùng Ba ngày ba bữa cũng “dâng cơm” cho tổ tiên như ngày mùng Một. Chiều mùng Hai thì mấy chị gói bánh tét để chuẩn bị ngày mùng Ba “tiễn (đưa) ông bà”. Chiều mùng Ba cũng là ngày đưa ông bà. Lễ vật gồm cơm canh như những ngày trước, đặc biệt là những đòn bánh tét “bự chà bá” gói ngày hôm qua (có thành ngữ “bánh tét mùng Ba”), để ông bà mang theo cho được no đủ trong suốt cuộc hành trình vạn dặm sông nước (thời khai hoang ông bà đi bằng ghe xuồng). Sáng mùng Bốn là lễ khai Giếng. Lễ vật giống như chiều 30, chủ nhà khấn vái xin ông bà Giếng phù hộ cho cả nhà đủ nước sinh hoạt suốt năm và bình an khỏe mạnh. Xong, miếng giấy hồng đơn bên thành giếng được gỡ ra, cho phép mọi người múc nước bình thường.

 

Nguyên Quốc

Xuân43
 

 

Bình luận

Nổi bật

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Giữ cho gương chiếu hậu ô tô không bị đọng nước trong quá trình lái xe dưới trời mưa là một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Tối ưu hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp trong thời đại số

Tối ưu hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp trong thời đại số

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

(CL&CS)- Đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp, với cam kết phát triển bền vững và chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.