Dữ liệu cũ
Thứ tư, 09/09/2015, 11:00 AM

Hiểm họa mang tên xe đạp điện

Việc sử dụng xe đạp điện một cách “bất cần luật” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và ô nhiễm môi trường.

17-0528

Xe đạp điện là phương tiện đi lại phổ biến của học sinh trường THPT Nguyễn Bình (huyện Đông Triều, Quảng Ninh)- Ảnh: Xuân Đoàn

Với mức giá tầm trung cùng nhiều tiện ích như nhỏ gọn, không cần bằng lái, đăng ký, không tốn xăng, mọi đối tượng đều có thể sử dụng…, xe đạp điện đã nhanh chóng trở thành phương tiện được nhiều học sinh ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp điện một cách “bất cần luật” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và ô nhiễm môi trường.

Kỳ 1: Mốt xe đạp điện tràn vào trường học

Mùa tựu trường là thời điểm “ăn nên làm ra” của các cửa hàng xe đạp điện khi sức mua tăng đột biến. Khoảng hai năm nay, xe đạp điện dường như đã thành trào lưu của học sinh không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn.

Mua xe “cho bằng chúng bạn”

Chỉ tay vào chiếc xe đạp điện mới cáu đang để trong bếp, anh Nguyễn Văn Lấp (cột 8, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh) bảo: “10 triệu đồng, tài sản đáng giá nhất trong nhà tôi đấy. Xót ruột lắm, nhưng con vừa đỗ cấp III, nó bảo ở trường bạn nào cũng có xe đạp điện. Mình nghèo cũng cố cho con bằng chúng bạn”.

Hàng ngày, vợ chồng anh Lấp đều phải dậy từ 3h sáng để chèo thuyền ra vịnh Hạ Long đánh bắt thủy sản. Sau khoảng 12 tiếng đồng hồ trên biển, nếu thuận lợi anh chị có 20 kg cá, số tiền bán cá chỉ đủ để chi trả tằn tiện sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình 5 người. “Chúng tôi nghèo khổ rồi nên chúng tôi chỉ mong con cái học hành thành tài. Vì thế, phải vay mượn mua xe đạp điện cho con, tôi cũng đành lòng. Tính ra, cả xóm vạn chài cũng đã có hơn 20 chiếc xe đạp điện”, chị Hằng (vợ anh Lấp) chia sẻ.

Chị Trần Thị Dung (phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) cũng vừa mua cho cậu con trai mới đỗ THPT chiếc xe đạp điện, dù trường học cách nhà có vài trăm mét. “Mấy hôm đầu nhập học, cháu đi bộ. Nhưng sau vài buổi, cháu nằng nặc đòi mua xe vì cả lớp ai cũng có xe đạp điện. Thôi thì mua xe để cháu đi chơi, đi học thêm đỡ tủi với bạn bè, chứ tiếc vài triệu đồng có khi con mặc cảm mà bỏ bê việc học hành”, chị Dung lý giải.

Trao đổi với Báo Giao thông, thầy Nguyễn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Hiện trường đang quản lý hơn 800 phương tiện của học sinh, trong đó, số lượng xe đạp điện, xe máy điện chiếm phần lớn. Đối với học sinh cấp THPT, xe đạp điện dường như đang là phương tiện phổ biến, thông dụng”, thầy Linh nhìn nhận.

Thầy Ngô Sỹ Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, theo thống kê của nhà trường đầu năm học 2015 - 2016, số lượng học sinh đăng ký gửi xe đạp điện, xe máy điện đã chiếm hơn 50% phương tiện của toàn trường, tăng 1,5 lần so với năm học trước. “Lượng xe đạp điện của học sinh đang ngày càng tăng cao, trong đó có đáp ứng nhu cầu đi lại, nhưng cũng có tâm lý đám đông”, thầy Thủy nói.

Ma trận chủng loại, chất lượng trên trời

Đáp ứng nhu cầu của một số lượng lớn học sinh, các cửa hàng bán xe đạp điện đã mở ra ở hầu khắp các địa bàn. Tại cửa hàng HKBike Thịnh Tuyết ngay gần thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản, Nam Định), chủ cửa hàng cho hay, những ngày đầu năm học mới, nhiều khi cung không đủ cầu. “Xe đạp điện giá vài triệu cũng có, chục triệu cũng có, nên ở nông thôn, người ta cũng mua được xe cho con”, chủ cửa hàng Thịnh Tuyết nói.

Khảo sát thị trường xe đạp điện nhiều tỉnh thành, PV Báo Giao thông nhận thấy, ở khu vực nào cũng dễ dàng mua được một chiếc xe đạp điện, từ các mẫu xe nhập ngoại như: Bridgestone, Nijia, Giant, Aima, Yeada, Hyundai... cho đến các mẫu xe sản xuất tại Việt Nam như: HKbike, Asama, Delta, Five stars… và cả các cửa hàng mua bán xe đạp cũ. Giá bán các xe đạp điện mới dao động từ 6-12 triệu đồng, còn xe cũ chỉ 2-5 triệu đồng/xe.

Tại cửa hàng xe đạp điện Lan Anh 198 Lò Đúc (Hà Nội), nhân viên cửa hàng nhanh tay giới thiệu các mẫu xe “bò điên” GA-333, GA333s, Nijia… giá bán 8-10 triệu đồng đang là “mốt” thịnh hành hiện nay. Đây là những mẫu xe một yên liền, có thiết kế hiện đại, vành bánh xe to, tay lái kiểu côn, có đầy đủ đồng hồ công tơ mét điện tử, lốp liền săm, tay ga, phanh trước đĩa, phanh sau cơ… Đặc biệt, với mọi khách đến mua hàng, nhân viên đều hỏi “có tháo hạn chế tốc độ không?”. Khi PV tìm hiểu, thì được giải thích là các loại xe được nhà sản xuất đặt một thiết bị hạn chế tốc độ, chỉ cho phép chạy tối đa 20-25 km/h, nhưng khi tháo bỏ thiết bị này thì tốc độ xe có thể lên đến trên 50 km/h. “Chạy nhanh như xe máy luôn, đảm bảo điện đủ dùng cho 60 km đường”, phía cửa hàng quảng bá.

Tại một cửa hàng xe đạp điện trên đường Trần Phú (Hà Nội), TP Vinh, khi PV thắc mắc tạo sao cùng một chiếc xe có tính năng giống nhau, có xe giá chỉ 5-6 triệu đồng, có xe lên tới chục triệu đồng, chủ cửa hàng tiết lộ: “Do không phải khách hàng nào cũng dư giả về mặt tài chính, nên cửa hàng đặt hàng linh kiện từ Trung Quốc, rồi mua khung, thiết bị phụ trợ về tự gia công, dán nhãn có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng để bán cho các “thượng đế” ít tiền (?!).

Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, xe đạp điện đang bị coi là hiểm họa khi thường xuyên vi phạm luật giao thông và không thân thiện với môi trường, ông Xie Hui, Cảnh sát giao thông TP Hàng Châu cho biết.

Theo thống kê mới đây, có gần 2.500 trường hợp tử vong do tai nạn liên quan đến xe đạp điện, tăng mạnh so với 34 vụ hồi năm 2001. Ngoài ra, do xe đạp điện không có biển số nên khó truy trách nhiệm khi chủ phương tiện “bỏ xe chạy lấy người”. Bên cạnh nỗi lo về an toàn, xe đạp điện cũng không thân thiện môi trường như nhiều người vẫn nghĩ. 95% xe đạp điện ở Trung Quốc sử dụng 5 bộ pin chì; mỗi bộ pin chứa từ 9-14 kg chì nên thải nhiều chì ra không khí hơn các phương tiện khác.

Do vậy, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã cấm xe đạp điện, như TP Phúc Châu cấm từ năm 2002, TP Thẩm Dương cấm từ năm 2009. Thậm chí, cảnh sát TP Ôn Châu tịch thu hàng nghìn xe đạp điện do vi phạm tốc độ và kích thước quá lớn. Tháng 12/2012, Trung Quốc công bố các quy định quản lý xe đạp điện chặt chẽ hơn trên toàn quốc.

Q.M

Tin tức mới nhất về Xã hội mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Theo Văn Thanh- Hữu Tuấn/ Báo Giao thông

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.