Tin - Ảnh
Thứ tư, 03/07/2024, 14:19 PM

Hà Nội: Cần thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị

(CL&CS) - UBND TP Hà Nội đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành

Mới đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường thay mặt UBND TP Hà Nội trình HĐND đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 96,8 km đường sắt đô thị với nguồn vốn 14,6 tỷ USD giai đoạn 2024-2030. Dự kiến hoàn thành 301 km với nhu cầu vốn khoảng 22,6 tỷ USD giai đoạn 2031-2035. Sau 2030, đường sắt đô thị dự kiến đảm nhận 35-40% hành khách công cộng, tương đương 9,7-11,8 triệu chuyến đi một ngày.

Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam sử dụng vốn ODA từ nước ngoài, có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm xuất xứ nước tài trợ. Do vậy, các dự án có sự khác nhau về kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác vận hành. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ hóa quản lý, kết nối trung chuyển, khó tối ưu trong tận dụng nguồn nhân lực.

Trong đó, tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuyến 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu. Tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Nhật Bản và châu Âu.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giải thích các dự án khác biệt nhiều ở đường kính vỏ hầm, kích thước đoàn tàu, vật liệu vỏ, kiểm soát đánh giá an toàn hệ thống. Việc này dẫn đến nhiều bất cập trong đồng bộ, tận dụng thiết kế, tận dụng kinh nghiệm, đào tạo chuyển giao, cũng như khó khăn trong kết nối trung chuyển, tối ưu hóa năng lực sửa chữa, bảo trì toàn mạng lưới.

Hà Nội: Cần thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị.

Hà Nội: Cần thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung về khổ đường, độ rộng đầu máy toa xe, chiều dài ke ga, lựa chọn tàu điện bánh hơi hay bánh sắt, lựa hình thức cấp điện, mức độ tự động hóa, hệ thống điều khiển chạy tàu, khả năng cải tiến công nghệ trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Thường cũng cho biết khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung chỉ là công cụ hỗ trợ để xác định quy tắc thiết kế và thi công, không mang tính áp đặt. Thành phố vẫn cho phép linh hoạt lựa chọn nhà cung cấp khác nhau để có được chi phí và chất lượng tốt nhất thông qua đấu thầu.

Thẩm tra nội dung này, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đồng tình và đề nghị UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các dự án đường sắt đô thị, đảm bảo thống nhất với các địa phương khác trong tương lai.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cần ban hành khung pháp lý để nội địa hóa công nghệ; xây dựng cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ trong việc sản xuất cấu kiện, thành phần cho dự án đường sắt đô thị; xây dựng cơ chế đặt hàng sản xuất sản phẩm đặc thù phục vụ đường sắt đô thị.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo an toàn đối với các khu vực đường sắt đô thị đi ngầm; tối đa việc ngầm hóa, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phía trên đường sắt.

Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 96,8 km đường sắt đô thị. Việc không có sự đồng bộ thống nhất trong các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến Hà Nội khó có thể triển khai song song các tuyến, cũng như khó trong việc tận dụng nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia, nên thống nhất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Nếu thống nhất một tiêu chuẩn kỹ thuật, thì đây sẽ là tiêu chuẩn chung không chỉ cho Hà Nội mà là cả nước. Ông Đàm Văn Huân - Trưởng Ban đô thị,  HĐND thành phố cho biết: “Quy chuẩn hóa tiêu chuẩn này thì không những tốt cho Hà Nội mà còn cho TP.HCM và các tỉnh tiếp theo sẽ làm đường sắt, thì sẽ làm theo quy chuẩn này. Như vậy sẽ giảm được rất nhiều cho ngân sách Nhà nước”.

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chính phù hợp, thống nhất cho tất cả các tuyến. Điều này sẽ giúp Hà Nội không những đẩy nhanh quá trình thi công theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, mà còn thuận lợi hơn trong thi công, vận hành và quản lý sau này.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Công cụ TPM giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

Công cụ TPM giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Khi doanh nghiệp kiên trì áp dụng TPM (nâng cao hiệu suất tổng thể) thì sẽ đạt được các mục tiêu quan trọng về năng suất (quản lý hệ thống sản xuất, kế hoạch sản xuất và thay thế phụ tùng, theo dõi các chỉ tiêu một cách chi tiết); Chất lượng sản phẩm chất lượng ngày càng cao; giảm chi phí phát sinh xuống mức thấp nhất; giao hàng nhanh nhất; nâng cao tinh thần làm việc của công nhân viên; Tạo dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, tích cực...

Tuyên dương 60 thầy, cô giáo tiêu biểu đang dạy  ở vùng sâu, vùng xa

Tuyên dương 60 thầy, cô giáo tiêu biểu đang dạy ở vùng sâu, vùng xa

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:02

( CL&CS)- Chiều ngày 14/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp mặt và tặng Bằng khen cho 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu.

Lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:45

(CL&CS) - Vừa qua, Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024 được diễn ra tại Hà Nội.