Dữ liệu cũ
Thứ năm, 13/04/2017, 07:25 AM

Góc khuất của RIAV - Kỳ 5: Những tiết lộ gây sốc từ bảng giá thu phí của RIAV

(NTD) - Ngay sau khi loạt bài điều tra của chúng tôi được đưa đến độc giả, trên các trang mạng Internet xuất hiện một văn bản được cho là bảng giá chính thức của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) ban hành ngày 14/7/2016.

Trái với kỳ vọng của cộng đồng mong muốn thấy được sự minh bạch của RIAV, văn bản này càng khiến sự việc trở nên tù mù hơn, đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi mới và bất ngờ hơn cả, nó cho thấy rõ hơn sự chuẩn bị thôn tính như đã trình bày ở các bài báo trước.

Văn bản RIAV ban hành có tên “Bảng giá thu phí bản quyền quyền liên quan của bản ghi” để thông báo đến các Trung tâm Karaoke mức giá thu phí quyền liên quan đối với bản ghi karaoke thuộc quyền sở hữu quản lý của RIAV. 

BANG GIA THU PHI RIAV
Bảng giá của RIAV bị rò rỉ. Ảnh: PV.

Xem xét kỹ “Bảng giá thu phí bản quyền quyền liên quan của bản ghi” của RIAV, có vẻ văn bản này được soạn thảo và in ra rất vội vàng đến nỗi nhìn sơ qua chúng ta có thể chỉ ra kha khá các lỗi soạn thảo văn bản.

Đầu tiên xét hình thức của văn bản. Về tổng quan, đây là một văn bản thông báo thu phí, quy cách trình bày của nó hoàn toàn sai đối với một văn bản thông báo. Đáng ra trình tự và nội dung trình bày nên là: Thông báo về việc thu phí quyền liên quan đối với bản ghi karaoke (tựa văn bản cũ “thu phí bản quyền quyền liên quan của bản ghi” vừa thừa vừa thiếu từ), căn cứ của thông báo, trình bày lý do, nội dung thông báo, nơi nhận.

Hơn nữa, lúc thông báo sẽ thu phí quyền liên quan, RIAV có đề cập đến việc Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thu khoản phí này. Tuy nhiên, trong toàn văn của thông báo này, chúng ta không thấy một dòng nào nhắc đến “Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền” (Trung tâm). Cuối cùng là Trung tâm hay RIAV sẽ chịu trách nhiệm việc thu tiền?

Khi đọc văn bản này, người ta có thể nhận thấy vẫn còn một số lỗi đánh máy, chẳng hạn như viết sai từ: “khai tác” (đáng ra là “khai thác”), lỗi dấu câu, không thống nhất cách viết hoa cho các cụm từ (phía trên là “Hiệp Hội Công Nghiệp Ghi Âm Việt Nam”, nhưng xuống dưới lại là “Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam”). Đây không phải là một văn bản quá dài đến nỗi không thể rà soát hết các lỗi đánh máy. Sự sai sót này không thể là do bất cẩn mà là do cẩu thả và vội vàng. Không hiểu đối với một văn bản thu phí quan trọng như vậy mà tại sao Hiệp hội không dành thời gian đọc lại để rà soát các lỗi đánh máy cho văn bản chỉnh chu hơn?

Ở phần nêu căn cứ, “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam” là một cụm từ quá chung chung trong khi RIAV có thể liệt kê cụ thể tên văn bản quy định quyền và trách nhiệm của Hiệp hội như Nghị quyết, Điều lệ… để những ai thắc mắc liệu cơ sở nào để Hiệp hội ra văn bản thông báo thu phí 2.000 đồng còn biết để tra cứu.

h1-1541
RIAV đang để lộ những sai phạm của mình. Ảnh minh họa.

Ngay từ đầu văn bản, RIAV cho biết văn bản hướng đến các tác phẩm âm nhạc thuộc “quyền sở hữu quản lý” của RIAV. Sai lầm cơ bản nằm ngay tại đây, khi RIAV cho rằng họ sở hữu các bản ghi âm karaoke (không hiểu sao họ lại gọi là tác phẩm âm nhạc - một thứ mà thẩm quyền cấp phép thuộc VCPMC) của các thành viên. Căn cứ theo hình thức hoạt động và Điều lệ hoạt động của RIAV, họ không sở hữu bất cứ bản ghi âm nào, các bản ghi âm này luôn thuộc về Hội viên!

Có lẽ chính sự nguỵ biện này, khiến cho RIAV tự cho mình cái quyền của chủ sở hữu là muốn bán cho ai thì bán, muốn cho không ai thì cho như bây giờ!

Thứ hai, xét về nội dung của văn bản này. Theo Điều lệ của RIAV, Điều 16 Quy định một trong những nội dung của hội nghị toàn thể hàng năm do hiệp hội tổ chức mỗi năm một lần là: “Thảo luận và thông qua biểu giá thu tiền bản quyền, quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền, quy chế phân phối tiền bản quyền”. Sau mỗi hội nghị, nếu có quyết định nào đó được thông qua thì nó sẽ được ghi nhận vào nghị quyết để ban hành. Trong phần căn cứ mà RIAV đã nêu, chúng ta không thấy đề cập tới bất cứ văn bản nghị quyết nào. Chúng ta có quyền băn khoăn liệu rằng có tồn tại một nghị quyết của hội nghị thông qua bảng giá này? Nếu không thì bảng giá thu phí này đã được ban hành mà không dựa trên nghị quyết của hội nghị toàn thể, điều này trái với điều lệ của RIAV, và văn bản này sẽ trở nên vô giá trị.

Trong văn bản của RIAV đề cập: “Mức giá thu phí bản quyền quyền liên quan bản ghi (bao gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sĩ)”. Quyền ca sĩ, ở đây được hiểu là quyền liên quan đối với nghệ sĩ biểu diễn, được quy định cụ thể tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Được biết tháng 7/2016, tổ chức đại diện quyền của nghệ sĩ biểu diễn APPA còn chưa đi vào hoạt động, không hiểu RIAV lấy từ đâu ra quyền này để đại diện?

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và nếu như RIAV không chứng minh được họ có được sự ủy quyền trực tiếp từ các nghệ sĩ biểu diễn, thì có thể xem họ đã vi phạm nghiêm trọng hàng loạt hành vi được xem là xâm phạm quyền theo quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ.

Với một văn bản thiếu chuyên nghiệp từ nội dung đến hình thức như thế đã được soạn ra rất vội vã, dư luận chỉ càng hoài nghi về bản chất việc thu phí 2.000 đồng của RIAV. Chưa kể, tuy ngày ra văn bản này là 14/7/2016 nhưng mãi đến tháng 4/2017 người ta mới được tận mục sở thị văn bản này sau một thời gian dài những thắc mắc về sự tồn tại của nó.

Vấn đề thứ ba, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, khi theo thông tin RIAV đã chia sẻ với báo chí từ trước, số tiền thu được sẽ được chia như sau: 10% để chi trả các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội, 5-10% cho Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, 80-85% còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu bản ghi.

Điều đáng lưu ý là từ năm 2005, Bộ Văn hóa và Thể thao ban hành Công văn số 3422/BVHTT-TTr cấm các Sở Văn hóa - Thể thao các tỉnh không được đứng ra thu tiền bản quyền thay cho các tổ chức quản lý tập thể trong nhà hàng karaoke khi chưa có hướng dẫn từ Bộ VH-TT và Bộ Tài chính. Đến nay, chưa có một văn bản nào hủy bỏ hay thay thế công văn này nên hiệu lực của nó vẫn tồn tại đến ngày nay. Vậy nên việc Sở VH-TT để RIAV tự ý thực hiện việc thu phí quyền liên quan và chia lại % cho các sở là trái với chỉ đạo của Bộ.

Bản chất của việc thu tiền bản quyền là quan hệ dân sự giữa chủ sở hữu quyền với người sử dụng. Trong khi đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc lạm dụng các cơ quan này để ép buộc thực hiện hành vi dân sự có thể được coi là hành chính hóa quan hệ dân sự. Một tổ chức như RIAV, được các cơ quan quản lý theo sát và hỗ trợ tư vấn tối đa mà vẫn còn có thể đưa ra một chính sách trái pháp luật như vậy chỉ chúng tỏ sự coi thường pháp luật thái độ thiếu tôn trọng, bỏ qua các chỉ đạo của cơ quan chủ quản. Nếu các cơ quan Thanh tra, kiểm tra không sớm thực hiện các hoạt động thanh tra đầy đủ và toàn diện những đơn vị như RIAV, e rằng sự lộng quyền còn có thể cao hơn nhiều lần.

Cuối cùng, sau một thời gian lùm xùm với những sự cố thiếu minh bạch, dù đã hứng chịu nhiều chỉ trích thì tình hình hoạt động của RIAV vẫn không sáng sủa hơn là bao. Thậm chí lần này, RIAV còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi ra những thông báo, quyết định đi ngược lại nghị quyết, điều lệ của hiệp hội nói riêng và các quy định pháp luật khác về hoạt động Hội nói chung, đồng thời cho thấy sự thiếu tôn trọng các chỉ đạo của cơ quan chủ quản, điều hiếm thấy tại các tổ chức tương tự.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.