Dữ liệu cũ
Thứ hai, 10/04/2017, 07:34 AM

Góc khuất của RIAV - Kỳ 2: Oái oăm con số 2.000 đồng mà RIAV quyết tâm thu bằng được

(NTD) - Cuối tháng 3 năm nay, RIAV bất ngờ thông báo từ tháng 7/2017 sẽ thu 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke/năm của tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên lãnh thổ Việt Nam. Giá trị của 2.000 đồng tuy chỉ gói gọn trong một tờ bạc lẻ và không bằng ly trà đá như bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV, nói với báo chí nhưng nếu nhân nó lên với 40.000 bài hát (Việt Nam và quốc tế) trong một đầu thu, nhân thêm 20 đầu máy karaoke mà một cơ sở karaoke trung bình sở hữu, tổng số tiền lên đến 1,6 tỷ đồng. Đây là số tiền mà cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke rất có thể sẽ phải trả cho RIAV dưới danh nghĩa thu phí quyền liên quan đối với bản ghi karaoke.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi điều này đang gây bức xúc nặng nề trong cộng đồng kinh doanh karaoke vì tính phi lý của nó. Có nhiều lý do khiến dư luận phản ứng, dù rằng việc thu tiền quyền liên quan này nghe có vẻ rất bùi tai qua lời hứa hẹn nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm karaoke của RIAV. Người ta đặt dấu hỏi việc thu tiền của RIAV có hàm ẩn vấn đề gì không. RIAV có thẩm quyền thu phí quyền liên quan đối với bản ghi karaoke không? Căn cứ nào để RIAV đưa ra con số 2.000 đồng? Chủ sở hữu quyền liên quan của bản ghi karaoke được hưởng bao nhiêu từ 2.000 đồng ấy? Và còn nhiều câu hỏi khác xung quanh tính hợp lý của con số 2.000 đồng này.

Trước khi xét đến tính hợp lý, hãy xem xét tính hợp pháp của con số 2.000 đồng

Như chúng ta đã biết, RIAV là một tổ chức đại diện tập thể (còn gọi là tổ chức quản lý tập thể - Collecting Management Organization). Đây là 1 tổ chức hoạt động dựa trên ủy quyền, không phải của riêng cá nhân ai, vì thế, bất cứ phương án thu phí nào do Hiệp hội đưa ra cũng phải tuân thủ trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người ủy quyền, tính toán trên cơ sở người ủy quyền cho phép.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 41, Nghị định 100/2006/NĐ-CP (đã sửa đổi bằng Nghị Định 85/2011/NĐ-CP, Nghị định 100), thì hoạt động của Hiệp hội như thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; thu và phân chia các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền… đều phải dựa vào ủy quyền của chủ sở hữu quyền.

Điều lệ của Hiệp hội cũng quy định rất rõ nghĩa vụ của Ban lãnh đạo Hiệp hội trong việc thu tiền bản quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt 3 văn bản sau: Biểu giá, quy chế thu và quy chế phân phối tiền bản quyền. Trong bất cứ trường hợp nào, việc xác định giá hoàn toàn không được sử dụng cảm quan mà phải tuân thủ cực kỳ nghiêm túc 3 văn bản nói trên.

17792719_755862884570754_229216528_n
Góc khuất của RIAV trong cách thu phí. Ảnh: PV.

Biểu giá là một trong những văn bản quan trọng nhất của các tổ chức đại diện tập thể, và theo quy định của pháp luật, hàng năm, sau khi được Đại hội thông qua biểu giá, Hiệp hội phải báo cáo với Cục Bản quyền tác giả về biểu giá áp dụng cho năm đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 41, Nghị định 100.

Thật kỳ lạ khi con số 2.000 đồng/bài hát/máy karaoke/năm của Hiệp hội đưa ra không nằm trong bất kỳ biểu giá hay báo cáo nào của Hiệp hội, cũng không thể coi 2.000 đồng là ý chí của các chủ sở hữu quyền. Con số này được "phát minh" ra hết sức ngẫu nhiên và đầy cảm tính, không hề dựa trên cơ sở pháp lý, quy chế nào của RIAV: “Một giờ hát karaoke được chủ cơ sở kinh doanh thu là 150.000 đồng. Và trong một tiếng đó, hát cỡ trung bình 10 bài và giá tiền 15.000 đồng/bài. Trung tâm sẽ thu về mỗi bài là 5% tiền quyền liên quan, tức vào khoảng 750 đồng/bài. Mỗi năm, một bài hát đó Trung tâm sẽ tính hát đi hát lại 3 lần và 750 nhân 3 là 2.200 đồng...” bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV, đã lý giải như vậy. Trong cái lý giải của bà ta hoàn toàn không thấy bóng dáng cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn nào, hoàn toàn là những con số tự đong đếm, tự ước lượng.

Việc tùy tiện đưa ra một mức giá mà không được bất cứ chủ sở hữu quyền nào cho phép là một hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ủy quyền mà còn vi phạm hàng loạt quy chế nội bộ cũng như Điều lệ của Hiệp hội, thể hiện sự thiếu tôn trọng của Hiệp hội đối với các Hội viên.

Với mức giá 2.000 đồng, câu hỏi nên đặt ra là: Tại sao RIAV lại bỏ qua tất cả các quy định pháp luật để tùy tiện đưa ra mức giá này? Liệu có toan tính gì phía sau?

Cơ sở thực tiễn nào cho phép RIAV đi thu tiền?

"Trước khi anh thu tiền của người khác, anh phải có cái gì đó trao lại cho người ta", đó là nguyên tắc có qua có lại trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào. RIAV có cái gì để trao lại cho các cơ sở kinh doanh karaoke để đổi lấy 2.000 đồng? 

Thường thì trung bình một đầu máy Karaoke trong địa điểm kinh doanh có khoảng 40.000 ca khúc. Trong số đó, khoảng 50% là nhạc nước ngoài.

50% số nhạc còn lại thì đến hơn 1 nửa là nhạc Midi, tức là thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất máy Karaoke Midi, các nhà sản xuất này không ủy quyền cho RIAV.

Số nhạc còn lại chừng 25% thì hơn 80% trong số này là các ca khúc không có tên trong danh mục được ủy quyền cho Hiệp hội. Để kiểm chứng điều này, chúng tôi chọn 50 bài nhạc nằm trong top 50 của bảng xếp hạng Zing và 50 ca khúc nằm trong top được nghe nhiều nhất tại NCT. Tất cả các ca khúc này đều không nằm trong danh mục được ủy quyền của Hiệp hội.

IMG_2589
Dư luận bức xúc vì cách thu phí không rõ ràng của RIAV. Ảnh: PV.

Trong số chưa đến 5% tác phẩm tại các cơ sở karaoke có tên trong danh mục tác phẩm ủy quyền thì phần lớn trong số này là các bản ghi dù cùng tác phẩm nhưng lại không phải bản ghi âm mà RIAV đang quản lý (thông thường một ca khúc khi phát hành sẽ có nhiều phiên bản khác nhau được lưu hành và rất ít trong số đó thuộc danh mục ủy quyền của Hiệp hội).

Vậy, con số tạm tính là khoảng 1-2% bản ghi âm trong quán karaoke là nằm trong danh mục ủy quyền, lại là những ca khúc lỗi thời, gần như không bao giờ được sử dụng. Thử hỏi Hiệp hội đang thu tiền gì, cơ sở nào để Hiệp hội đi thu tiền các đơn vị sử dụng? Nói trắng ra, RIAV gần như không có cái gì để trao lại cho các cơ sở kinh doanh karaoke để đòi đổi lấy phí 2.000 đồng.

Một câu hỏi nữa được đặt ra về quyền liên quan của chủ sở hữu: chủ sở hữu được hưởng bao nhiêu trong số 2.000 đồng ấy? Như đã đề cập, Hiệp hội không hề có hệ thống lưu trữ bản ghi, cũng như không cung cấp bản ghi vật lý cho người sử dụng, vậy chỉ với tên bài hát, làm sao xác định bản ghi đó thuộc chủ sở hữu nào, trong trường hợp đó thì chia tiền ra sao? Lưu ý rằng, trường hợp một bài hát có nhiều phiên bản là chuyện rất bình thường trong ngành ghi âm, thậm chí có những bài có hơn 10 phiên bản khác nhau của hơn 10 nhà sản xuất độc lập.

Một vấn đề mang tính nền tảng chưa từng được RIAV làm rõ trong suốt quá trình hoạt động: đó là danh sách các bản ghi karaoke của RIAV. Trong khi RIAV chỉ cung cấp cho chủ sở hữu danh sách bản ghi (tất cả các thể loại) và mặc nhiên coi đó là danh sách bản ghi karaoke, điều này hết sức nguy hiểm vì không thể phân phối tiền bản quyền bản ghi karaoke cho chủ sở hữu bản ghi âm nhạc được. Nếu như vậy và nguồn tiền được RIAV thu về sẽ phải phân bổ thế nào, giao cho ai? Minh chứng cho việc này, khi được hỏi về danh mục bài karaoke mà RIAV sẽ thu tiền, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Maketing Công ty Hanet (được ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm cấp phép và Quản lý quyền của RIAV) cho biết đâu đó có tối thiểu trên 2.000 bài, tối đa trên 5.000 bài, nhưng không thể cung cấp được (PV. Phải giữ bí mật) là vì theo hợp đồng mua bán giữa RIAV với đơn vị sản xuất đầu karaoke nên không tiết lộ với bên thứ 3.

Trong câu chuyện của RIAV, đáng buồn là chúng ta luôn phải nhắc nhở đến vấn đề minh bạch, vấn đề mà lẽ ra, bất cứ tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nào cũng phải lấy làm chân lý.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.